Ảnh minh họa

Quyết định tăng thuế lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc tuần trước của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thuyết phục bất kỳ công ty Đài Loan nào còn chần chừ chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc. Đây là nhận định của ông Kung Ming-hsin, một quan chức nước này, trong cuộc phỏng vấn tại Đài Bắc hôm 15/5. Theo ông Kung, Việt Nam và Ấn Độ là hai điểm đến ưa thích của các hãng điện tử Đài Loan.

“Doanh nghiệp Đài Loan có thể đưa sản xuất linh kiện giá trị cao, quan trọng về quê hương nhưng sản xuất và lắp ráp thiết bị số lượng lớn sẽ đến Đông Nam Á. Các nước Đông Nam Á biết rằng họ có cơ hội”.

Các gã khổng lồ công nghệ từ Apple đến Dell từ lâu phụ thuộc vào sức mạnh sản xuất và lực lượng lao động Trung Quốc để làm ra mọi thứ, từ iPhone đến máy tính. Nay, mối đe dọa từ Mỹ treo lơ lửng trên đầu, các cáo buộc về gián điệp phần cứng và sự trỗi dẫy của các nền kinh tế Đông Nam Á đã khuyến khích họ cân nhắc chuyển khỏi Trung Quốc.

Cho tới hiện tại, Đài Loan là người hưởng lợi chính. Kể từ đầu năm nay, 52 công ty đã cam kết đầu tư khoảng 9 tỷ USD vào nước này như một phần trong chiến dịch của chính phủ nhằm thuyết phục các doanh nghiệp Đài Loan có nhà máy tại Trung Quốc đưa sản xuất quay lại quê hương.

Tất nhiên, Trung Quốc không thể mất vị thế công xưởng số 1 thế giới ngay lập tức nhưng xu hướng đang được đẩy nhanh khi Mỹ -Trung xung đột về chính trị và kinh tế. Nó phân tán chuỗi cung ứng toàn cầu từ chỗ tập trung vào Trung Quốc sang hệ thống đa phương: một đặt tại Trung Quốc, một phục vụ Mỹ và các thị trường không phải Trung Quốc.

Theo ông Kung, quan chức Đài Loan đang hỗ trợ doanh nghiệp đàm phán với chính phủ các nước châu Á về thuế, trợ giá và phát triển khu công nghiệp. Dù vậy, ông Kung và một số hãng công nghệ lớn nhất Đài Loan có chung lo ngại rằng hệ sinh thái sản xuất điện tử Đông Nam Á vẫn còn xa mới là đối thủ của Trung Quốc.

“Nếu một dây chuyền sản phẩm di chuyển, toàn bộ chuỗi cung ứng cần di chuyển theo”, Phó Chủ tịch C.C.Leung của Quanta Computer phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 13/5. Năm 2018, Quata đã chuyển phần lớn sản xuất bo mạch chủ về Đài Loan và đang mở rộng cơ sở tại Mỹ. Họ đối mặt với khoản thuế 25% của Mỹ đối với sản phẩm notebook nếu ông Trump hiện thực hóa lời đe dọa mới nhất nhằm vào 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.

“Hiện tại, chưa có sự tập trung trong chuỗi cung ứng tại các nước Đông Nam Á. Nếu nhà sản xuất phải trải rộng ra nhiều nước khác nhau, chi phí vận chuyển rất cao. Tất cả lợi nhuận của chúng tôi sẽ vào túi các doanh nghiệp logistics và cơ quan thuế địa phương”, ông Leung chia sẻ.