Trong một tuyên bố, Ericsson cho biết CHT sẽ sử dụng các trạm gốc vô tuyến và mạng lõi 5G của Ericsson, kể cả mạng lõi chuyển mạch gói mở rộng 5G (5G Evolved Packet Core).

Theo Max Chen, Phụ trách nhóm kinh doanh di động của CHT, giải pháp mạng lõi 5G của Ericsson cho phép mạng lõi 4G phát triển linh hoạt thành một mạng chia sẻ cả 4G và 5G.

Nền tảng 5G của Ericsson cung cấp cho CHT sẽ bao gồm các trạm gốc vô tuyến của Ericsson hoạt động trên băng tần 3,5 GHz và 28 GHz. Giải pháp 5G cũng sẽ bao gồm các sản phẩm ăng ten tích cực hỗ trợ các chức năng định hướng chùm sóng, giúp giảm nhiễu tín hiệu vô tuyến và cải thiện tốc độ 5G.

Ericsson cho biết thêm, giải pháp chia sẻ phổ tần sẽ cho phép CHT sử dụng toàn bộ tài nguyên phổ tần để tăng tốc độ phủ sóng mạng 5G và thúc đẩy quá trình chuyển đổi suôn sẻ từ mạng 4G lên 5G.

Trong khi đó, Nokia cho biết họ đã được chọn để tận dụng nguồn tài nguyên phổ tần và trạm gốc 4G LTE hiện có của CHT để triển khai mạng 5G không độc lập (NSA) liên quan đến nhiều băng tần, mở đường cho việc triển khai mạng 5G độc lập trong tương lai gần.

CHT đã chi 45,7 tỷ Đài tệ (1,51 tỷ USD) cho 90 MHz trong băng tần 3,5 GHz và 618 triệu Đài tệ cho 600 MHz trong băng tần 28 GHz trong phiên đấu giá được tổ chức vào tháng 1 vừa qua.

Đối với nhà mạng FET, theo thỏa thuận, Ericsson sẽ cung cấp thiết bị mạng truy cập vô tuyến (RAN) cho toàn bộ mạng 5G triển khai trong cả 3 băng tần: băng tần thấp, băng tần trung và băng tần cao. Dự kiến, các dịch vụ 5G thương mại đầu tiên của FET sẽ được triển khai trong băng tần 3,5 GHz vào mùa hè này.

Ericsson cho biết trong quá trình triển khai mạng 5G, các giải pháp chia sẻ phổ tần và mạng truy cập vô tuyến tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) của Ericsson sẽ được đưa vào trong mạng 5G của FET. Giải pháp chia sẻ phổ tần của Ericsson sẽ giúp FET phân bổ tài nguyên phổ tần hiệu quả dựa trên nhu cầu lưu lượng đang sử dụng của cơ sở hạ tầng hiện có, trong khi năng lực phần mềm do AI điều khiển sẽ tăng phạm vi phủ sóng của mạng 5G và hiệu suất mạng 4G.

Cũng trong phiên đấu giá phổ tần vào tháng 1 vừa qua, FET đã giành được 80 MHz trong băng tần 3,5 GHz và 400 MHz trong băng tần 28 GHz với số tiền bỏ ra tương ứng là 40,6 tỷ Đài tệ và cho 412 triệu Đài tệ.