Tài xế giao đồ ăn làm việc hàng ngày bất kể nắng, mưa, thậm chí là siêu bão. Ảnh: GettyImages

Lu Zhiyin leo lên xe điện và chuẩn bị cho cuộc chiến phía trước. Là tài xế của dịch vụ giao đồ ăn Ele.me, anh phải chạy đua từng phút, len lỏi giữa những dòng xe ô tô và vượt mọi chướng ngại. Anh có bản đồ di động nhưng hầu như không dừng lại xem.

Phát hiện nhầm đường, Lu liếc nhanh qua gương chiếu hậu rồi quay ngược xe tiếp tục hành trình. Tài xế 29 tuổi sợ chậm trễ. Mỗi lần giao thành công, anh kiếm được 7 tệ nhưng nếu muộn, anh sẽ bị phạt và tối đa 50 tệ nếu khách hàng phàn nàn.

Ele.me và đối thủ Meituan Dianping làm mọi cách để chiều “bụng đói” của các khách hàng Trung Quốc. Giao đồ ăn không chỉ mang về hàng tỷ USD doanhthu mà còn quyết định vận may cho các mảng khác của công ty như thanh toán di động. Tuy nhiên, là những chiến binh ở tuyến đầu, Lu và hàng triệu tài xế khác gặp tai nạn như cơm bữa.

Thảm kịch xảy ra hồi tháng 8 khi cơn bão Lekima, lớn thứ 5 trong lịch sử, đổ bộ Thượng Hải. Dù nhà chức trách cảnh báo khẩn cấp, Ele.me và Meituan vẫn buộc nhân viên ra ngoài. Một tài xế Ele.me gặp nạn và không bao giờ trở về.

Chết khi giao đồ ăn không phải điều mới. Năm 1993, chuỗi Domino’s Pizza của Mỹ phải rút lại cam kết giao hàng trong 30 phút sau hàng loạt tai nạn và kiện tụng. Gần đây, Đài Loan báo cáo 3 trường hợp tử vong liên quan tới giao đồ ăn trong 5 ngày hồi tháng 10. Tại Hàn Quốc, theo trang tin địa phương Newstapa, các tai nạn tương tự xảy ra 568 lần trong 7 tháng đầu năm 2019, cao gấp đôi cả năm 2016.

Trên toàn cầu, sự tiện lợi của kinh tế số khiến những người đang phục vụ cho nó phải trả giá. Amazon.com đối mặt chỉ trích vì điều kiện làm việc khắc nghiệt tại nhà kho. Xe ôm công nghệ, giao hàng hứa hẹn sự linh hoạt hóa ra lại đồng nghĩa với mức lương thấp, giờ làm việc kéo dài, rủi ro cao.

Nhiều người tin rằng không nơi nào nguy hiểm hơn Trung Quốc. Chỉ riêng Ele.me và Meituan đã tuyển dụng ít nhất 5,7 triệu nhân viên giao hàng. Họ bị ném vào cuộc chiến khốc liệt, càng làm tăng nguy cơ.

Nhìn chung, đơn hàng trong bán kính 3km phải hoàn thành trong 30 phút, bao gồm cả thời gian nấu nướng. Nó khiến việc lái xe an toàn là gần như không thể, theo phỏng vấn hơn 12 tài xế đang làm cho hai doanh nghiệp. Dù mức phạt muộn giờ là khác nhau, mọi tài xế mà Nikkei trao đổi đều nó họ bị trừ lương. Trong một số trường hợp, muộn hai lần khiến họ bị giảm một nửa thu nhập.

Theo ngân hàng Bernstein, giao dịch giao đồ ăn tại Trung Quốc năm 2018 đạt giá trị 500 tỷ tệ (71 tỷ USD) và dự kiến tăng gấp 3 vào năm 2023. Gần 5 năm trước, thị trường này chưa tồn tại. Quan trọng hơn, giao đồ ăn là một phần trong cuộc chiến lớn hơn giữa Alibaba và Tencent. Hai công ty Internet hàng đầu đại lục đụng độ nhau mọi thứ, từ dịch vụ đến quảng cáo, đám mây. Do ai cũng phải ăn, thành công trong giao nhận đồ ăn sẽ giúp Alibaba và Tencent thu hút nhiều người dùng hơn.

