Tháng 9/2017, hàng nghìn người hâm mộ la hét, xếp chật kín các khán đài TD Garden, Boston, Mỹ trong một trận chung kết Liên Minh Huyền Thoại. Trung tâm nhà thi đấu, 10 con người chăm chú nhìn vào màn hình máy tính, ngón tay không ngừng hoạt động. Trên cao, bốn màn hình lớn liên tục trình chiếu diễn biến trận đấu cho người xem tiện theo dõi. 

Trận đấu kết thúc, nhà vô địch đã được tìm ra. 5 vận động viên chiến thắng không giấu được xúc động trong màn hoa giấy và khói được bắn. Họ là thành viên của TSM, đội eSports dưới sự chủ quản của ông chủ Andy Dinh.

Khong bi shark tu choi, mot nguoi goc Viet dang la 'trum' eSport My hinh anh 1
Khi còn là tuyển thủ, Andy Dinh vừa là đội trưởng, huấn luyện viên, kiêm luôn nấu ăn và dọn dẹp cho đội Liên Minh Huyền Thoại của mình. Ảnh: Forbes.

TSM, viết tắt của Team SoloMid, một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất của ngành công nghiệp eSports. Họ cũng là đội tuyển giàu thành tích bậc nhất của Liên Minh Huyền Thoại khu vực Bắc Mỹ. Trong phút giây chiến thắng, CEO Andy Dinh bước ra từ cánh gà, ôm chầm lấy các tuyển thủ con cưng với suy nghĩ duy nhất: "Sau chiến thắng này mình cần phải làm gì?".

"Tôi muốn TSM phải là một trong những cái tên nổi tiếng nhất trên thế giới", ông chủ sinh năm 1992 chia sẻ với Forbes, "Bắc Mỹ là không đủ với tôi".

"Tài năng không quan trọng bằng cần cù"

Andy Dinh sinh ra trong gia đình 9 người thuộc tầng lớp lao động ở Campbell, California. Bản thân Dinh là "học sinh hạng C" (kém) tại trường trung học. Tuy nhiên, việc tìm ra niềm đam mê trong tựa game Liên Minh Huyền Thoại vào năm 2008 đã hoàn toàn thay đổi cuộc đời chàng thanh niên khi ấy mới 16 tuổi.

Lấy cái tên Reginald, anh nhanh chóng trở thành người chơi thuộc top đầu thế giới. Không được những đội chơi khi ấy thu nhận, Dinh ra mắt luôn đội tuyển riêng "All or Nothing" vào năm 2009. Dinh và anh trai Dan còn tạo ra trang web hướng dẫn người chơi.

Khong bi shark tu choi, mot nguoi goc Viet dang la 'trum' eSport My hinh anh 2
Andy Dinh khi còn nhỏ. Ảnh: Marriedwiki.

Dinh thậm chí đã phát sóng trực tiếp các trận đấu điện tử trước khi ESPN hay Amazon có ý tưởng này. Anh liền bỏ học và vay 5.000 USD của mẹ để đầu tư kinh doanh. Trang web hướng dẫn chơi game của Dinh, solomid.net, được đặt theo vị trí của anh trong game, thu hút hàng triệu lượt truy cập, giúp anh bỏ túi khoảng 60.000 USD mỗi tháng.

Đầu 2011, Andy bất đồng quan điểm với anh trai Dan Dinh, nhóm "All or Nothing" buộc phải tan rã. Andy Dinh gia nhập TSM và trở thành đội trưởng. Suốt khoảng thời gian sau đó, TSM liên tục giành chiến thắng ở nhiều giải đấu lớn, cùng với đó là hàng nghìn USD tiền thưởng.

Cuối năm 2013, Dinh giã từ sự nghiệp thi đấu để chuyển sang vai trò quản lý khi mới 21 tuổi. 

