Tháng 2, tháng 3 nhiều đơn vị bán lẻ còn khá e dè khi nói về doanh thu nhưng hiện tại hầu hết đều thừa nhận tình hình kinh doanh sẽ rất khó khăn trong tháng 4.

Ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO Cty CP Thế Giới Di Động, cho biết công ty hiện đã đóng tạm thời khoảng 500 cửa hàng điện thoại và điện máy theo yêu cầu của chính quyền các địa phương. Hầu hết cửa hàng còn lại buộc phải hạn chế khách ra vào. Do đó, doanh thu trong tháng 4 chắc chắn bị ảnh hưởng hơn so với hai tháng trước.

Trả lời Vietnamnet, chuỗi CellphoneS cũng khẳng định doanh thu tháng 4 có sự sụt giảm mạnh so với hai tháng liền trước. 

“Tháng 4 theo dự đoán sẽ là tháng khó khăn nhất cho thị trường bán lẻ công nghệ vì không có điện thoại mới ra mắt, những máy cao cấp giới thiệu trong tháng 3 đã qua giai đoạn đơn hàng cao. Đồng thời, người dùng có xu hướng tiêu dùng tiết kiệm hơn dành cho các nhu yếu sản phẩm khác nên những sản phẩm ngành hàng di động đều trong tình trạng giảm sút mạnh”, CellphoneS cho biết.

Doanh thu hầu hết ngành hàng đều đi xuống, chỉ có điểm sáng là ngành hàng laptop phục vụ cho nhu cầu học tập, làm việc online ở nhà tăng trưởng lớn trong tháng 3. Các chuỗi đều ghi nhận mức doanh thu tăng trưởng đến 1,5 lần so với đầu năm. Dù vậy, cũng khó bù đắp được sự giảm sút chung.

Các chuỗi quy mô dạng vừa, từ 5-15 cửa hàng ở TP.HCM thậm chí cho biết doanh thu giảm tới 70-80%.

Các chuỗi lớn nhỏ trước đây quen với việc bán hàng online nên hiện tại đẩy mạnh hơn, khách bắt đầu cũng hình thành thói quen đặt hàng online. CellphoneS cho biết, doanh thu online tăng trưởng gấp 3 lần so với tháng 2. Trong khi đó, FPT Shop cho biết ở khu vực các cửa hàng bị đóng, doanh thu thương mại điện tử tăng hơn 40%.

Mặc dù nhận định tháng 4 kinh doanh khó khăn nhưng ông Hiểu Em cho biết thị trường có những dấu hiệu lạc quan trở lại. CellphoneS cũng chung nhận định này.

Từ cuối tuần trước đến nay, cổ phiếu của Thế Giới Di Động và FPT Shop tăng lên chạm trần, thể hiện sự lạc quan của các nhà đầu tư vào mảng bán hàng công nghệ. Trong khi đó, VN-Index cũng nâng điểm, hầu hết mã cổ phiếu tăng.

Dù bắt đầu có tín hiệu lạc quan nhưng các cửa hàng vẫn đang tích cực cắt giảm chi phí nhằm gia tăng lợi nhuận.

CellphoneS cho biết hiện đã giảm giờ mỗi ca để nhân viên luân phiên thay đổi mà vẫn đảm bảo số lượng nhân viên ở cửa hàng theo quy định của Chính phủ, cắt giảm lương thưởng của đội ngũ quản lí, cắt giảm chi phí điện nước không cần thiết tại cửa hàng và văn phòng, nhân viên khối văn phòng được yêu cầu làm tại nhà.

Ngoài ra, tất cả các bên đều đề xuất chủ nhà hỗ trợ cắt giảm chi phí thuê mặt bằng, và cho biết đa số chủ mặt bằng đồng ý cắt giảm tiền thuê giai đoạn này.

Nhà bán lẻ cũng yêu cầu các hãng hỗ trợ về việc giãn công nợ, hỗ trợ chương trình giảm giá kích cầu. Kèm theo đó là việc đề nghị các ngân hàng và công ty tài chính giảm lãi suất.

“Với biện pháp giảm lương thưởng, hầu hết nhân viên và quản lí đều hiểu rõ tình hình hiện tại, thông cảm và hỗ trợ hết mình cho công ty. Một số nhân viên và quản lí còn chủ động đóng góp cắt giảm lương tháng của mình để công ty xử lí tốt hơn trong giai đoạn này”, đại diện CellphoneS cho hay.