Trang Mashable lúc đó cho biết game đứng đầu về lượt tải trên Apple App Store ở Hồng Kông và Thái Lan. Ngoài ra, Face Dance Challenge cũng từng giữ vị trí thứ 5 tại Mỹ ở mọi thể loại (kể cả game và ứng dụng).

Game cho phép người chơi lắc lư gương mặt, ghi lại các hiệu ứng hài hước, do đó thu hút rất đông người tham gia. Các video clip của người chơi được thực hiện nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Thái Lan, Hồng Kông, Philippines, Việt Nam... Có clip được hơn 5 triệu lượt xem, có clip có hàng trăm ngàn lượt. Rất nhiều clip biểu cảm khác cũng được tải lên trang Facebook của game này.

Game nổi tiếng tới mức có người ví nó với Flappy Bird, game Việt được biết đến nhiều nhất trên thế giới.

Tuy nhiên mới đây, Giang Nguyễn - nhà sáng lập của công ty xây dựng Face Dance Challenge - đăng tải thông tin tìm việc trên một nhóm về khởi nghiệp. “Đơn xin việc” của anh nhận được gần 600 lượt thích, hàng trăm bình luận. Giang cho biết anh chỉ nhận công việc ngắn hạn trong khoảng 3-6 tháng để kiếm tiền, sau đó sẽ tiếp tục khởi nghiệp.

Trong phần “lý lịch” của mình, chàng trai sinh năm 1987 mô tả toàn bộ quãng thời gian từ năm 2010 đến nay, anh khởi nghiệp 5 dự án khác nhau, trong đó nổi bật nhất vẫn là xây dựng công ty Diffcat với game Face Dance Challenge. Ngoài ra, anh có khoảng thời gian một năm nghỉ việc hoàn toàn để đi du lịch khắp Việt Nam và khoảng 10 nước châu Á.

Trong phần bình luận, nhiều người đánh giá cao kinh nghiệm của Giang, mong muốn hợp tác hoặc hẹn gặp để nhận được tư vấn từ anh sau một quá trình khởi nghiệp nhiều dự án.

Chia sẻ với ICTnews, Giang cho biết nhận được khoảng gần 100 liên hệ và 20 lời đề nghị nhưng chưa thấy nơi làm việc nào phù hợp. Anh cho biết bạn bè thường muốn anh về cùng sáng lập công ty, cùng quản lý dự án, phát triển sản phẩm hoặc các công việc lâu dài; tuy nhiên anh chỉ muốn làm việc trong quãng thời gian ngắn hạn và ưu tiên công việc có thể làm tại nhà.

Trong phần bình luận, có người cho rằng Giang “đùa”. Vì rõ ràng đang từ một CEO, sáng lập các công ty khởi nghiệp, Giang có kinh nghiệm và quan hệ để tìm các công việc thích hợp. Nhưng bản thân Giang trong bài viết của anh cũng thừa nhận rằng từ trước tới nay anh chỉ làm CEO, không giỏi hẳn ở mảng nào và lại xin việc ngắn hạn nên sẽ gặp những khó khăn nhất định.

Trường hợp của Giang cũng khá cá biệt khi bản thân từng nổi tiếng, lại đăng tin tìm việc công khai ở nơi có nhiều người từng là bạn bè, đối tác, dám vượt qua những rào cản của cách nghĩ thông thường.

“Làm việc trong thời gian ngắn có thể giúp mình bình tâm suy nghĩ sau quãng thời gian khởi nghiệp vất vả. Kiểu như tâm lý chưa sẵn sàng cho những những thách thức tiếp theo”, Giang tâm sự.

“Nhẵn mặt” với các nhà đầu tư châu Á

Vinh quang đến với Face Dance Challenge kéo dài trong khoảng một tháng. Giang cho biết trò chơi vui vẻ và thu hút lúc mới cài đặt, nhưng sau đó khi người chơi đã có được các clip hài hước của bản thân rồi thì họ không tiếp tục chơi nữa. Ngoài ra, vì game chơi bằng… đầu nên việc lắc lư cổ trong một thời gian dài khiến người chơi mệt và không muốn tiếp tục.

Quan trọng là, game nổi tiếng toàn cầu nhưng không mang lại nguồn thu do người lập trình… quên bật tính năng xem quảng cáo trong game để kiếm tiền.

