Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Căng thẳng leo thang giữa Nhật Bản và Hàn Quốc khiến người ta lo ngại chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu sẽ bị gián đoạn. Hai quốc gia láng giềng là một phần trong mạng lưới kinh tế liên kết chặt chẽ và phức tạp, đóng góp không nhỏ cho việc sản xuất hàng hóa điện tử như smartphone và laptop.

Từ đầu tháng 7/2019, Nhật Bản hạn chế xuất khẩu ba hóa chất quan trọng sang Hàn Quốc. Đó là fluorinated polyimide, chất cản màu và hydro tinh khiết. Chúng được các công ty Hàn Quốc dùng để sản xuất bán dẫn và linh kiện, bao gồm chip nhớ, vi xử lý, mạch tích hợp trong các thiết bị điện tử hiện đại. Nếu muốn bán cho doanh nghiệp Hàn, công ty Nhật phải xin giấy phép và quy trình mất khoảng 90 ngày.

Bán dẫn được sử dụng vô cùng rộng rãi trong ngành, vì vậy, các công ty thử nghiệm và sản xuất thường được xem như “phong vũ biểu” của sức khỏe kinh tế toàn cầu. Theo hãng nghiên cứu Gartner, doanh số bán dẫn toàn cầu năm 2018 tăng 12,5%, đạt 474,6 tỷ USD. Năm nay, có dấu hiệu cho thấy doanh số sẽ giảm.

Khi cuộc chiến Mỹ - Trung đang làm tổn hại đến triển vọng tăng trưởng thế giới, xung đột giữa Nhật – Hàn lại càng làm mọi thứ tệ hơn. Rajiv Biswas, chuyên gia kinh tế của hãng tư vấn IHS Markit, nhận định nếu không thể tìm ra giải pháp, ngành bán dẫn sẽ gặp hậu quả nghiêm trọng.

Khoảng 90% fluorinated polyimide và chất cản màu, 70% hydro tinh khiết là do Nhật Bản sản xuất. Do đó, rất khó để các công ty Hàn Quốc tìm được giải pháp thay thế nếu nguồn cung bị gián đoạn. Ngay cả khi tìm ra, họ có thể gặp phải vấn đề về số lượng lẫn chất lượng.

Hàn Quốc là quê nhà của Samsung Electronics, SK Hynix, cung cấp 61% linh kiện dùng trong chip nhớ năm 2018. Bất kỳ gián đoạn sản xuất nào cũng là tin dữ cho khách hàng của họ, bao gồm các hãng công nghệ lớn như Apple, Huawei.

Cho đến nay, cả hai đều dự trữ khối lượng bán dẫn lớn nhưng một khi cạn kiệt, họ không thể đáp ứng kịp thời các đơn hàng. Các chuyên gia của Citi ước tính hóa chất mà Samsung có được chỉ đủ dùng trong 20-30 ngày.

Chuyên gia Biswas cảnh báo nếu Nhật Bản tiếp tục kéo dài lệnh cấm, nguồn cung chip nhớ toàn cầu sẽ bị thiếu hụt và hệ quả là đẩy giá lên cao hơn. Hiệu ứng domino sẽ khiến cả Mỹ và Trung Quốc tổn thương do hai nước này đều phụ thuộc vào nguồn cung từ Hàn Quốc. Từ đó, các sản phẩm hoàn thiện như máy chủ, điện thoại di động, máy tính và nhiều sản phẩm khác đều bị tác động. Người dùng khắp thế giới có thể phải chi nhiều tiền hơn để mua các sản phẩm này.

Nguyên nhân của căng thẳng Nhật – Hàn hiện tại liên quan đến lịch sử giữa hai nước. Phán quyết của một tòa án Hàn Quốc cuối năm ngoái yêu cầu hai công ty Nhật là Nippon Steel & Sumitomo Metal và Mitsubishi Heavy Industries phải bồi thường cho lao động cưỡng bức. trong chiến tranh thế giới thứ hai. Nhật cho rằng vấn đề đã được giải quyết vào năm 1965 khi hai nước bình thường hóa quan hệ.

Waqas Adenwala, nhà phân tích của The Economist Intelligence Unit, nhận định do tính chất mật thiết của hai nền kinh tế, biện pháp hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản sẽ khiến hai bên đều thiệt hại. “Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với Nhật Bản. Nhà sản xuất các chất dùng trong sản xuất bán dẫn sẽ khó tìm được người mua mới”. Chưa kể, các công ty Nhật sản xuất thiết bị điện tử cũng mua linh kiện bán dẫn từ Hàn Quốc. Vì thế, họ sẽ gặp trì hoãn trong quá trình sản xuất của mình.

Về phía Hàn Quốc, do phụ thuộc vào vật liệu công nghệ cao, máy móc và thiết bị Nhật Bản, họ sẽ không muốn căng thẳng leo thang.