Phóng viên ICTnews đã có buổi trò chuyện với ông Trần Việt Hùng, CEO GotIt! về ứng dụng GotIt!, ứng dụng startup Việt ở Silicon Valley đứng thứ 2 trên AppStore Mỹ và câu chuyện "go global" (phát triển thị trường nước ngoài) của startup Việt

Thưa ông, hiện GotIt! đang có chiến dịch săn 10.000 chuyên gia người Việt. Ông có thể nói rõ hơn về cuộc tìm kiếm này và tại sao lại là chuyên gia người Việt chứ không phải chuyên gia người nước ngoài khi GotIt! là ứng dụng “go global” 

GotIt! hoạt động theo cơ chế sàn giao dịch (marketplace), trong đó người mua là các sinh viên và người bán là các chuyên gia. Hiện tại, người mua của GotIt! chủ yếu là các sinh viên ở Mỹ và một số nước nói tiếng Anh, còn phía người bán bao gồm sinh viên, giáo viên, người về hưu... ở khắp nơi trên thế giới trong đó tập trung nhiều ở Philippines, Ấn Độ, Đông Âu, Nam Phi, Mỹ,.... Các chuyên gia này đã và đang làm việc trên nền tảng của GotIt! từ khi chúng tôi tung ra bản beta vào đầu năm 2014. Khi GotIt! ngày càng tăng trưởng mạnh, các chuyên gia càng kiếm được một khoản thu nhập thêm đáng kể bằng cách chỉ tận dụng thời gian rảnh của mình. Đặc biệt, hiện có một bạn đang là giảng viên Đại học ở Kenya sau khi làm việc trên GotIt! một thời gian thấy thu nhập cao gấp đôi công việc chính của bạn ấy và quyết định bỏ việc để làm toàn thời gian cho GotIt!. Đây là một việc thực sự có thay đổi lớn về cuộc sống.

Qua đó, tôi nhận thấy đây có thể là cơ hội tốt cho các bạn trẻ ở Việt nam, bởi vì các bạn học khối A, về mặt chuyên môn hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu của GotIt! Tuy nhiên, tôi chưa chắc chắn về khả năng Tiếng Anh của các bạn trẻ nên cuối năm ngoái tôi tiến hành một chương trình thử nghiệm chọn 50 chuyên gia tại Việt nam để thử làm việc trên GotIt! với sự giúp đỡ của thầy giáo Đặng Minh Tuấn và TS. Nguyễn Đắc Đồng. Sau 6 tháng thử nghiệm, chúng tôi đánh giá nhiều chuyên gia Việt nam làm việc rất tốt đặc biệt có bạn Nguyễn Minh Đức đã được chọn làm chuyên gia cao cấp để đánh giá chất lượng của các chuyên gia khác trên toàn cầu.

Do đó, tôi thấy GotIt! hoàn toàn có thể huy động một số lượng lớn các chuyên gia ở Việt nam. Hiện chúng tôi đã khởi động chiến dịch lựa chọn 10000 người đầu tiên. Vì phạm vi hoạt động của GotIt! là toàn cầu nên 10000 chuyên gia Việt nam là một phần trong toàn bộ cộng đồng hàng trăm nghìn chuyên gia khác và GotIt! còn cần nhiều chuyên gia hơn thế do nhu cầu rất lớn từ sinh viên.

Tại sao GotIt! lại mở văn phòng ở cả Mỹ và Việt Nam thay vì một nơi duy nhất ?

GotIt! là một startup Mỹ với trụ sở chính tại Silicon Valley, nơi chúng tôi làm các công việc như nghiên cứu người dùng, thiết kế sản phẩm, tăng trưởng, các dự án phức tạp,... Tại Việt Nam, văn phòng GotIt! là văn phòng kỹ thuật nơi các kỹ sư phần mềm làm việc với các đồng nghiệp ở Silicon Valley để xây dựng và vận hành nền tảng (platform). Việc có văn phòng ở cả Mỹ và Việt Nam là một lợi thế của GotIt!. Bởi vì, chúng tôi có thể chia các công việc ra thành từng phần bên nào làm tốt phần nào thì sẽ xử lý phần đó ngoài ra chúng tôi luôn có người để đảm bảo cung cấp dịch vụ 24/24. Chưa kể đến, chúng tôi có thể tiết kiệm được một phần kinh phí hoạt động. Đối với những startup chưa có doanh thu như GotIt! thì tài chính như là máu và ôxy nên nếu không tiết kiệm hết vốn là có thể phá sản luôn.

