Theo ông Trường Bomi, CEO của Ahamove, các siêu ứng dụng đang có xu hướng phát triển khá mạnh mẽ và mỗi doanh nghiệp sẽ có hướng đi khác nhau. Theo đó mô hình doanh Online-to-Offline (O2O) là một xu hướng khá phát triển trong thời gian gần đây. Ví dụ, The Coffee House là một chuỗi cà phê với khoảng 80 cửa hàng. Việc bán cà phê tại 80 cửa hàng tại chỗ là kinh doanh Offline. Còn việc bán đồ uống  qua các kênh online của chính họ và của đối tác như Lala.vn, Grab hay các ứng dụng giao đồ ăn khác là bán Online.

Ở mô hình bán Offline, 80 cửa hàng The Coffee House là 80 điểm bán hàng. Ở mô hình bán Online, các cửa hàng kia trở thành "nơi pha chế" hay "nhà kho" - nơi các đối tác giao hàng như AhaMove, Grabbike đến lấy hàng và chuyển tới tay người dùng cuối trong 20 - 25 phút.

Cũng theo ông Trường Bomi, hiện đồ ăn là mảng cạnh tranh"đẫm máu" nhất trong lĩnh vực O2O (Online-to-Offline) khi các ông lớn như : GrabFood, Now, Lala đang đổ tiền đầu tư rất mạnh. Cuộc chiến dành người dùng rất khốc liệt và xu thế sẽ hình thành lên các liên minh giữa các nhà bán hàng, ứng dụng giao hàng và thanh toán online.

“Super App sẽ là cuộc chiến của những người khổng lồ, một cuộc chiến “đẫm máu” mà những đơn vị nhỏ sẽ không thể theo đuổi. Đây sẽ là sân chơi của những ông lớn nhiều tiền. Công nghệ tốt chỉ là yếu tố thứ hai, yếu tố thứ ba là doanh nghiệp sẽ phải lựa chọn cung cấp những sản phẩm và lập chiến lược có thể cạnh tranh với các đối thủ của mình”, ông Trường Bomi cho hay.

Các cửa hàng bán đồ ăn, cà phê có xu hướng bán online ngày càng nhiều. (Ảnh minh họa: Internet)

Để tham gia vào lĩnh vực O2O, cốt yếu là doanh nghiệp phải chọn được sản phẩm, dịch vụ Offline có nhu cầu lên Online. Trong khi đó, một thực tế là ở Việt Nam chưa có quá nhiều ngành đủ lớn để có thể tham gia.

Tất cả những đơn vị trung gian hỗ trợ The Coffee House và các đơn vị cung cấp sản phẩm hay dịch vụ tới người dùng cuối khác - như GrabFood, Now, Lala.vn, AhaMove, Giao hàng Nhanh… - là những đơn vị kinh doanh theo mô hình O2O - một hệ sinh thái trung gian nhằm thu hút, hỗ trợ người dùng Online sử dụng sản phẩm, dịch vụ Offline.

Hay như trong mảng đầu tư của Seedcom, F&B có The Coffee House, Phở Ông Hùng, nông nghiệp có Cầu Đất Farm (nay đã thuộc sở hữu của The Coffee House), thương mại điện tử có chuỗi thời trang giày Juno, Haravan, giao vận có Giao hàng Nhanh (nay là SCommerce)…

Trên thực tế, mới ra mắt thị trường chưa lâu, dịch vụ đặt đồ ăn online của Grab (Grabfood) gần đây liên tục tung ra các mã giảm giá từ 40.000 - 80.000 cho khách mua đồ ăn qua Grabfood. Thậm chí giảm từ 50% - 80% cho đơn hàng, đây có thể là một chiêu vung tiền để thu nạp người dùng mà Grab đã thực hiện khi thôn tính Uber tại thị trường Đông Nam Á.

Grabfood liên tục đổ tiền khuyến mãi người dùng.

Ứng dụng giao đồ ăn Lala cũng không chịu kém cạnh khi thường xuyên có mã giảm từ 30% - 70% cho khách đặt đồ ăn, hoặc miễn phí ship cho khách mua. Với những chính sách khuyến mãi khủng như vậy thì người bán hàng rất có lợi vì sẽ bán được nhiều hàng. Còn các ứng dụng thì không có mục tiêu gì khác ngoài việc thu hút người dùng.

Với những chiêu thức chiều lòng người dùng của các siêu ứng dụng mà dịch vụ giao đồ ăn online khá phát triển. Tổng đơn hàng online của The Coffee House có thể lên tới vài nghìn đơn mỗi ngày, mỗi đơn có thể tới vài cốc. Có những cửa hàng mà shipper phải xếp hàng chờ để lấy đồ ăn đi giao cho khách.

Anh Phạm Chí Công mở quán Café Bụi ở 271 đường Tân Sơn, quận Tân Bình, TP.HCM từ mấy năm nay. Ban đầu anh chỉ bán đồ uống tại quán theo phương thức bán hàng truyền thống, gần đây anh bắt đầu đăng ký bán thêm đồ uống trên 7 ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến, bao gồm: Now, Lala, Vietnammm, Lixi, Loship, Grabfood và gần đây có thêm Go-Food và Zalofood bắt đầu thử nghiệm dịch vụ giao đồ ăn qua ứng dụng. Số lượng đơn hàng bán online đang tăng lên ở mức bất ngờ.

Tại Việt Nam, tay chơi nổi trội nhất trong mảng Food có Now (trực thuộc Foody), GrabFood với lợi thế hàng trăm nghìn tài xế công nghệ cũng vừa có màn ra mắt chính thức đầu tuần trước, và Lala.vn - nền tảng gọi món kết hợp với đội ngũ giao hàng của AhaMove trong hệ sinh thái SCommerce.

Nhìn nhận về thị trường O2O của Việt Nam, CEO AhaMove nhìn nhận các đơn vị O2O thường tập hợp với nhau thành những hệ sinh thái. Ví như trong ngành bán lẻ, hệ sinh thái rót vốn của Tập đoàn SEA gồm Shopee (thương mại điện tử), Foody (review nhà hàng/quán cà phê), Delivery Now (giao hàng thực phẩm), Airpay (thanh toán điện tử), Ocha (ứng dụng hỗ trợ quản lý nhà hàng)…