Chặng 1: Khởi nghiệp “ế ẩm” 

Anh Minh Thuận và chị Nhật Hạ đều là những người chọn ngành kinh doanh thức ăn để lập nghiệp. Ba năm trước, anh Thuận mở quán bún Thái trên con phố nhỏ tại quận Tân Bình, TP.HCM. Năm 2015, chị Nhật Hạ cũng đặt tâm huyết cho quán cơm văn phòng Rio với không gian được trang hoàng đẹp mắt tại một góc đường Nguyễn Đình Khơi, Tân Bình, TP.HCM. 

Cả hai đều không có khởi đầu suôn sẻ. Trong khi các quán phở, hủ tiếu xung quanh nhộn nhịp khách hàng thì quán bún vỉa hè của anh Thuận chẳng mấy ai ghé qua. “Mình định giá một tô bún 40.000 - 50.000 đồng, cao so với thu nhập lúc bấy giờ”, anh Thuận nói.

Nỗi lo của chị Hạ cũng lớn không kém, khi nhìn vào quán có cửa kính bóng loáng, ít khách biết chị bán cơm trưa văn phòng. “Suốt một tháng đầu, quán gần như không có khách. Họ tưởng quán mình bán cà phê, thức uống chứ không giống quán ăn”, chị Hạnh tâm sự.

Tô bún giá 40.000 - 50.000 đúng với chất lượng, nhưng lại không phù hợp với ví tiền của khách hàng.

Chặng 2: Thay đổi nhỏ làm nên khác biệt

Mỗi ngày tiền mặt bằng, nguyên liệu, nhân viên cứ hiện lên trong đầu anh Thuận và chị Hạ. “Cảnh tượng này không thể diễn ra thêm”, cả hai nghĩ. Họ không phó mặc số phận của cửa tiệm cho ông trời. Anh Thuận, chị Hạ quyết định đưa ra những thay đổi, cải tiến.

Anh Thuận đổi cách nấu, hạ giá thành tô bún còn 25.000 - 30.000 đồng. Để cạnh tranh, anh đưa vào món bún công thức riêng, làm nước lèo đục thay vì trong, đổi tên món thành “bún cay Thái” thay vì bún Thái. Chuyển đổi này giúp anh có nhiều khách hàng, đỉnh điểm bán hơn 500 suất bún một ngày. Sau hơn 1 năm, anh chính thức nâng cấp từ hàng quán lề đường thành cửa hàng khang trang, mở thêm hai chi nhánh khác.

Trong khi đó, chị Hạ nhanh chóng tháo dỡ khung cửa kính cản trở thực khách, gắn thêm bảng hiệu. Thay đổi nhỏ giúp chị tiếp cận đối tượng khách vãng lai, học sinh, nhân viên văn phòng trong khu vực. Nhiều khách hàng ngỏ lời nhờ chị giao cơm tận nơi vào giờ trưa. Khi đó quán mỗi ngày bán 200-300 phần cơm.

Gỡ cửa kính “sang chảnh", quán cơm Rio nhanh chóng thu hút khách hàng xung quanh.

Chặng 3: Lên app - Liệu có đơn giản?

Thu nhập ổn định đi lên, sở hữu lượng khách trung thành nhất định, những trăn trở mới lại đến với anh Thuận và chị Hạ. Làm sao để tiếp cận đến các khách hàng ở xa hơn, giảm công sức tự giao hàng, không cần chi phí quảng bá, không cần vật lộn với Facebook fanpage? Để giải quyết tất cả các vấn đề trên, quán Bún cay Thái và quán cơm văn phòng Rio đã nương theo con sóng công nghệ thời 4.0: “lên” app.

Lượng đơn hàng tăng cao khiến cả hai hết sức phấn khởi. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, vào giờ cao điểm, lượng tài xế đến mua hộ, chờ đợi trước cửa khiến hai chủ quán nhiều phen… tá hỏa. Họ chưa từng có quy trình để phục vụ những vị khách đặc biệt này. Tình trạng thiếu hàng, nhầm tiền… là không thể tránh khỏi.

“Việc phải chuẩn bị đơn hàng cho các tài xế còn khiến quán mất tập trung với lượng khách đến ăn trực tiếp”, anh Thuận nói. Trong khi đó, chị Hà kể: “Shipper hay vội để chạy nhiều cuốc, mặt bằng quán thì nhỏ nên không ít lần xáo xào. Chưa kể một tài xế lên tiếng là cả nhóm cùng ý kiến theo”.

Chặng 4: Từ bỏ mô hình thủ công

Chị Hạ chia sẻ: “Nhân viên không tăng, mặt bằng không tăng, thì chỉ có cách cắt bớt các thao tác dư thừa”. Thay vì chỉ quan hệ bề nổi như trước, chị Hạ quyết định chuyển sang mô hình tích hợp với phía GrabFood. Với mô hình này, quán chị sẽ nhận đơn online trực tiếp từ hệ thống thông qua ứng dụng quản lý dành cho nhà hàng, ngay khi khách vừa đặt món. Khi khách đặt hàng qua smartphone, đơn hàng sẽ đến ngay quán chị Hạ, chị có thời gian chuẩn bị trước khi tài xế đến lấy hàng. Trước đây, với mô hình “mua hộ” cũ, tài xế đến quán đặt món thì chị Hạ mới bắt đầu làm, sẽ mất thời gian hơn.

Ứng dụng này có thể cài đặt trực tiếp trên điện thoại thông minh (smartphone) hoặc máy POS đặt tại quán. 

Áp dụng mô hình tích hợp giúp quán bún của anh Thuận và quán cơm của chị Hạ hoạt động nhịp nhàng.

“Áp dụng mô hình tích hợp rồi thì việc quản lý đơn hàng dễ hơn, mình có thể theo dõi và kiểm lại đơn trước khi giao để tránh thiếu món của khách. Đơn đổ về ngay khi khách chốt đặt món, tiết kiệm cho mình rất nhiều thời gian”, chị Hà kể. 

Thay đổi mô hình cũng là giải pháp mà anh Thuận áp dụng: “Cỡ một tháng sau khi được phía GrabFood hỗ trợ cài đặt để chuyển mô hình, tình trạng hủy đơn bên mình giảm hẳn. Giờ cao điểm cũng đỡ áp lực, vì tài xế không phải đợi lâu mà chỉ đến lấy mang đi, mình có thể phục vụ tốt hơn cho khách đến ăn tại quán”.

Từ ngày quán hoạt động nhịp nhàng với doanh thu tăng trưởng ổn định, anh Thuận tự tin phát triển theo hướng cho nhượng quyền. “Quan trọng là cách điều phối quy trình hoạt động ở các mảng, đặc biệt là mảng giao nhận trực tuyến để các ‘nhà đầu tư’ thấy được tiềm năng mở rộng của quán”, anh Thuận nói.

Có thể thấy, anh Thuận, chị Hạ là những trường hợp thành công nhờ biết cách thay đổi phù hợp với người tiêu dùng, từ những ngày chập chững lập nghiệp cho đến khi bùng nổ doanh thu cả hai mảng bán tại chỗ và online. Sự nhạy bén với thời cuộc, với công nghệ giúp các chủ hàng quán tìm thêm nhiều khách hàng mới, tăng doanh số, thu nhập của toàn bộ nhân viên và mở rộng kinh doanh.