Là một ứng dụng “go global”, với việc tuyển 10.000 chuyên gia người Việt, phải chăng GotIt! đang muốn nhắm đến thị trường Việt Nam.

Trong tương lai gần, ngoài việc tuyển dụng các chuyên gia, GotIt! chưa có các hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Mặc dù về lâu dài, công ty nào cũng đều muốn sản phẩm của mình có mặt ở mọi thị trường và mọi ngôn ngữ, tuy nhiên các startup đều có nguồn tài nguyên rất hạn chế nên phải tập trung vào thị trường nào tiềm năng nhất ở mỗi thời điểm. Hiện tại Mỹ và các nước nói tiếng Anh đang là thị trường tập trung của GotIt! 

 Nhiều ứng dụng Việt “go global” thành công nhưng chưa thể chinh phục được thị trường Việt Nam. Theo ông, nguyên nhân của việc này là gì ?

Theo tôi không nên quá quan trọng là “go global” hay tập trung ở thị trường Việt nam. Nếu sản phẩm và dịch vụ của mình được thị trường nào đón nhận thì hãy tập trung vào thị trường đó. Ngoài ra, mỗi thị trường đều có những thói quen về sử dụng sản phẩm hay dịch vụ khác nhau nên rất khó để một sản phẩm có thể làm hài lòng được người dùng ở nhiều thị trường. Nếu sản phẩm của mình được đón nhận ở thị trường nước ngoài tốt nhưng chưa được đón nhận ở Việt nam thì bản thân startup đó cũng cần xem lại là sản phẩm hay dịch vụ của mình đã được thiết kế phù hợp với thói quen và văn hoá với người dùng Việt nam hay chưa. 

Theo ông, startup Việt Nam nên “go global” hay tập trung cho thị trường Viêt Nam?

 Như tôi đã nói ở trên thị trường nào mình có thể có traction tốt thì tập trung vào đó trước vì có rất nhiều việc phải làm để chinh phục được một thị trường nhiều khi đây là cả một quá trình dài hơi đặc biệt nếu các sản phẩm và dịch vụ có xu hướng thay đổi thói quen hàng ngày của người dùng. Thế nên các nhà sáng lập nên chọn thị trường nào mà có thể tạo ra nhiều giá trị cho công ty nhất để tập trung vào trước. Sau đó sẽ mở rộng từ từ.

Ở thị trường nào cũng vậy, để có cơ hội thành công thì sản phẩm phải tốt, cung cấp những tính năng mà người dùng mong muốn. Người dùng sẽ sử dụng sản phẩm, quay lại, và còn giới thiệu cho bạn bè dùng (product-market fit). Để có thể làm ra được các sản phẩm như vậy, cả nhóm phải dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu người dùng về các đặc tính, thói quen, văn hoá,.. Ví dụ như ở GotIt!, nhóm sản phẩm hiểu người dùng tới mức có thể biết người ta nghĩ gì và mình có thể suy nghĩ giống như người ta. Từ đó khi đưa bất kỳ tính năng gì vào sản phẩm, GotIt! đều nghĩ tới người dùng và phán đoán người ta sẽ phản ứng thế nào. Ngoài ra khi muốn “go global”, các nhà sáng lập và đội ngũ lãnh đạo cũng phải sẵn sàng là người global về phương pháp quản lý, điều hành công việc, tuyển dụng, khả năng ngoại ngữ...  

Môi trường ban đầu cho startup ở Mỹ và ở Việt nam khác nhau như thế nào ? Theo ông môi trường Việt Nam hiện tại thiếu những điều kiện gì cho các startup có thể thành công ?