"Càng đầu tư thời gian vào niềm đam mê, bạn sẽ càng giỏi việc đó. Tài năng chưa bao giờ là chuyện quan trọng. eSports đang ngày càng được quan tâm. Bạn có thể thấy nhiều tỷ phú trên thế giới đầu tư vào các đội thể thao điện tử", Andy Dinh nói.

Công ty eSports lớn thứ hai thế giới

5 năm sau, vẫn với khát khao như ngày đầu, Dinh dấn sâu hơn vào lĩnh vực mà anh là một trong những người tiên phong. Tháng 7/2018, anh nhận được khoản vốn trị giá 37 triệu USD từ một nhóm các nhà đầu tư gồm công ty đầu tư mạo hiểm hạng A Bessemer Ventures Partners, Hall of Fame NFL, tiền vệ Steve Young và nhà vô địch NBA ba lần Steph Curry. "Khoản tiền chỉ có ý nghĩa khi nằm trong tay người giỏi nhất", Curry nói.

Với số tiền này, Dinh lập tức tăng gấp đôi nhân viên lên con số 100, dùng 15 triệu USD để xây dựng cơ sở đào tạo rộng 25.000 mét vuông với trụ sở hoạt động ở Los Angeles, cũng là nơi tổ chức các sự kiện cho người hâm mộ, hoạt động của những người sáng tạo nội dung cho TSM.

Khong bi shark tu choi, mot nguoi goc Viet dang la 'trum' eSport My hinh anh 3
Những cái tên sừng sỏ như G2, Gen.G, Fnatic còn không lọt được vào top 5 của Forbes. Ảnh: Forbes.

Năm 2017, TSM đạt danh thu khoảng 21 triệu USD, trên mức cao của một công ty về eSports. Năm 2018, Forbes định giá TSM có giá trị khoảng 250 triệu USD, với thu nhập 25 triệu USD, xếp thứ 2 trong danh sách những công ty eSports lớn nhất thế giới. Ngoài ra, TSM cùng các vận động viên của mình có hơn 60 triệu người theo dõi trên nhiều mạng xã hội khác nhau.

Bất chấp những thành công này, Andy Dinh tin rằng TSM có thể tận dụng tốt hơn những cơ hội để phát triển trong thị trường. Ví dụ như lập các đội tuyển mới, đào tạo tuyển thủ trẻ...

Khong bi shark tu choi, mot nguoi goc Viet dang la 'trum' eSport My hinh anh 4
Đội trưởng Søren “Bjergsen” Bjerg của TSM tiếp bước thành công của Andy Dinh với 5 chức vô địch Bắc Mỹ, trở thành một trong những người chơi hàng đầu thế giới. Ảnh: Riot Games

Ở phương diện cá nhân, Andy Dinh kịp giành cho mình 80.000 USD tiền thưởng từ 46 giải đấu quốc tế, một trong 19 tuyển thủ từng đạt 3 danh hiệu vô địch thế giới. Trong vai trò huấn luyện, TSM của anh cũng giành đến 6 chức vô địch Liên Minh Huyền Thoại ở Bắc Mỹ, đứng đầu trong khu vực này. Andy Dinh cũng từng được Forbes vinh danh trong top 30 Under 30 ở mảng game.

Tại Việt Nam, trong khi vẫn còn những tranh cãi về những lợi hại của eSports, ngành công nghiệp này vẫn không vì thế mà ngừng tăng trưởng. Công ty nghiên cứu Newzoo trụ sở tại Amsterdam, Hà Lan công bố eSports đã đạt mức 1,1 tỷ USD trong năm 2019, tăng 26,7% so với năm ngoái.

"Andy Dinh có thể trở thành một Michael Jordan hay Nolan Ryan trong ngành eSports. Từ người chơi chuyên nghiệp, anh chuyển sang quản lý đội tuyển của riêng mình và trở thành biểu tượng thể thao", Forbes viết về chàng trai gốc Việt này vào năm 2017.