Hiện tại, Meituan đang dẫn đầu thị trường với 52% thị phần trong nửa đầu năm 2019, theo Analysys. Meituan do Wang Xing sáng lập năm 2010 và là công ty Internet lớn thứ ba Trung Quốc tính theo giá trị vốn hóa, chỉ sau Alibaba và Tencent.

Tài xế giao đồ ăn, những "chiến binh tuyến đầu" của Ele.me. Ảnh: Getty Images

Song, không vì thế mà Alibaba để yên cho Meituan chiến thắng. Alibaba mua lại Ele.me tháng 4/2018. Tháng 11/2019, trước khi lên sàn chứng khoán Hồng Kông, gã khổng lồ cho biết sẽ mở rộng mảng giao đồ ăn. Sau khi về với Alibaba, Ele.me đã rót 3 tỷ tệ vào tiếp thị, trợ giá nhằm thu hút thêm người dùng.

Tuy nhiên, Alibaba không thể “đốt tiền” lâu. Giới quan sát nhận thấy hai đối thủ đang đổi chiến lược từ giá thấp sang dịch vụ tốt hơn. Điều đó khiến tài xế gặp khó hơn. Theo nghiên cứu của Big Data Research, tốc độ là yếu tố quan trọng thứ hai khi khách hàng lựa chọn dịch vụ giao đồ ăn sau chất lượng. Vì vậy, họ không chỉ bảo đảm giao hàng trong 30 phút mà còn đưa ra “chính sách bảo hiểm”.

Chẳng hạn, năm 2018, Ele.me cho phép khách hàng trả một số tiền nhỏ khi đặt hàng để được hoàn tiền 25% nếu đơn hàng giao muộn 15 phút và hoàn tiền 70% nếu chậm 30 phút. Meituan cũng đua theo đối thủ. Dù số tiền hoàn lại không trực tiếp trừ vào tiền công tài xế, nhiều người tin rằng các công ty này sẽ phạt họ.

Để tránh bị phạt, Lu phóng xe điện với tốc độ 50km/giờ tại Thượng Hải dù tốc độ tối đa cho phép bằng một nửa. Đèn đỏ cũng như đèn xanh. Chuyện vượt đèn đỏ là rất bình thường. Lu thừa nhận “chúng tôi mạo hiểm cuộc sống khi đi làm”.

Tài xế Meituan đi xe điện vào khu vực đường phố ngập lụt. Tờ People's Daily viết họ phải "mạo hiểm cuộc sống vì miếng ăn". Ảnh: Getty Images

Dù chưa gặp tai nạn nào, đồng nghiệp của anh “dính” tới 3 tai nạn trong một tháng. Theo thống kê của chính phủ, Thượng Hải chứng kiến trung bình 2 tai nạn liên quan tới tài xế giao hàng trong nửa đầu 2019. Ele.me đóng góp 111 vụ, tương ứng 34,2%, còn Meituan là 109 vụ.

Yu Yong, một tài xế Meituan, tin rằng 80% tai nạn gây ra là do thời gian giao hàng không hợp lý. Chỉ những ai lái xe đủ nhanh mới có thể đáp ứng. Lái xe tốc độ là cách duy nhất để họ kiếm đủ tiền.

Giống với công ty trong nền kinh tế làm việc tự do (gig economy), Meituan và Ele.me không trả lương cơ bản ngay cả khi nhiều người làm việc toàn thời gian. Thay vào đó, họ trả theo đơn hàng. Lu nói mình kiếm được khoảng 7.000 tệ/tháng, giao 35 đơn/ngày trong 12 tiếng. Yu kiếm được nhiều hơn, 10.000 tệ/tháng nhưng phải làm 14 tiếng/ngày, giao 40-50 đơn.

