Trước khi máy quay bật, Fatima (34 tuổi) kéo khăn trùm đầu lên và đẩy con gái nhỏ ra xa khung hình. Rất khó để quay phim những người dân tại đây. Họ vui vẻ khi nói chuyện nhưng trở nên gượng gạo lúc ghi hình. Mọi người đều sợ IS trở lại và mình sẽ bị hành quyết vì đã trao đổi với các nhà báo về sự tàn bạo của bọn chúng.

Khung bo IS thieu song tre em vi dung dien thoai hinh anh 1
Fatima kể về vụ cháu mình bị IS hành quyết do mang theo điện thoại. Ảnh: Point.

"Chúng tìm thấy một chiếc điện thoại di động trên người cháu tôi", Fatima, một phụ nữ sinh ra và lớn lên tại Mosul (Iraq) nói. "Chúng trói thằng bé vào cột, đổ xăng lên người và thiêu sống nó".

Không chỉ riêng cô ấy, hầu như tất cả mọi người ở Mosul đều mất một vài người thân trong những năm qua. Nơi này đã bị tàn phá nặng nề, đầu tiên là từ nhà nước hồi giáo IS, sau đó là các lực lượng liên minh đã lật đổ những kẻ khủng bố và cuối cùng từ các vụ đánh bom liều chết mà IS nhắm vào dòng người tị nạn. Ngày 4/6/2014 đánh dấu cột mốc tối tăm của vùng đất này.

Chính sách cấm Internet tàn bạo

Quân đội treo cờ đen của IS đã tiếp cận thành phố, chúng chỉ mất 6 ngày để chiếm văn phòng thị trưởng, kiểm soát mạng lưới truyền hình, đài phát thanh và làm chủ sân bay. Nhiều cảnh sát, binh lính, quan chức chính phủ đã rời bỏ vị trí và tháo chạy khi IS đến.

Nhà nước Hồi giáo tự xưng giành được thành phố lớn thứ 2 Iraq một cách dễ dàng. Đến ngày 10/6, quyền kiểm soát nơi này đã rơi vào tay IS. Các chiến binh thoải mái đi lại trên phố.

Vài tuần sau, thủ lĩnh IS, Abu Bakr al-Baghdadi bắt đầu áp đặt chính sách cai trị hà khắc xuống khu vực. Để giành chiến thắng trên mặt trận tuyên truyền, chúng ngắt kết nối Internet. Người dân vẫn lén lút truy cập mạng 3G, tuy nhiên hành động này bị trừng phạt tàn nhẫn nếu bị phát hiện.

"Trong nhiều năm, có cảm giác như chúng tôi đã đi lùi, quay trở lại thời kỳ đồ đá", Fatima nói.

Khung bo IS thieu song tre em vi dung dien thoai hinh anh 2
Thủ lĩnh IS, Abu Bakr al-Baghdadi đã cấm toàn bộ Internet tại Mosul. Ảnh: Point.

Lực lượng IS lùng sục khắp thành phố khoảng 1 triệu dân để tìm thẻ SIM điện thoại, TV và thiết bị thu sóng vệ tinh. Chúng đánh dấu những nơi đã tìm kiếm qua bằng nước sơn lá cây.

Jamal, một chủ cửa hàng 47 tuổi sống tại Mosul cho biết: "Bất cứ ai bị bắt gặp đang nói chuyện điện thoại hay cầm điện thoại trên tay đều bị IS tịch thu".

Ali, một thợ cơ khí 25 tuổi đến từ Mosul, có một câu chuyện tương tự như Fatima. "Anh tôi bị xử tử vì sử dụng điện thoại di động". Anh trai của Ali sống ở quận Wadi Hajar, nơi có truyền thống trung thành với quân đội Iraq. IS thường xuyên đột kích vào khu vực này, tìm kiếm một cái cớ để giết người.

"Họ tập hợp chúng tôi trong nhà thờ Hồi giáo, trường học và xâm nhập tất cả các ngôi nhà trong khu phố," Ali nói. "Một ngày nọ, khi tìm thấy chiếc điện thoại trong nhà của anh trai tôi, mặc dù nó không có thẻ SIM, chúng đã xử bắn anh ấy bằng nhiều phát súng".

