Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn, Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng chung, Vietnamnet đã phỏng vấn ông Nguyễn Hiếu Linh, Phó giám đốc CyberAgent Capital Việt Nam, nhằm tìm kiếm những lời khuyên hữu ích giúp các công ty khởi nghiệp đối phó với tình trạng hiện tại.

Thưa ông, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu lẫn Việt Nam đều gặp khó khăn như hiện nay, xin cho biết các startup cần làm gì để đối phó?

Ông Nguyễn Hiếu Linh: Đã có rất nhiều lời khuyên cũng như các chia sẻ của các chuyên gia và nhà đầu tư dành cho các startup để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Như chúng ta đã biết, dịch bệnh tác động rộng khắp đến tất cả mọi quốc gia, lĩnh vực và ngành nghề. Rất nhiều thứ đã thay đổi, có nhiều thứ trở nên đắt hoặc khó hơn rất nhiều và ngược lại, có những thứ trở nên rẻ hoặc dễ hơn rất nhiều. 

Đối với câu hỏi “cần làm gì”, mỗi startup sẽ có một câu trả lời đúng với riêng họ và có thể chưa phù hợp 100% với startup khác. Ở đây, tôi chỉ nói đến một vài nguyên tắc và gợi ý để mỗi startup tự tìm ra câu trả lời phù hợp với mình.

Bước thứ nhất, người sáng lập nên ngồi gạch đầu dòng ra tất cả những gì đã thay đổi mà họ thấy được, cảm nhận được hay dự đoán sẽ xảy ra bằng cách đặt các câu hỏi chẳng hạn như khách hàng có thể giảm hơn bao nhiêu, có phát sinh nhu cầu mới hay không, bao nhiêu nhân sự phải làm việc tại nhà,...

Sau khi liệt kê được hết các thay đổi trên, startup đã có trong đầu hình dung về một thực tế mới, một môi trường kinh doanh mới, có thể đầy rẫy nhưng khó khăn, thử thách nhưng cũng tiềm ẩn một số cơ hội chỉ có trong giai đoạn hiện nay.

Bước thứ hai, người sáng lập đã có đủ thông tin về “thực tế mới” để lập nên bảng dự báo dòng tiền trong tình huống xấu nhất cho doanh nghiệp của mình. 

Vì sao cần phải là tình huống “xấu nhất”? Vì chúng ta không muốn startup chết trong mọi hoàn cảnh, để tỉ lệ chết thấp nhất thì phải chống chọi được với tình huống xấu nhất. 

“Xấu nhất” nghĩa là doanh thu giảm nhiều nhất, chi phí cắt giảm được ít nhất, không có nhà đầu tư hay cổ đông nào bỏ thêm tiền vào startup, không thể vay mượn thêm từ bất kì nơi nào, các khoản phải thu từ khách hàng có thể sẽ không thu hồi được… Với bảng dự báo này, startup sẽ thấy mình còn “sống” được ít nhất là bao nhiêu tháng nữa.

Bước thứ ba, vạch ra kế hoạch hành động ngay cho kịch bản xấu nhất. Trong kịch bản này, phải tăng dòng tiền vào đồng thời với giảm dòng tiền ra. Chẳng hạn có thể thay đổi thế nào để đáp ứng nhu cầu khách hàng, có thể tạo sản phẩm mới hay không, có thể tiếp cận gói hỗ trợ nào...

  • Kèm với đó, phải giảm dòng tiền ra bằng nhiều cách. Ví dụ nhân sự có thể kiêm nhiệm thêm việc hay không, giảm chi phí thuê mặt bằng hay không, có nên mở rộng hoạt động kinh doanh lúc này, có thể áp dụng cách tiếp thị nào tiết kiệm nhưng hiệu quả,...

Bước thứ tư, vạch ra kế hoạch cho kịch bản “cuối cùng”. Vì sao đã có kịch bản “xấu nhất” mà vẫn còn kịch bản “cuối cùng”? Vì sau kịch bản “cuối cùng” này sẽ không còn startup nữa. Đó là kịch bản dành cho việc không thể sống sót với số tiền còn lại. 

