Dịch vụ Homestay đang phát triển mạnh tại Việt Nam

Theo khảo sát về xu hướng du lịch toàn cầu trong năm 2018 do Visa thực hiện với sự tham gia của hơn 15.000 người đến từ 27 quốc gia, trong đó có Việt Nam, khách du lịch hiện nay thường mong muốn đạt được cả hai mục tiêu “khám phá” và “tận hưởng” trong những chuyến đi của mình.

Cũng chính từ sự thay đổi này, homestay với không gian mở, giàu tính nghệ thuật và bản sắc văn hóa địa phương đã trở thành một sự lựa chọn tối ưu của khách du lịch.

Tại Việt Nam, homestay đang được đánh giá là dịch vụ mới lạ, kênh đầu tư hiệu quả, bền vững hơn so với hình thức cho thuê nhà thời hạn dài truyền thống.

Theo công ty nghiên cứu thị trường AirDNA, chỉ tính riêng tại TP.HCM năm 2016 có khoảng 6.200 chỗ ở dạng homestay, giữa năm 2018 đã ở mức trên 20.000 trong đó có tới hơn 11.000 chỗ hoạt động thực sự.

Tại Hà Nội số lượng chỗ ở cũng gia tăng từ xấp xỉ 3.200 chỗ ở năm 2016 và tới hơn 11.200 trong nửa đầu năm 2018 trong đó có trên 6.400 chỗ hoạt động thực sự.

Homestay là loại hình lưu trú ngắn hạn nên doanh thu có thể cao hơn cho thuê truyền thống trung bình 20-30%, nếu ở các khu du lịch có thể cao hơn gấp 2-3 lần. Không chỉ có vậy, chủ nhà còn được chủ động, linh hoạt hơn trong thời gian sử dụng nhà khi cần.

Một yếu tố khác khiến homestay trở thành cơ hội kinh doanh, đầu tư hấp dẫn là số vốn ban đầu ít, linh hoạt nhưng lại nhanh thu hồi. Chính vì thế, loại hình này thích hợp cho cá nhân hoặc giới trẻ có mong muốn thử sức kinh doanh.

Bà Lê Phương Thủy, Trưởng bộ phận phát triển đối tác công ty Luxstay cho rằng kinh doanh homestay đang trở thành một ngành kinh doanh tiềm năng, được nhiều chủ đầu tư cùng tham gia và nhân rộng thành hệ thống, chuỗi homestay.

Theo báo cáo thị trường mới được Luxstay công bố, doanh thu của chủ nhà trên hệ thống này có thể lên tới trên dưới 100 triệu đồng mỗi quý nếu như hoạt động tích cực. Điều này cho thấy kinh doanh homestay là ngành nghề kinh doanh hấp dẫn, tiềm năng khi tạo ra nhiều nguồn giá trị cho chủ sở hữu.

Tuy nhiên bài toán đặt ra đó là liệu chủ kinh doanh homestay có thể vận hành mô hình kinh doanh một cách bài bản hay không. Nền tảng như Luxstay sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình để có thể hỗ trợ tốt nhất dành cho các host, không chỉ cung cấp các giải pháp, hỗ trợ marketing, mà còn tạo dựng cộng đồng đối tác chủ hộ chia sẻ, cùng nhau phát triển.

Hiện tại trên trang web Luxstay, số lượng homestay theo hướng căn hộ chung cư chiếm gần 50%. Căn hộ chung cư đang là xu hướng của ngành bất động sản do tốc độ đô thị hóa gia tăng tại nhiều thành phố lớn.

Bên cạnh đó, có tới 30% căn hộ trên Luxstay được cho thuê nguyên căn. Điều này lý giải bởi người châu Á thường lưu trú tại các không gian riêng tư thay vì chia sẻ không gian chung với người khác như người châu Âu.

Ngoài ra, có tới gần 20% số lượng căn hộ trên web Luxstay dưới hình thức villa cho thấy nhiều chủ đầu tư đã quan tâm hơn tới phân khúc du lịch cao cấp, hướng đến những dịch vụ du lịch đẳng cấp hơn. Phong cách du lịch của người Việt Nam cũng có nhiều chuyển biến, từ việc thuê phòng khách sạn trở thành thuê nguyên căn villa. Từ đó có thể thấy, villa nói riêng và homestay nói chung không chỉ là nơi để dừng chân mà đã trở thành địa điểm trải nghiệm, tham quan, tổ chức sự kiện của người Việt.

Thời gian tới, thị trường bất động sản homestay sẽ tiếp tục nở rộ. Cùng với những tiềm năng lợi nhuận, chủ đầu tư cũng cần phải cẩn trọng với những thách thức để hạn chế tối đa rủi ro khi kinh doanh loại hình này.