Trong những năm qua, điện thoại thông minh của Huawei đều sử dụng hệ điều hành Android của Google. Nhưng năm 2019, Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen và bị hạn chế quyền truy cập các ứng dụng công nghệ Mỹ, nghĩa là Huawei không thể sử dụng hệ điều hành Android được cấp phép trên thiết bị di động.

Trước khó khăn đó, Huawei phải xây dựng và phát triển một hệ điều hành của riêng mình tên là HarmonyOS vào tháng 8/2019.

Ngày 19/5/2020, Giám đốc điều hành của Huawei cho biết, HarmonyOS có thể phát huy khả năng để trở thành một hệ điều hành hoạt động trên một số thiết bị thay vì chỉ hoạt động trên điện thoại thông minh, thu hút các nhà phát triển muốn tạo ra những ứng dụng hoạt động trên các phần cứng khác nhau.

Việc Huawei tuyên bố có thể cung cấp hệ điều hành ngang bằng với Google và Apple là một vấn đề lớn vì công ty chỉ mới ra mắt HarmonyOS chưa đầy một năm trước.

Tại Trung Quốc, nơi Huawei là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất theo thị phần, việc không được quyền truy cập vào Android của Google không gây ra tác động nghiêm trọng. Bởi các dịch vụ của Google như dịch vụ tìm kiếm bị chặn ở quốc gia này và người dùng không thể sử dụng chúng. Như vậy, HarmonyOS của Huawei có cơ hội thành công ở thị trường nội địa.

Tuy nhiên, tại thị trường quốc tế nơi các ứng dụng được xây dựng trên dịch vụ của Google, ví dụ như tích hợp bản đồ hoặc thanh toán thì sản phẩm HarmonyOS của Huawei rất khó để cạnh tranh.

Ông Bryan Ma, Phó Chủ tịch nghiên cứu thiết bị tại Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDC nói với CNBC rằng: “Huawei sẽ không dễ dàng xây dựng thư viện các ứng dụng hàng đầu bên ngoài Trung Quốc, vì nhiều khách hàng phụ thuộc vào Google trong việc quản lý quyền kỹ thuật số, địa điểm, thanh toán và dịch vụ thông báo”.

“Các nhà phát triển thường xuyên phải chọn lọc những dự án họ dành thời gian và một yếu tố quan trọng trong việc ra quyết định là liệu có đủ số lượng người dùng để chứng minh thời gian và nỗ lực dành cho việc đưa ra các ứng dụng hay không”, Bryan cho biết thêm.

HarmonyOS của Huawei tương tự như Google Mobile Services và cung cấp bộ công cụ dành cho nhà phát triển có thể được sử dụng để tích hợp những thứ như dịch vụ định vị vào ứng dụng. Công ty Trung Quốc cho biết có 60.000 ứng dụng sử dụng các dịch vụ được gọi là dịch vụ HMS Core, nhưng nó không phá vỡ những gì các quốc gia hoặc khu vực đang có.

Neil Shah, Giám đốc nghiên cứu của Công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research cho rằng, số lượng ứng dụng của Huawei vẫn còn hạn chế và thiếu các ứng dụng lớn.

“Bên ngoài Trung Quốc, Huawei sẽ gặp khó khăn khi hầu hết các ứng dụng quan trọng đều đến từ các nhà phát triển lớn của Hoa Kỳ như Netflix, Instagram, WhatsApp, ứng dụng Google... bị cấm hợp tác với Huawei. Vì vậy, đây sẽ là một cuộc mua bán khó khăn”, ông Neil Shah Shah nhấn mạnh.

Thật vậy, một số ứng dụng lớn quan trọng ở thị trường quốc tế không có trên cửa hàng ứng dụng của Huawei, được gọi là AppGallery. Người dùng không thể tải xuống bất kỳ ứng dụng Google hoặc dịch vụ nào do Facebook sở hữu. Netflix hoặc Spotify cũng không có sẵn.

Nhưng nó vẫn có ứng dụng mua sắm của Amazon, ứng dụng chia sẻ video TikTok vì thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc ByteDance.

Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC vào tháng 3 vừa qua, ông Eric Xu, Chủ tịch luân phiên tại Huawei cho biết: “Chúng tôi hy vọng các dịch vụ của Google có thể có sẵn thông qua AppGallery của chúng tôi, giống như cách các dịch vụ của Google có sẵn thông qua AppStore của Apple”.

Tuy nhiên, Bryan Ma của IDC cho rằng đây là một thách thức. “Bỏ qua cân nhắc về mặt pháp lý, tôi thấy rất khó có khả năng Google sẽ cho xuất hiện các ứng dụng của mình trên AppGallery vì chúng có cùng mối liên hệ với những dịch vụ của nó như các bên thứ ba đã làm. Và nếu có bất cứ điều gì, họ chỉ muốn thúc đẩy việc sử dụng dịch vụ của chính mình”, Bryan Ma nói.