Trả lời riêng ICTnews về vấn đề tư vấn cố phần hóa, ông Lê Nam Trà, cho biết, trước đó, MobiFone đã làm việc với đơn vị tư vấn trước đây là Credit Suisse - Thuỵ Sỹ để tiếp tục tư vấn cổ phần hóa cho MobiFone. Tuy nhiên, mức phí tư vấn để tiến hành cổ phần hóa quá cao nên việc thương thảo với Credit Suisse đã không thành.

“Sau khi thương thảo với Credit Suisse đã không thành, chúng tôi đã nghiên cứu và lựa chọn Công ty Chứng khoán Bản Việt tư vấn cổ phần hóa MobiFone. Công ty Chứng khoán Bản Việt không phải là lần đầu tiên tham gia tư vấn cố phần hóa MobiFone, công ty này đã là đối tác bản địa của Credit Suisse, trong quá trình tiến hành tư vấn cổ phần hóa cho MobiFone” - ông Lê Nam Trà nói.

Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) được thành lập năm 2007, là một trong những công ty chứng khoán phát triển nhanh nhất tại Việt Nam. Năm 2014, VCSC tạo được sức bật mạnh mẽ để lần đầu tiên vượt qua ngưỡng mục tiêu 25% đối với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE), và tiếp tục được công nhận qua hai giải thưởng danh giá từ Finance Asia và từ Euromoney là “Ngân hàng đầu tư tốt nhất Việt Nam”.

Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết, từ năm 2005 Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu phải tiến hành cổ phần hóa MobiFone. Sau đó, Bộ Tài chính đã chi 20 tỷ đồng cho việc cổ phần hóa MobiFone.

"Để tiến hành cổ phần hóa MobiFone, chúng ta đã phải thuê nhà tư vấn của Thụy Sỹ là Credit Suisse. Nhà tư vấn này đã tư vấn cho Việt Nam tiến hành cổ phần hóa một số ngân hàng. Lúc đó, Bộ Tài chính đã cấp 20 tỷ đồng đề đầu tư cho các hoạt động tiến hành cổ phần hóa MobiFone. Công ty tư vấn đã xây dựng được 5 phương án đánh giá giá trị của MobiFone lúc đó. Tuy nhiên, sau đó việc cổ phần hóa MobiFone bị dừng lại" - Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói.

Tại thời điểm năm 2006, khi Chính phủ công bố sẽ cổ phần hóa MobiFone thì đã có 9 tập đoàn tài chính, ngân hàng nước ngoài đó là Credit Suisse (Thuỵ Sỹ), Deutsche Bank (Đức), Goldman Sachs (Mỹ), Morgan Stanley (Mỹ), Rothschild (Đức) và UBS (Mỹ)... nộp hồ sơ thầu tư vấn về cổ phần hoá cho MobiFone. Nhà thầu tư vấn sẽ cùng với MobiFone định giá tài sản, lựa chọn đối tác chiến lược cũng như các bước tiến hành cổ phần hoá của mạng di động này và Credit Suisse là đơn vị trúng thầu. Một nguồn tin không chính thức tại thời điểm đó cho hay Credit Suisse đã định giá MobiFone khoảng 2 tỷ USD. Tuy nhiên, thông tin này không được các đơn vị có thẩm quyền xác nhận.

Mới đây, ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered trong buổi làm việc với Bộ TT&TT về vấn đề cổ phần hóa MobiFone đã chia sẻ: "Nhiều khách hàng quốc tế đã hỏi chúng tôi về cơ hội đầu tư khi MobiFone cổ phần hóa. Vì vậy, chúng tôi quan tâm tìm hiểu thông tin về vấn đề này để hỗ trợ khách hàng muốn tìm hiểu đầu tư. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài quan ngại vì khi cổ phần hóa MobiFone thì nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối. Chúng tôi tin rằng để thu lợi tốt nhất cho quá trình cổ phần hóa MobiFone, Chính phủ phải có tuyên bố rõ ràng về chính sách và đưa ra trước thời điểm tư nhân hóa doanh nghiệp này".

Bình luận về vấn đề cổ phần hóa MobiFone, ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ BCVT (nay là Bộ TT&TT) cho biết: “Thị trường viễn thông của chúng ta cạnh tranh và người dân được nhờ. Thế nhưng, về nguyên tắc mà nói thì một chủ sở hữu không nên tổ chức các đơn vị cạnh tranh trong một chủ sở hữu. Nói nôm na là cạnh tranh của Việt Nam như ông bố cho 3 con ra ở riêng. Thậm chí, 3 đứa con ra ở riêng nếu hoàn toàn tự chủ về tài chính thì khác, bố không can thiệp vào tài sản của con nếu cạnh tranh. Đằng này ông bố của chúng ta lại vẫn can thiệp, vẫn làm chủ khối tài sản, vẫn là chủ sở hữu của cả 3 đứa con, vì vậy thị trường chỉ có doanh nghiệp Nhà nước, 1 chủ sở hữu nên phải nói là chưa hoàn chỉnh, cạnh tranh chưa hoàn chỉnh”.

“Thị trường viễn thông Việt Nam tuy phát triển tốt, nhưng vẫn có những trì trệ nhất định, vẫn có những cái chưa được minh bạch và có những cái chưa được phát huy tối đa. Trong khi đó chúng ta cần phát huy tối đa nguồn lực của xã hội để đầu tư như nguồn lực tài chính lẫn nguồn lực trí tuệ. Cho nên trong quá trình phát triển và trong Luật Viễn thông ghi rõ khuyến khích các thành phần tham gia vào lĩnh vực viễn thông, Internet, nhưng cho đến nay chưa triển khai được bao nhiêu. Thế nhưng, nếu để các công ty vốn ít, năng lực không có mà tham gia vào thị trường thì cũng rất khó cạnh tranh. Cho nên phải là những công ty mạnh, mà muốn có những công ty mạnh tham gia vào thị trường thì cách tốt nhất là cổ phần hóa những doanh nghiệp nhà nước hiện có. Cũng chính vì vậy mà từ năm 2006 đã có đề án cổ phần hóa MobiFone, nằm trong đề án tái cơ cấu hoàn thiện. Đấy là một chủ trương hoàn toàn đúng. Tôi cho rằng việc cổ phần hóa MobiFone phải quyết liệt để trong vòng 2 năm, MobiFone hoàn chỉnh như một công ty cổ phần, tôi cho cái đấy sẽ rất lợi cho thị trường viễn thông, nâng cao hiệu quả đầu tư, tận dụng hết nguồn lực và trí tuệ của nhà nước và xã hội”, ông Mai Liêm Trực khẳng định.