Tại buổi nói chuyện về chủ đề khởi nghiệp, thuộc Ngày hội công nghệ FPT 2015 vừa diễn ra ngày 19/5, câu chuyện khởi nghiệp của Cốc Cốc và chủ đề “áp lực” sau khi được Hubert Burda Media quyết định rót khoản đầu tư 14 triệu USD (tương đương hơn 300 tỷ đồng) được đông đảo cộng đồng khởi nghiệp, giới truyền thông quan tâm.

Chia sẻ tại sự kiện, ông Nguyễn Thanh Bình, 1 trong 3 nhà sáng lập Cốc Cốc bày tỏ: Ngay khi khởi nghiệp, bất cứ ai cũng cần phải có một niềm tin mạnh mẽ vào cơ hội của sản phẩm dựa trên các cơ sở thực tế, lý luận khoa học.

Với trường hợp của Cốc Cốc, ngay khi còn đang học tại Đại học Lomonoxop (Nga), chứng kiến sự thành công của Yandex - một công cụ tìm kiếm của người Nga, các thành viên sáng lập đã nung nấu giấc mơ xây dựng một công cụ tìm kiếm dành riêng cho người Việt.

Tuy nhiên, sau khi biết ông và cộng sự có ý tưởng muốn xây dựng một sản phẩm cạnh tranh với Google, nhiều bạn bè, người thân cho rằng dự án không khả thi và phản đối kịch liệt. Thậm chí có người còn cho rằng, ý tưởng đó là hão huyền, là điên.

“Một công ty, một sản phẩm không thể giải quyết tối ưu tất cả các nhu cầu đa dạng của người dùng. Với trường hợp Google cũng vậy. Chúng tôi thấy rằng Google không phải luôn luôn làm hài lòng người tìm kiếm, vẫn còn nhiều khía cạnh tìm kiếm mà chúng tôi có thể khai thác và giành thị phần… Mỗi lĩnh vực cho dù thị trường đã có những sản phẩm tốt thống lĩnh, chúng ta vẫn luôn có cơ hội tìm ra hướng phát triển riêng cho sản phẩm của mình. Điều quan trọng là phải có niềm tin”, nhà sáng lập Nguyễn Thanh Bình chia sẻ.

Và để biến giấc mơ của mình thành hiện thực, ban đầu, các thành viên sáng lập Cốc Cốc đã quyết tâm tìm cơ hội để đầu quân cho một công ty một công ty về máy tìm kiếm và trình duyệt tại Nga để học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm cũng như có cơ hội lớn để tiếp xúc với các nhà đầu tư tiềm năng.

Họ cũng dành nhiều thời gian để nghiên cứu thị trường,tìm ra những lối đi riêng cho sản phẩm và thử sức với các thuật toán khó.

Giờ thì Cốc Cốc đã có được những bước phát triển khả thi. Chỉ sau một thời gian ngắn ra mắt tại Việt Nam, Cốc Cốc đã kịp đứng vị trí số 2 về lượng người dùng hàng ngày (4,2 triệu người theo comscore), trở thành trình duyệt nội địa đầu tiên trên thế giới đứng vị trí số 2 về mức độ phổ biến tại một quốc gia.

Con đường khởi nghiệp và những bước đi thành công ban đầu của Cốc Cốc không phải là may mắn, họ đã biết nắm bắt cơ hội. Mỗi quyết định, mỗi bước đi của các nhà sáng lập Cốc Cốc đều dựa trên cơ sở thực tế, tính toán hợp lý và hành động quyết liệt khi nhận thấy thời cơ đến.

Hiện nay, với khoản tiền đầu tư 14 triệu USD (tương đương hơn 300 tỷ đồng) được tập đoàn truyền thông Hubert Burda Media (Đức) quyết định đầu tư từ đầu năm 2015, Cốc Cốc đang đẩy mạnh hoàn thiện chất lượng sản phẩm, xây dựng phiên bản trình duyệt trên mobile, đồng thời còn thực hiện tham vọng tiến ra thị trường nước ngoài…

Trước câu hỏi về “áp lực” sau khi nhận khoản tiền từ các nhà đầu tư của ICTnews, ông Nguyễn Thanh Bình, sáng lập viên của Cốc Cốc chia sẻ thẳng thắn: Trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm của ngành công nghệ, các nhà đầu tư thường rất hạn chế can thiệp vào việc quản lý của các nhà sáng lập.

Với trường hợp của Cốc Cốc, nhà đầu tư không tham gia vào quản lý vận hành của Cốc Cốc, họ chỉ đứng ở vai trò tư vấn chứ không ở vị thế gây áp lực.

“Họ luôn coi Cốc Cốc là sản phẩm đầu tư chiến lược, do đó chỉ tập trung hỗ trợ chúng tôi đạt được những mục tiêu đã đặt ra trước thời điểm đầu tư. Ngoài ra, họ cũng tham gia đóng góp ý kiến, giúp phân tích các lựa chọn chiến lược và gợi mở ý tưởng dựa trên những phân tích, nghiên cứu chuyên nghiệp”, ông Nguyễn Thanh Bình bày tỏ.

"Áp lực" của Cốc Cốc chính là luôn phải không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, cùng với việc tận dụng tối đa sự hỗ trợ của nhà đầu tư, kết hợp chính sách quản lý và nhân sự hợp lý, để đem đến những kết quả tốt nhất. Và thực tế cho thấy, chỉ trong thời gian ngắn sau khi có thêm nguồn vốn đầu tư từ Hubert Burda Media, Cốc Cốc đã đạt được những bước đi rất khả quan.

Ông Nguyễn Thanh Bình chia sẻ thêm: “Ba tháng sau khi nguồn vốn của Hubert Burda Media được giải ngân, doanh thu của Cốc Cốc Ads đã tăng hơn gấp đôi, lượng cài đặt trình duyệt Cốc Cốc tăng 32%. Chúng tôi cũng đã có được nhiều hợp đồng lớn từ các khách hàng có tiếng trên thế giới…”.