Facebook cho biết họ sẽ tung ra đồng tiền mã hóa của riêng mình mang tên "GlobalCoin" tại khoảng 10 quốc gia trong quý 1/2020. Và công ty sẽ cung cấp thêm nhiều thông tin khác liên quan đồng tiền mã hóa này vào mùa hè năm nay.

Trong vài tháng trở lại đây, Zuckerberg đã có những cuộc gặp với Thống đốc Ngân hàng Anh, Mark Carney, để thảo luận về kế hoạch tiền mã hóa của công ty. Zuck còn gặp các đại diện đến từ Gemini - công ty thành lập bởi hai cái tên đã quá nổi tiếng trên thị trường tiền mã hóa, đồng thời là đối thủ truyền kiếp của Mark, chính là anh em song sinh nhà Winklevoss.

GlobalCoin hoạt động ra sao?

Facebook muốn tạo ra một đồng tiền điện tử mà mọi người không cần tài khoản ngân hàng truyền thống vẫn có thể dùng được.

Công ty này muốn hợp tác với các ngân hàng và các nhà môi giới để cho phép người dùng chuyển từ tiền giấy chính thống sang GlobalCoin. Được biết, công ty của Zuckerberg còn thảo luận với các dịch vụ chuyển tiền như Western Union để tìm kiếm nhưng phương thức chuyển tiền ra nước ngoài rẻ nhất có thể.

Facebook sẽ tung ra một đồng tiền mã hóa riêng vào năm 2020 - thảm họa là đây chứ đâu? - Ảnh 1.

Chưa hết, Facebook còn gặp gỡ các công ty kinh doanh trực tuyến để thuyết phục họ chấp nhận GlobalCoin làm một trong các phương thức thanh toán, với phí giao dịch thấp hơn thông thường như một động thái khuyến khích người dùng sử dụng tiền điện tử.

Nghe có vẻ khá đơn giản, nhưng có một vài câu hỏi lớn xoay quanh đồng tiền mã hóa của Facebook.

Đầu tiên, hệ thống này sẽ phi tập trung đến mức nào? (tính phi tập trung và nặc danh là hai đặc điểm mấu chốt của tiền mã hóa) Thứ hai, Facebook sẽ sử dụng mã hóa ra sao để bảo vệ tài sản của người dùng. Thứ ba, ai sẽ có thể xem lịch sử giao dịch của một người dùng? Thứ tư, ai sẽ kiểm soát hệ thống này?

Đầu năm nay, ngân hàng JP Morgan đã khiến dư luận sục sôi sau khi công bố lần đầu sử dụng thành công token kỹ thuật số của mình, JPM Coin. Tiếp theo đó là sự xuất hiện của hàng loạt các báo cáo nói rằng mỗi token có thể được chuyển đổi sang tiền giấy truyền thống, và hệ thống này được phát triển bởi blockchain. JPM Coin trông như một đồng tiền mã hóa, nhưng có một khác biệt quan trọng: thực ra nó không phải là tiền mã hóa!

JPM Coin chỉ được dành cho một số tổ chức đầu tư nhất định, và chạy trên một blockchain hoàn toàn riêng tư và được cấp phép (tức là "tập trung").

Facebook hoàn toàn có thể đi theo hướng tương tự. Những blockchain đã nổi tiếng, như Bitcoin, từ lâu đã gặp vấn đề về khả năng mở rộng, và có một cách dễ dàng để khắc phục vấn đề này là thể chế hóa blockchain và tập trung hóa cơ chế đồng thuận của nó.

Nói cách khác, để đảm bảo quá trình giao dịch GlobalCoin diễn ra nhanh hơn các hệ thống thanh toán hiện tại, không ngạc nhiên khi Facebook phải nắm quyền kiểm soát và xác thực các giao dịch.

Như vậy, nền tảng này có thể đặt ra những quy tắc sử dụng và quyết định người dùng sẽ sử dụng tài sản ảo ra sao. Nếu người dùng không hợp tác, tài khoản của họ có nguy cơ bị đóng băng - và xét những hành động áp đặt người dùng gần đây trên nền tảng của mình, chắc chắn đây là một mối hiểm họa đã được báo trước.

Dù sao thì chúng ta cũng phải chờ xem những quy tắc nói trên sẽ nghiêm khắc đến mức nào.

Tận thế là đây?

Chẳng cần phải nói nhiều, đồng tiền kỹ thuật số của Facebook chắc chắn sẽ mang lại cho công ty một con đường khác để theo dõi người dùng.

Hãy tưởng tượng một ngân hàng không chỉ biết về mọi khoản giao dịch tài chính bạn thực hiện, mà còn biết thiên hướng chính trị, sở thích của bạn, bạn đi chơi ở đâu, với ai...

Theo nhiều cách, GlobalCoin của Facebook là một thứ hoàn hảo bổ sung cho một viễn cảnh tương lai, nơi cả thế giới bị thống trị bởi chỉ một số ít các siêu cường toàn cầu. Mỗi siêu cường đó có ngôn ngữ riêng, hệ thống chính trị riêng, và nắm quyền kiểm soát tối thượng đối với công dân của họ - bất kỳ ai không phù hợp với xã hội sẽ bị xử lý.

Hi vọng điều đó sẽ không xảy ra, nhưng xét lịch sử thu thập dữ liệu và cách họ sử dụng chúng để xâm phạm đời tư cũng như bầu cử, chúng ta nên cực kỳ thận trọng trước khi  chọn Facebook làm ngân hàng tiếp theo.

Tham khảo: TheNextWeb