Một tài xế Gojek tại Jarkarta (Indonesia). Ảnh: Bloomberg

Nanik Soelistiowati, chủ cửa hàng chuối chiên phía tây Jakarta, là người chiến thắng cuối cùng trong cuộc chiến giữa Grab và Gojek. Năm 2015 người phụ nữ 60 tuổi này đăng ký dùng dịch vụ giao đồ ăn mới của Gojek sau khi nghe thông tin từ các cháu. Các tài xế Gojek đã giúp bà giao món ăn hấp dẫn tới mọi ngóc ngach của thành phố và doanh thu cũng “cất cánh”.

Sang năm 2017, Grab tiếp cận bà với đề nghị hấp dẫn hơn, khiến bà không thể từ chối. Grab cũng tung ra các chương trình khuyến mại dồn dập cho khách hàng. Đơn đặt hàng nhiều tới mức hết cả chuối để bán.

Grab và Gojek trở thành 2 startup “nóng” nhất Đông Nam Á đi lên từ dịch vụ xe ôm công nghệ. Họ đang cạnh tranh với nhau trên thị trường giao đồ ăn đầy tiềm năng. Chỉ trong vòng 4 năm, Gojek đã có 400.000 chủ quán như bà Soelistiowati đăng ký và giao được 50 triệu đơn hàng/tháng hay 1,7 triệu đơn hàng/ngày tại Indonesia, Việt Nam và Thái Lan.

Grab tuy chậm chân nhưng lại bắt kịp nhanh chóng nhờ vào nguồn tiền hùng hậu từ SoftBank và vụ thâu tóm Uber năm 2018. Năm 2019, công ty cho biết đã tăng gấp ba doanh số và gấp đôi số lượng chủ quán đăng ký.

Một điều trùng hợp là CEO của hai đối thủ đều có chung học vấn, đó là đến từ Trường Kinh doanh Harvard. Đồng sáng lập kiêm CEO Gojek là Nadiem Makarim, còn phía Grab là Anthony Tan.

Họ cũng có chung quan điểm khi nhìn ra cơ hội trên thị trường giao đồ ăn vì nó mang lại biên lợi nhuận hấp dẫn hơn mảng gọi xe. Florian Hoppe, một đối tác của Bain & Co, nhận định trong 5 năm tới, doanh thu của thị trường giao đồ ăn sẽ tương đương hoặc lớn hơn thị trường gọi xe theo yêu cầu.

Trên thế giới, ngành công nghiệp giao đồ ăn trở nên siêu cạnh tranh khi ai cũng muốn có “miếng bánh” lớn hơn trên thị trường trị giá 300 tỷ USD. Tuy nhiên, tại Indonesia, giao đồ ăn trực tuyến chỉ chiếm 1,3% thị trường thực phẩm nói chung, so với 8% tại Mỹ và khoảng 12% tại Trung Quốc, theo dữ liệu từ Euromonitor.

Giám đốc đồ ăn Gojek cho rằng họ mới chỉ chạm vào bề mặt của lĩnh vực này và thực sự tin rằng giao đồ ăn là cơ hội lớn.

Grab và Gojek còn cung cấp thanh toán điện tử cũng như các dịch vụ khác với mong muốn trở thành siêu ứng dụng của khu vực như WeChat.

Gojek đã xử lý 2 tỷ USD giao dịch giao đồ ăn trong năm 2018. Công ty đang triển khai máy học và dữ liệu để nghiên cứu hành vi tiêu dùng, tài xế và giao thông. Do đó, khi người dùng mở ứng dụng, họ biết được địa điểm, thời gian và hành vi trong quá khứ để dự đoán nhu cầu.

GoFood cung cấp các gợi ý được cá nhân hóa dựa trên loại đồ ăn người dùng thường đặt và đánh giá. Kể từ khi Gojek mở rộng trên phạm vi quốc tế cuối năm 2018, GoFood mới có mặt tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bangkok.

Một chiến lược khác mà Gojek đang áp dụng thành công là tổ chức các lễ hội ẩm thực tại trung tâm Jakarta, có tên GoFood Festival. Nó phổ biến tới nỗi Gojek thiết lập tới 30 địa điểm như vậy khắp Indonesia. Mọi người đến để ăn uống nhưng cũng có thể dùng ứng dụng Gojek để đặt món. Công ty có kế hoạch mở thêm 10 địa điểm nữa trong năm nay.

Gojek Festival hấp dẫn nhờ phí đầu vào thấp. Nhà hàng và chủ quán ăn chỉ cần mang theo bếp mà không cần tiền thuê gian hàng. Gojek sẽ thu một phần doanh thu.

Grab cũng đang tăng tốc. GrabFood mới ở giai đoạn thử nghiệm khi Soelistiowati đưa hàng chuối chiên lên dịch vụ này 2 năm trước, song hiện tại, Grab đã có mặt tại gần 200 thành phố của Indonesia từ 1 thành phố vào tháng 1/2018. Họ còn mở 8 bếp chuyên phục vụ giao hàng.

Demi Yu, phụ trách GrabFood Indonesia, cho biết quy mô của dịch vụ cho phép họ sử dụng dữ liệu để phân tích các khoảng trống trong ẩm thực, từ đó mang đến các món đặc biệt, không thể tìm thấy tại một khu vực cụ thể.  

Jeff Perlman, Giám đốc quản lý Warburg Pincus, nhận xét nhu cầu giao đồ ăn là điểm nổi bật khi công ty của ông quyết định đầu tư vào Gojek 3 năm trước. Ông “cảm thấy cuối cùng nó sẽ trở thành mảng kinh doanh nhiều tỷ đô”. Ông đã không nhìn nhầm.