Grab đang muốn trở thành số 1 trên thị trường ví điện tử. Ảnh minh họa: Internet

Đây là một động thái cho thấy Grab đang muốn đẩy mạnh hơn nữa hoạt động trong lĩnh vực tài chính.

Thời gian gần đây, N.T.H (Hà Nội) cho biết không còn nhận được nhiều các chuyến đi khuyến mại từ Grab. "Khuyến mại của Grab cho những chuyến xe ngày càng thưa thớt, họ dường như chỉ khuyến mại cho dịch vụ giao đồ ăn và các khách hàng thanh toán mới qua ví điện tử", N.T.H nói.

Dường như phía Grab đang "đốt tiền" nhiều hơn để thu hút các khách hàng mới sử dụng ví điện tử Moca trên ứng dụng này bằng việc tung ra các khuyến chuyến đi đồng giá với mức giá rất rẻ từ 3.000 - 9.000 đồng liên tục trong thời gian gần đây cho các khách hàng lần đầu thanh toán không dùng tiền mặt (mà thanh toán qua thẻ hoặc ví điện tử Moca trên ứng dụng Grab). 

Ngoài việc thu thút cho các khách hàng không sử dụng tiền mặt, Grab đang tăng cường liên kết nhiều hơn với các chủ thẻ của các ngân hàng mới. Dù là tân binh trên thị trường trung gian thanh toán, nhưng Grab đã "bắt tay" được với hầu hết với các ngân hàng tại Việt Nam và hút khách hàng chỉ với 1 phương thức cũ: "đốt tiền".

Dù chỉ mới đi vào hoạt động chính thức hơn 1 năm, thế nhưng rõ ràng, phương thức này đã giúp ví điện tử Moca trên ứng dụng Grab tăng trưởng mạnh mẽ. Grab có mặt ở hầu hết các lĩnh vực thanh toán: điện, nước, trả cước viễn thông, đồ ăn, di chuyển,...hay thanh toán bằng cách quét mã QR tại cửa hàng.

Theo một con số không được công bố chính thức, Grab hiện là trung gian thanh toán có liên kết với nhiều ngân hàng nhất hiện nay với trên 20 ngân hàng đồng thời mức tăng trưởng các giao dịch trên ứng dụng này tăng trưởng ở mức 3 con số qua từng tháng. Rõ ràng, Grab đang có nhiều hoạt động để vươn lên trở thành "số 1" trong lĩnh vực mới.

Thị trường thanh toán điện tử tại Việt Nam nhiều tiềm năng. Theo thông tin từ Ngân hàng Nà nước, Việt Nam đang là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng thanh toán điện tử cao nhất thế giới với tốc độ khoảng 35%/năm, nổi bật trong số đó là cuộc đua đầy sôi động của các ví điện tử trong vài năm gần đây.

    Tính đến năm 2018, cả nước có 4,24 triệu ví điện tử đã được xác thực, liên kết với tài khoản ngân hàng. Giao dịch mỗi năm qua ví điện tử đạt 60 triệu với giá trị bình quân đạt 200.000 đồng/giao dịch. Đồng thời, theo dự báo của NHNN, số người sử dụng ví điện tử tại Việt Nam sẽ đạt 10 triệu người vào năm 2020. Đây vẫn là một thị trường đầy tiềm năng cho các ví điện tử phát triển. 

    Cũng theo phân tích của một chuyên gia, giống như cuộc đua ở thị trường gọi xe, các ví điện tử phải "chạy đua đốt tiền" để giành được thị phần và nắm thế tiên phong. Nhưng song song với cuộc đua đốt tiền, các ví điện tử cũng phải tạo ra một hệ sinh thái đủ lớn để thanh toán được gần như mọi thứ trong đời sống thông qua một chiếc điện thoại di động.