Ngày 8/4, chị M.N ngụ quận 2, TP.HCM cho biết đã nhận được một đơn hàng trị giá hơn 300.000 đồng từ đơn vị chuyển phát Giao hàng tiết kiệm. Ở mục người gửi ghi "Shopee". Đáng chú ý, gia đình chị N không hề đặt đơn hàng này, nhưng thông tin từ địa chỉ, số điện thoại đến tên tuổi đều ghi rất chính xác.

"Gói hàng này do người giúp việc nhận giúp vì thông tin rất chính xác. Do nhà tôi đông người nên khi có đơn hàng giao đến thường chủ động nhận vì nghĩ có một ai đó trong nhà đã đặt", chị N chia sẻ.

Khong len Shopee dat mua, van bi giao hang deu dan den nha hinh anh 1
Thông tin người gửi trên gói hàng được gửi bởi Giao hàng tiết kiệm chỉ ghi "Shopee".

Theo chị N, đây không phải lần đầu gia đình chị nhận gói hàng như vậy. Trước đó, có hai đơn hàng khác trị giá trên 100.000 đồng cũng được ship tới nhà chị và cũng được người giúp việc thanh toán.

Bên cạnh đó, thời gian đến của những đơn hàng "ship lụi" cũng khá tương đồng với các đơn mà chị N đặt vì vậy rất khó để phân biệt thật giả.

Trả lời Zing.vn, đại diện truyền thông Shopee cho biết phía trang thương mại không ghi nhận bất kỳ giao dịch đặt mua nào từ số điện thoại của chị N. Bên cạnh đó, thông tin của chị N cũng chưa từng được lưu trong hệ thống của Shopee.

Về phía Giao hàng tiết kiệm, đơn vị vận chuyển của gói hàng cho biết họ chỉ thực hiện trách nhiệm chuyển hàng đến tay khách và thu phí. Những thông tin khác không được tiết lộ.

"Nạn ship lụi đã tồn tại từ lâu, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động thương mại điện tử. Các gian thương mua thông tin khách hàng từ nhiều nguồn, khoanh vùng những nơi nạn nhân có mức sống cao để gửi hàng cầu may", Lê Minh Hiệp, người có tiếng trong giới bán hàng online cho biết.

Khong len Shopee dat mua, van bi giao hang deu dan den nha hinh anh 2
Một trong ba gói hàng chị N không đặt nhưng tên, số điện thoại và địa chỉ trên gói hàng trùng khớp.

Theo ông Hiệp, các cửa hàng "ship lụi" thương ký với các đơn vị vận chuyển những gói thầu lớn. Vì vậy họ được hưởng mức phí vận chuyển thấp hoặc thậm chí là miễn phí. 

Từ đó, những chủ shop này mua thông tin khách hàng từ các đơn vị vận chuyển, lợi dụng sơ hở của khách hàng để ép mua. "Nếu khách hàng phát hiện nhầm lẫn và trả về, những cửa hàng này hoàn toàn không mất phí vận chuyển", ông Hiệp nói thêm.

Mục tiêu của những "shop ship lụi" là các gia đình có mức thu nhập khá, được xác định qua nơi ở. Bên cạnh đó, các gia đình đông người thường là nạn nhân của tình trạng ship lụi bởi khi gói hàng tới, khách hàng thường có thói quen chỉ xem đúng thông tin và nhận giùm người thân.

"Nếu có một đơn hàng thành công, các shop sẽ thỉnh thoảng gửi hàng đến nhà khách với hy vọng lừa thêm được lần nữa", ông Hiệp nói thêm.

Năm 2017, nhiều người cũng gặp tình trạng tương tự khi có người lạ gọi điện bán mật ong rừng. Dù không đặt hàng nhưng những thông tin người bán cung cấp chính xác từ số nhà, tên tuổi, công việc khiến khách hàng trong phút chốc tin rằng mình đã từng đặt mật ong.

Ngày nay, thông tin khách hàng có thể bị lộ theo rất nhiều cách, từ thông tin đăng ký mua nhà đất, đăng ký trường học cho con đến việc đăng ký thẻ thành viên tại các nơi mua sắm. Hiện chưa có giải pháp triệt để nhằm chấm dứt vấn nạn này. 

"Trong thời đại mà thông tin khách hàng đang được rao bán tràn lan trên các trang trực tuyến, người dùng cần cảnh giác hơn để tránh không đặt hàng mà phải thanh toán và thường là hàng kém chất lượng", ông Hiệp kết luận.