Nhận định trên được ông Lê Đăng Dũng - phụ trách Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel đưa ra trong tham luận tại phiên thảo luận hôm nay, ngày 16/1 của hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 ngành TT&TT được tổ chức tại Hà Nội.

Ông Lê Đăng Dũng - phụ trách Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel phát biểu tại phiên họp sáng ngày 16/1 của hội nghị triển khai nhiệm vụ 2019 của Bộ TT&TT (Ảnh: M.Vỹ)

Ông Lê Đăng Dũng nêu rõ, Viettel đã xác định định hướng chuyển đổi từ doanh nghiệp dịch vụ sang doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số.

Lý giải nguyên nhân các doanh nghiệp viễn thông, trong đó có Viettel phải thay đổi mô hình kinh doanh, ông Lê Đăng Dũng cho biết, những năm gần đây, lĩnh vực di động vốn là trụ cột của ngành viễn thông nhưng đang tăng trưởng chậm lại. Số liệu của McKinsey năm 2018 chỉ ra rằng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, doanh thu và lợi nhuận của các nhà mạng đang bị giảm 1%/năm trong giai đoạn 2011 - 2017. Ngành viễn thông Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó. Tại Việt Nam, tiêu dùng di động hầu như không tăng, năm 2018 chỉ tăng 0,8%.

Trong khi đó, các doanh nghiệp như Amazon, Alibaba, Google không phải là doanh nghiệp viễn thông, không có hạ tầng, không có khách hàng viễn thông nhưng lại tận dụng tốt hạ tầng viễn thông để tăng trưởng và phát triển, trở thành mối đe dọa với các nhà mạng. “Lời giải thích duy nhất là họ đã cung cấp các dịch vụ số cho xã hội, trong khi các nhà mạng chúng ta vẫn bằng lòng với việc cung cấp dịch vụ thoại và những byte bit”, ông Dũng nói.

Một mối đe dọa nữa theo phân tích của người đứng đầu Viettel là nếu các nhà mạng không thay đổi mô hình kinh doanh, tiếp tục sử dụng nhân lực công nghệ cao vào việc vận hành các lĩnh vực truyền thống, không có sáng tạo thì sẽ dẫn đến hiện tượng chảy máu chất xám.

Nhấn mạnh để tiếp tục duy trì vị thế của mình trên thị trường, các nhà mạng phải chuyển đổi mô hình kinh doanh và quy trình vận hành nhằm tìm kiếm nguồn tăng trưởng mới để tồn tại và phát triển, ông Dũng cho biết, chuyển đổi thành nhà cung cấp dịch vụ số được coi là chìa khóa mở ra sự tăng trưởng của nhà mạng. Nghiên cứu của Microsoft và IDC năm 2018 dự báo trong 3 năm tới, chuyển đổi số sẽ giúp nhà mạng tăng 20% năng suất lao động, giảm 21% chi phí, tăng 20% lợi nhuận, tỷ trọng doanh thu dịch vụ số sẽ chiếm 23% trong tổng doanh thu.

Phụ trách Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel Lê Đăng Dũng cho biết, Viettel xác định sẽ chuyển đổi thành nhà cung cấp dịch vụ số với những hành động cụ thể.

Thông tin về những hành động cụ thể Viettel đã, đang và sẽ triển khai để từng bước chuyển đổi thành nhà cung cấp dịch vụ số, đại diện lãnh đạo Viettel cho hay, về hạ tầng mạng lưới, Viettel tiếp tục nâng cấp mạng 4G cho các dịch vụ nội dung số cơ bản và kết nối IoT. Khi có tần số, Viettel sẽ sớm triển khai thử nghiệm 5G vào quý I/2019, với mục tiêu là thử nghiệm kỹ thuật, đồng thời xác định mô hình kinh doanh băng rộng trên mạng 5G. Sau năm 2020, sẽ triển khai mở rộng mạng 5G.

Với mạng truyền dẫn, Viettel đã thực hiện ảo hóa các thiết bị mạng lõi, ảo hóa và triển khai công nghệ mạng điều khiển bằng phần mềm cho hạ tầng cố định, ảo hóa hạ tầng CNTT và chuyển đổi tất cả các ứng dụng CNTT lên nền tảng điện toán đám mây, triển khai hệ thống mạng lưới phân phối nội dung CDN đến cấp tỉnh trên toàn mạng lưới sẵn sang cho hạ tầng Mobile Edge Computing của công nghệ 5G.

Về hạ tầng dữ liệu, Viettel đã đầu tư 5 Data Center đúng chuẩn Tier 3 phổ biến của thế giới và tiến tới chuẩn Tier 4, đủ khả năng phục vụ cho hàng triệu khách hàng sử dụng dịch vụ IoT cùng lúc. Viettel đang tiếp tục lên kế hoạch để mở rộng thêm các trung tâm dữ liệu, đám ứng nhu cầu bùng nổ về dịch vụ của IoT.

Đặc biệt, với lĩnh vực bảo mật thông tin, Viettel đã thành lập Công ty An ninh mạng – đơn vị được giao trực tiếp nghiên cứu, triển khai nhiều giải pháp tổng thể để đảm bảo bảo mật và an toàn thông tin, đáp ứng các thách thức của chuyển đổi số; xây dựng các công cụ tự động phát hiện, cảnh báo tấn công; công cụ phòng thủ các đợt phát động tấn công và tấn công trên không gian mạng.

Về công nghiệp công nghệ cao, Viettel tập trung vào nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm cho mạng lưới cung cấp dịch vụ số như mạng lõi ảo, trạm vô tuyến 5G, các loại sensor (cảm biến – PV), các sản phẩm nhúng IoT, sản phẩm AI...

Cùng với đó, theo người đứng đầu Viettel, tập đoàn này đang xây dựng hệ sinh thái kinh doanh hướng đến trở thành nhà cung cấp dịch vụ số. Hiện mức độ đóng góp của các dịch vụ số của Viettel điển hình là Content, Media, IoT và Fintech chuyển dịch theo hướng rất tích cực cả về số tuyệt đối và tỷ trọng trong tổng doanh thu. Năm 2018, doanh thu dịch vụ số đã chiếm tỷ trọng 7,1% tổng doanh thu dịch vụ của Viettel.

Trên cơ sở phân tích thực trạng hạ tầng thanh toán số tại Việt Nam với hàng loạt tồn tại như; lượng giao dịch phi tiền mặt của Việt Nam thấp nhất trong khu vực; số lượng người Việt có tài khoản ngân hàng còn rất thấp, cỡ khoảng 30% dân số và tập trung ở thành thị; hệ thống điểm chấp nhận thanh toán còn rất ít..., ông Lê Đăng Dũng chỉ rõ: “Việt Nam cần quy hoạch thiết kế xây dựng hạ tầng thanh toán số quốc gia một cách đồng bộ”.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ TT&TT, lãnh đạo Viettel chính thức đề nghị Chính phủ cấp phép cho Viettel tham gia vào phát triển thanh toán số gồm những dịch vụ: dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, xây dựng hạ tầng chấp nhận thanh toán dùng chung, dịch vụ sử dụng tài khoản viễn thông trong thanh toán điện tử giá trị nhỏ.