“Thời điểm Face Dance Challenge nổi tiếng, có bạn trong Top 30 under 30 Tạp chí Forbes Mỹ đã đề xuất giúp mình bán lại game với giá từ 10 - 20 triệu USD, với đề nghị được chia hoa hồng. Tuy nhiên, thời điểm đó mình vẫn nghĩ muốn làm một thứ gì đó lớn hơn, muốn giữ game cho mình nên không chấp nhận lời đề nghị”, Giang chia sẻ.

Sau khi nổi tiếng với Face Dance Challenge, Giang bắt đầu đi tìm kiếm nhà đầu tư để phát triển các sản phẩm khác. Anh cho biết đã gặp phần lớn trong khoảng 200 nhà đầu tư tại châu Á, phần còn lại do một giám đốc vận hành (COO) trong công ty đảm nhiệm.

Chàng trai sinh năm 1987 đã tìm mọi cách đi đến các hội thảo để có cơ hội pitching (trình bày ý tưởng) với các nhà đầu tư, với tư cách chính thức lẫn không chính thức. Anh cho biết đã len lỏi vào mọi hội nghị, mọi cuộc gặp riêng lẫn chung, có nhiều cuộc chỉ có khoảng 2 phút để trình bày nhanh với các nhà đầu tư nhằm gọi vốn.

Sau khi nhẵn mặt với các nhà đầu tư tại châu Á mà không gọi được thêm vốn để duy trì công ty. Số tiền 450.000 USD gọi vòng seed được sử dụng vào việc nuôi quân và phát triển dự án, sau đó công ty cũng cạn tiền sau 2 năm và không có sản phẩm nào đột phá.    

Những bài học mới: Cởi mở, tìm hiểu về đầu tư, tìm một cuộc cách mạng mới  

Giang nói thứ anh học được lớn nhất sau quá trình khởi nghiệp, và sau thời gian đi du lịch Việt Nam và các nước chung quanh chính là tính cởi mở. Trước đây anh thường ít giao du, cho rằng mình giỏi, không hay chia sẻ ý tưởng vì sợ người khác đánh cắp mất.

“Tuy nhiên, khi ra ngoài mình mới thấy thế giới rộng lớn lắm. Ai cũng có ý tưởng cả. Nếu mình không chia sẻ ý tưởng có khi mình vừa hoàn thành thì người khác đã ra sản phẩm, hoặc đâu đó có khi họ đã ra sản phẩm trước mình rồi”, Giang nói. Ngoài ra, anh cho rằng ý tưởng ban đầu thường rất đơn sơ, cần có người góp ý để hoàn thiện hơn, có người phản biện để sản phẩm đầy đủ hơn. Thậm chí cần càng nhiều người giúp đỡ càng tốt để sản phẩm đến được nhiều người. Khi đó, sản phẩm sẽ hợp với nhu cầu của khách hàng cần, chứ không hẳn chỉ là sản phẩm mình muốn mang đi bán.

Sau khi bước ra đời, tiếp xúc nhiều hơn, Giang nhận ra rằng rất nhiều thứ cuộc sống sẽ dạy mình, giúp mình trưởng thành hơn, không bị bó buộc trong các tư duy cũ.

“Kỹ năng thì có thể học được, hoặc thuê người về làm cho mình, chứ quan điểm sai thì mới khó sửa”, Giang phân tích.

Một kinh nghiệm khác mà CEO trẻ tuổi học được là phải biết về giới đầu tư. Nguồn vốn là cực kỳ quan trọng để công ty khởi nghiệp tồn tại, do đó biết cách kêu gọi đầu tư là cực kỳ quan trọng. Phía rót vốn có thể là các nhà đầu tư chuyên nghiệp hoặc bạn bè, gia đình. 

Giang cho biết đang tìm kiếm một cuộc cách mạng mới, nhảy vào sớm để đạt được những thành công lớn hơn. Chẳng hạn Google, Facebook, Microsoft đều là những công ty tiên phong trong cuộc cách mạng ở thời của họ. Ở giai đoạn này, khó có thể cạnh tranh với các công ty như vậy mà chỉ có thể tạo ra hoặc tham gia thời điểm đầu các cuộc cách mạng tiếp theo.

“Tôi đang nghĩ rằng cuộc cách mạng tiếp theo sẽ liên quan đến rô bốt”, Giang nói và cho biết đang quan tâm cuộc cách mạng này.