Grab nổi tiếng với dịch vụ "taxi công nghệ", "xe ôm công nghệ". Ảnh: EPA-EFE

Theo Lim Kell Jay, Giám đốc khu vực phụ trách GrabFood, mảng đồ ăn và tài chính đã đóng góp hơn 50% tổng giá trị giao dịch (GMV) cho công ty. Grab xuất phát từ một startup taxi công nghệ 7 năm trước, nay được định giá 14 tỷ USD và đặt cược vào giao đồ ăn, dịch vụ tài chính.

Grab cùng đối thủ Go-Jek đang muốn đi theo mô hình “siêu ứng dụng” giống với WeChat. Startup định vị bản thân như “ứng dụng hàng ngày”, đưa ra nhiều loại dịch vụ theo yêu cầu cho người dùng. Meituan, ứng dụng giao đồ ăn Trung Quốc, chứng minh giao đồ ăn có thể đem lại lợi nhuận khi đạt 1,3 tỷ USD lợi nhuận sau thuế trong quý III/2019.

Kể từ khi thâu tóm hoạt động của Uber tại Đông Nam Á năm 2019, Grab đã mở rộng dịch vụ giao đồ ăn GrabFood ra 6 nước trong khu vực tại hơn 220 thành phố. Dù đang là nhà cung cấp vận tải, giao đồ ăn, dịch vụ tài chính lớn nhất Đông Nam Á, Grab vấp phải cạnh tranh khốc liệt từ Gojek.

Theo đối tác Hans Tung của GGV Capital, rất khó để ứng dụng chuyên giao đồ ăn phát sinh lợi nhuận nhưng khi kết hợp với các dịch vụ khác, người dùng có xu hướng gắn bó và tiêu dùng nhiều hơn trên nền tảng, mang về nhiều doanh thu quảng cáo hơn.

Theo ông Lim, tỷ suất lợi nhuận của giao đồ ăn tốt hơn chở khách. Dựa trên quan sát thị trường, có khả năng giao đồ ăn sẽ phát triển lớn mạnh hơn và lợi nhuận hơn gọi xe.

Bên cạnh giao đồ ăn, Grab còn điều hành dịch vụ GrabKitchen (tập hợp một số nhà hàng, quán ăn có lượng đặt hàng cao, được nhiều người dùng yêu thích trên nền tảng GrabFood tại một địa điểm duy nhất nằm trong khu vực đông dân cư). Chiến lược này được các công ty như Deliveroo và UberEats áp dụng.

Những thương nhân của GrabFood hoàn toàn có thể trở thành khách hàng Grab Financial trong tương lai. Họ cũng xây dựng lịch sử tín dụng với Grab để sau này vay vốn, mở rộng kinh doanh khi không phải đối tượng phục vụ của ngân hàng truyền thống.

Reuben Lai, Giám đốc quản lý Grab Financial, nói muốn trao sức mạnh kinh tế cho mọi người thông qua dịch vụ tài chính. Tại Đông Nam Á, nhiều người không thể làm thẻ tín dụng hay tài khoản ngân hàng.

Tương tự các công ty công nghệ tài chính khác, Grab bắt đầu với thanh toán di động nhưng mở ra các dịch vụ như bảo hiểm, cho vay, quản trị tài sản. Quản trị tài sản cho phép người dùng gửi tiền vào một số quy nhất định để đầu tư theo mô hình của Yu’e Bao thuộc Ant Financial. Người dùng Yu’e Bao được hưởng lãi suất khi gửi tiền trong hệ sinh thái Alipay.

Tuần trước, Grab ra mắt thẻ GrabPay để người dùng sử dụng cả ví điện tử lẫn thẻ vật lý khi mua hàng trực tuyến và ngoại tuyến.