Startup sẽ phải xử lý phá sản ra sao? Vẫn biết phá sản là điều không ai mong muốn nhưng hãy sống thực tế, chắc chắn rất nhiều doanh nghiệp sẽ chết, phần lớn trong đó là các doanh nghiệp siêu nhỏ, các startup mà dòng tiền âm liên tục trong nhiều năm. Chết không phải là hết và cũng không hề đơn giản. Chết sao cho đẹp và có trách nhiệm, ít gây tổn hại nhất cho tất cả mọi người từ nhân viên, đối tác, khách hàng, chủ nợ, và cổ đông.

Người sáng lập cần nắm rõ các nghĩa vụ đền bù với tất cả những đối tượng trên trong trường hợp phá sản. Nếu không phá sản thì có thể bán lại hay sáp nhập với công ty nào khác đang cần sản phẩm, hệ thống, hạ tầng, hay tập khách hàng của startup không? Mức giá đề nghị cho việc mua lại này nên là bao nhiêu?

Bước thứ năm, vạch ra kế hoạch cho kịch bản “tận dụng cơ hội”. Nếu mọi thứ không quá xấu với startup vì dòng tiền vẫn rất ổn hay cổ đông sẵn sàng bơm thêm vốn hoặc nhà đầu tư mới đã sẵn sàng lệnh chuyển tiền, thời kì này là cơ hội rất hiếm có để chiêu mộ được những nhận sự mà startup chưa bao giờ dám nghĩ đến, bỗng dưng một ngày nhân sự đó trở thành thất nghiệp. 

Có được một mặt bằng kinh doanh tốt và một đối tác tốt cũng có thể trở nên dễ dàng hơn rất nhiều trong thời điểm này. Những đối thủ cạnh tranh và những đối tác đang gặp khó khăn có thể lâm vào tình trạng phá sản phải tìm cách bán lại cả công ty hoặc tập khách hàng cũng là những cơ hội hiếm có.

Khó khăn toàn cầu ảnh hưởng như thế nào đến Việt Nam thưa ông?

Chắc chắn là kinh tế Việt Nam sẽ bị tổn thương khi thế giới bị ảnh hưởng. Chỉ cần nhìn vào tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, tổng số vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ nước ngoài, tổng lượt khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam v.v... là thấy ngay mức độ tổn thương lớn thế nào. 

Không chỉ các startup có liên quan đến các yếu tố trên bị ảnh hưởng mà cả những startup cung ứng dịch vụ, sản phẩm trực tuyến cho thị trường nước ngoài sẽ bị ảnh hưởng. 

Nếu nhìn nhận phần lớn dòng vốn đầu tư mạo hiểm chuyên nghiệp đều từ các quỹ đầu tư nước ngoài thì tất cả mọi startup công nghệ đều sẽ bị ảnh hưởng khi mà các quỹ nước ngoài sẽ hạn chế đầu tư để chờ đợi và nghe ngóng thị trường ra các tín hiệu rõ ràng, tích cực hơn.

Nếu đưa ra dự báo, ông nghĩ kinh tế Việt Nam, hoặc cụ thể là các startup sẽ phát triển thế nào sau dịch?

Cơn bão nào đi qua cũng để lại hậu quả nặng nề nhưng những người sống sót là những người phù hợp nhất, khỏe mạnh nhất trong thực tế mới. Đây là những tế bào tốt nhất để nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh hơn, bền vững hơn. 

Chắc chắn các startup sống sót qua dịch sẽ nhận lượng vốn đầu tư đổ vào rất lớn khi mà các nhà đầu tư đã tự tin hơn và cũng có ít lựa chọn hơn (vì các công ty “có vẻ tốt” trước dịch đã chết hoặc đã bị bầm dập te tua vì dịch bệnh). 

Những “người sống sót” này chắc chắn sẽ có cách quản lý dòng tiền thận trọng và phát triển thực chất bền vững hơn nhiều so với trước dịch dù nhận được nhiều vốn đầu tư sau dịch.

Xin cám ơn ông.

CyberAgent Capital, quỹ đầu tư được biết đến nhiều tại Việt Nam với các thương vụ đầu tư vào Foody, VNG, Bảo Kim, ViCare, batdongsan.com.vn,... Ông Nguyễn Mạnh Dũng (Shark Dũng), Giám đốc phụ trách thị trường Việt Nam và Thái Lan của quỹ này, được biết đến nhiều trong giới nhờ các vụ đầu tư trước đó vào các startup nội địa nổi tiếng hiện nay.