Thực ra, khi mọi người nói đến môi trường ở Mỹ hay tự ngầm hiểu là Silicon Valley, tuy nhiên Silicon Valley rất đặc biệt và khác với phần còn lại của nước Mỹ. Có rất nhiều công ty lớn biến không thành có (zero to one) tại Silicon Valley. Một vài bạn trẻ trong một garage cũ và vài năm sau xây dựng được cả một đế chế. Điều này xảy ra thường xuyên ở Silicon Valley nhưng rất hiếm khi ở các nơi khác trên thế giới.

Ngoài ra, ở Silicon Valley có một kiểu văn hoá startup rất đặc trưng, mọi thứ diễn ra nhanh và hiệu quả, từ việc thử sản phẩm, huy động vốn, tuyển dụng nhân tài,.. nên rất khó có thể so sánh được Silicon Valley với các nơi khác.

Còn về môi trường Việt Nam, theo kinh nghiệm hoạt động của GotIt! cho tới bây giờ, chúng tôi thấy thiếu trầm trọng kỹ sư giỏi có tiềm năng để phát triển ngang tầm với các kỹ sư ở Silicon Valley. Văn phòng GotIt! tại Việt Nam mong muốn tuyển thêm 15 kỹ sư để thêm vào nhóm 10 người hiện tại nhưng chỉ tuyển được vài người từ hàng ngàn hồ sơ dự tuyển, số hồ sơ đạt yêu cầu cũng chỉ chiếm khoảng 5%. Phần lớn các kỹ sư nộp hồ sơ vào GotIt! làm outsourcing (thuê ngoài) quá nhiều, dẫn tới không có tư duy xây dựng sản phẩm và tư duy tăng trưởng, hiểu sâu sát vấn đề nên khó mà có thể xây dựng được một sản phẩm tốt. Như tôi đã nói ở trên, đối với startup thì xây dựng được một sản phẩm tốt là yếu tố sống còn. Chính vì thế, nếu các kỹ sư không thể làm được việc đó tốt thì cơ hội thành công sẽ rất thấp. Chính vì vậy, hiện tại, GotIt! đã thay đổi chiến lược tuyển dụng, thay vì tập trung tuyển những người đã có kinh nghiệm thì GotIt! tuyển các bạn sinh viên mới ra trường thông minh và ham học hỏi. Qua đó, xác suất sẽ đào tạo được một kỹ sư tốt cao hơn nhiều.

Ngày xưa GotIt! đã muốn tuyển dụng các bạn mới ra trường nhưng lúc đó chưa ai biết GotIt! là gì, điều kiện cơ sở vật chất cũng chưa thực sự tốt khi cả nhóm phải làm trong một căn chung cư khá chật. Khi đó có ứng viên đến phỏng vấn nhìn thấy cảnh ấy đã rút lui ngay lập tức vì chê văn phòng tuềnh toàng.

So với các kĩ sư thế giới, thì các kĩ sư công nghệ ở Việt Nam đang có một khoảng cách nhất định. Điểm yếu của các kĩ sư công nghệ Việt Nam là thiếu kiến thức căn bản về khoa học máy tính để có thể hiểu sâu vấn đề và có thể sử dụng thuật toán trong viết code, không có tư duy xây dựng sản phẩm và tiếng Anh giao tiếp kém. Tuy nhiên, nếu có điều kiện đào tạo tốt thì hoàn toàn có thể đuổi kịp trình độ của các nước khác. 

Cám ơn ông về buổi phỏng vấn.

GotIt! (có nghĩa là Hiểu rồi!) là một ứng dụng giáo dục giúp người dùng (chủ yếu là học sinh, sinh viên) tìm lời giải đáp, hướng dẫn cho các bài tập của mình một cách nhanh chóng qua smartphone. Hơn hai năm sau khi chính thức phát hành trên App Store (tháng 1/2014), GotIt! - ứng dụng hỏi đáp trên nền tảng di động đang nắm giữ vị trí thứ 2 về lượng download trong mảng giáo dục tại Mỹ, chỉ sau iTunes U. iTunes U là sản phẩm của Apple, do đó có thể coi GotIt! là ứng dụng top 1 mảng giáo dục do các bên thứ 3 phát hành. Cuối tháng 4 vừa rồi, ông Hùng cho biết startup của mình đã kêu gọi được 9 triệu USD tiền đầu tư.