Nếu nhân viên liên tục từ chối đơn hàng, hệ thống sẽ tự động gửi ít việc hơn cho tài xế, khiến họ khó kiếm ăn hơn.

Đối với họ, “chết hụt” cũng là điều bình thường. Pan Jiang, tài xế của Ele.me tại Thâm Quyến, nhớ lại sự cố gần đây. Ông bố 31 tuổi của 3 đứa con thừa nhận đã phóng quá nhanh khi chiếc xe phía trước đột ngột quay lại. Dù phanh xe nhưng vì đi nhanh nên không thể dừng lại. Khi tỉnh lại, anh đang nằm dưới đất và chảy máu.

Dù vậy, sự cố đó không làm anh cẩn thận hơn. Vào giờ cao điểm, anh có 13 đơn hàng phải giao trong chưa đầy 1 giờ. Anh chỉ quan tâm tời việc làm sao để giao hàng nhanh nhất.

Theo Meituan, thời gian giao hàng được rút ngắn đáng kể nhờ trí tuệ nhân tạo và hệ thống công nghệ cao, giúp khớp tài xế với đơn hàng và lộ trình. Song, tài xế cho rằng công nghệ không phải giải pháp.

Hệ thống chỉ đường còn hại nhiều hơn lợi. Ảnh chụp màn hình ứng dụng Meituan được một tài xế Meituan chia sẻ cho thấy đường tắt qua khu phức hạp văn phòng khép kín, nhìn có vẻ ổn trên bản đồ nhưng lại không khả thi trên thực tế. Do ứng dụng tính toán thời gian đến nơi dựa theo tuyến đường gợi ý, tài xế phải tăng tốc để bù giờ.

Tỉ lệ tai nạn cao cũng khiến người khác phải chú ý. Thượng Hải và Trùng Khánh bắt đầu yêu cầu tài xế giao hàng gắn biển với hi vọng bắt được những người phạm luật qua camera giám sát. Truyền thông cũng theo dõi ngành công nghiệp này. Sau vụ tài xế Ele.me tử vong trong siêu bão, tờ Guangming Daily viết: “Ngay cả hàng không và tàu hỏa cũng phải tạm dừng dịch vụ vì lý do an toàn… Làm thế nào tài xế giao đồ ăn chống chọi với thời tiết khắc nghiệt”?

Tài xế tin rằng các công ty sẽ không cho họ thêm thời gian vì nếu giao chậm, khách hàng sẽ không lựa chọn nền tảng của họ nữa. Ảnh: Getty Images

Alibaba và Ele.me cho biết luôn đảm bảo an toàn cho tài xế và tổ chức gần 300 buổi đào tạo an toàn trên toàn quốc năm 2018. Dù vậy, Qui Xiaoping, tài xế 22 tuổi của Meituan, nói rằng mọi lời khuyên “hoàn toàn vô dụng”. “Một mặt, họ bảo chúng tôi không vượt đèn đỏ. Mặt khác, họ lại rút ngắn thời gian giao hàng. Chúng tôi làm sao mà nghe theo đèn đỏ được”?

Yêu cầu xin thêm thời gian của Qu và đồng nghiệp khác đều không được đáp ứng. Phần lớn tài xế đến từ nông thôn và khó tìm việc trong thành phố. Hầu hết được tuyển qua các trung tâm tuyển dụng, vì vậy họ không thể trực tiếp đề xuất lên Meituan hay Ele.me.

Lu không dừng lại nghỉ dù chỉ vài phút. Sau cơn bão, anh nói điều duy nhất thay đổi tại Ele.me là họ nói tài xế không được nói chuyện với truyền thông. “Giao hàng nhanh là cốt lõi của các nền tảng giao đồ ăn. Tôi không nghĩ họ sẽ thay đổi điều đó. Khi các vị tướng đánh nhau, chỉ có quân lính là chịu thiệt”.