Không phải "rất thiết yếu", nhưng "thiết yếu"

Quan điểm đề xuất của UBND TP.HCM đối với ĐTDĐ không phải là mặt hàng "rất thiết yếu" và cũng không thuộc "nhóm hàng hóa, dịch vụ cao cấp", nhưng cần phải đưa smartphone vào diện chịu thuế TTĐB để hướng dẫn sản xuất và tiêu dùng hợp lý. Một nhận định khá chung chung. Những nhận định như vậy có thể áp vào rất nhiều loại hàng hóa dịch vụ khác, bởi nó không chỉ ra được sở cứ đặc trưng xa xỉ của loại hàng hóa và dịch vụ cần áp thuế TTĐB.

ĐTDĐ nói chung và smartphone nói riêng không phải là hàng hóa "rất thiết yếu", nhưng nó lại là thiết bị thiết yếu phục vụ nhu cầu liên lạc. Không phải là hàng hóa thiết yếu ở bình diện rộng nhưng lại thiết yếu trong một lĩnh vực nào đó. Tại Việt Nam, hiện có trên 70% dân số sử dụng điện thoại. Như vậy, nó trở thành phương tiện thiết yếu phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc của hơn 2/3 dân số.

Mặt hàng điện thoại cũng giống như ôtô, có nhiều phân khúc giá. Nhưng khác ôtô là, mức giá sàn của một chiếc điện thoại loại featurephone (điện thoại tính năng cơ bản) chỉ từ vài trăm ngàn đồng và loại smartphone (điện thoại thông minh) chỉ từ hơn 1 triệu đồng. Trong khi đó, mức giá sàn của bất kì thương hiệu ôtô nào tại Việt Nam dù thấp nhất cũng từ chục ngàn USD trở lên mỗi chiếc, tức cao hơn ít nhất cả trăm lần so với giá một chiếc điện thoại. Vậy bắt người mua điện thoại với giá chỉ bằng 1% so với người mua ôtô cũng đóng thuế TTĐB là không công bằng.

đánh thuế tiêu thụ đặc biệt điện thoại di động

ĐTDĐ vào thị trường Việt Nam đã được khoảng 25 năm. Từ chỗ không phải là hàng hóa thiết yếu,  ĐTDĐ ngày nay đã trở thành phương tiện thiết yếu phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc. Sự chuyển đổi này đi theo xu thế di động hóa của xã hội phát triển mà Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Thậm chí, xu thế kết nối "tất cả trong 1" mà nơi hội tụ chính là chiếc smartphone, đã trở thành hiện thực từ nhiều năm qua càng thể hiện vai trò của chiếc điện thoại không chỉ là thiết bị tiêu dùng thuần túy. ĐTDĐ cũng không còn là thiết bị phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc thuần túy nữa, mà còn trở thành một trung tâm kết nối, điều khiển và tương tác từ người dùng đến các hệ sinh thái phục vụ cuộc sống con người.

Trên thực tế, trong số các thiết bị hướng đến sự chuyển đổi số mang lại các tiện ích phục vụ người dùng thì smartphone chính là thiết bị chính yếu nhất. Nếu nó bị đối xử và bị đánh thuế như đối với hàng xa xỉ, vậy còn bao nhiêu thiết bị công nghệ khác ít có ý nghĩa vai trò hơn mà giá cả lại đắt hơn thì sao?

Không đơn thuần là sản phẩm tiêu dùng

Nôm na, ĐTDĐ là một sản phẩm để tiêu dùng, dù sử dụng theo cách nào hay cho nhu cầu gì. Tuy nhiên, việc tiêu dùng một sản phẩm công nghệ vốn hội tụ nhiều chất xám và các cách tân công nghệ mới, trong đa phần trường hợp cũng đòi hỏi người dùng "tốn chất xám" hơn so với việc sử dụng những hàng hóa tiêu dùng thông thường khác.

Những năm 90 của thế kỉ trước, vòng đời sử dụng một sản phẩm ĐTDĐ tại Việt Nam thường khoảng 3-5 năm. Về sau, chu kì thời gian thay điện thoại càng ngày càng ngắn lại, giảm xuống 2-3 năm, 18 tháng, rồi 12 tháng... Hiện nay, không ít người dùng chỉ khoảng 6 tháng là thay thế điện thoại. Song nếu chỉ dựa vào yếu tố này để đánh giá rằng việc sử dụng đó lãng phí hay xa xỉ chưa hẳn chính xác. Mỗi đời, mỗi dòng điện thoại sẽ có những tính năng mới, có sự nâng cấp cả phần cứng, phần mềm đáp ứng các nhu cầu sử dụng cao hơn, mang tới chất lượng trải nghiệm chất lượng hơn.

Nói không ngoa rằng, việc trải nghiệm mỗi chiếc smartphone gắn với những tiện ích nó mang lại trong sự kết nối với các hệ sinh thái phục vụ dân sinh là một hành trình khám phá chứ không phải là tiêu dùng lãng phí. Người dùng không chỉ nghe gọi, nhắn tin SMS hoặc bằng ứng dụng OTT, hay gửi nhận email, mà còn dùng điện thoại để đặt cuốc xe, đặt đồ ăn, book vé tàu xe và máy bay, đặt khách sạn, xem các thông tin về chuyến bay, thời tiết, kết nối và điều khiển các hệ thống thiết bị trong văn phòng và nhà ở... Đó chính là những sáng tạo, phát minh công nghệ của nhân loại mà smartphone là một phương tiện để kết nối và hội tụ giúp cho người dùng được trải nghiệm và tận hưởng một cách tập trung nhất. Như thế càng không có lí do để đánh sắc thuế đối với hàng hóa xa xỉ lên ĐTDĐ. 

Hiện nay, có những ứng dụng được kết nối và sử dụng qua ĐTDĐ đang được nhà nước khuyến khích thúc đẩy như thanh toán không dùng tiền mặt; tiếp nhận và giải quyết hồ sơ, thủ tục người dân qua ứng dụng di động... Theo hướng này, ĐTDĐ càng nên được khuyến khích sử dụng chứ không nên áp thuế TTĐB.

Dạ Thảo