Trong nhiều năm, hầu hết người dân Mosul đều không thể truy cập Internet, không biết về những gì đang xảy ra bên ngoài thành phố, không biết người thân đã trốn thoát có an toàn, không biết liệu đội quân giải phóng khi nào sẽ đến.

"Chúng tôi bị cô lập khỏi thế giới", Fatima nói. "Chúng tôi không biết chuyện gì đang xảy ra. Chúng tôi thường đi ngủ mà không chắc là mình sẽ sống vào buổi sáng. Vào ban ngày, chúng tôi không chắc là mình sẽ sống vào buổi tối. Bọn họ khiến chúng tôi sống trong nỗi kinh hoàng, sợ hãi, hủy diệt, chết chóc, bệnh tật và đói khát". Những người khác cũng rơi vào tình trạng như vậy. Jamal nói: "Chúng tôi cảm thấy bị cô lập và mất kết nối với toàn bộ thế giới".

Tan hoang sau cuộc chiến

Trái ngược với cuộc chinh phạt Mosul của IS, khi cuộc chiến giải phóng thành phố diễn ra vào năm 2017, kéo dài suốt 10 tháng trời đầy thảm khốc. Toàn bộ nơi này bị phá hủy, những dãy phố cổ rộng lớn chỉ còn là đống gạch vụn, hầu hết nhà cửa đổ nát, chi chít vết đạn. Không còn bất kỳ nơi an toàn nào để sống.

Khung bo IS thieu song tre em vi dung dien thoai hinh anh 3
Một góc đổ nát của Mosul sau khi các lực lượng liên minh đánh bật IS khỏi thành phố này. Ảnh: Engadget.

Trường đại học tại Mosul, một trong những cơ sở giáo dục tốt nhất của thế giới Ả Rập trước đây cũng tan hoang sau chiến sự. Nhiều tòa nhà sụp đổ hoàn toàn, số còn lại thì hư hỏng nặng đến mức không thể sửa chữa, sách trong thư viện bị đốt phá.

Mọi người rất muốn cuộc sống trở lại như cũ, ngay cả khi tình trạng của thành phố nhắc nhở rằng nơi đây chưa thể nhanh chóng bình thường. "Bóng ma" IS vẫn đe dọa bằng các vụ đặt bom khủng bố, bắt cóc con tin.

Nhưng kết nối Internet cơ bản được thiết lập trở lại, giúp cho người dân Mosul cảm thấy bớt bị cô lập hơn, ít nhất họ có thể kiểm tra tình trạng người thân và cập nhật được cuộc sống bên ngoài thành phố.

Jamal nói: "Khi Internet và điện thoại di động quay trở lại, cuộc sống đã trở lại". "Chúng tôi không biết liệu họ còn sống hay không", Ali nói. "Tôi cảm thấy rất vui khi kiểm tra lại Facebook và liên lạc với bạn bè".

Fatima truy cập mạng xã hội ngay khi IS biến mất. Cô bắt đầu thêm ngẫu nhiên những người chưa từng quen để kết nối lại với thế giới. Facebook cũng là một trong những nền tảng tin tức phổ biến nhất tại thế giới Ả Rập và mạng xã hội này thường là nơi đầu tiên loan tin các sự kiện diễn ra hàng ngày.

Khung bo IS thieu song tre em vi dung dien thoai hinh anh 4
Người dân sống tại Mosul vẫn lo sợ nguy cơ IS quay trở lại. Ảnh: Point.

Điều khiến Fatima hài lòng nhất sau khi kết nối lại với thế giới là việc mua sắm trên Internet. "Tôi đã rất ngạc nhiên khi có thể đặt hàng trực tuyến và nó được giao tận nhà. Điều này không tồn tại ở Mosul trước khi cuộc chiến diễn ra", cô nói.

Nhưng Internet, cùng với khả năng kết nối của nó, không thể lấy đi nỗi sợ hãi. Mọi người vẫn nơm nớp lo sợ chủ nghĩa khủng bố quay lại. "Chúng tôi rất sợ thức dậy vào một ngày nào đó và chứng kiến bọn chúng quay trở lại" Fatima nói. "Chúng sẽ giết tất cả chúng tôi. Tôi thề, nếu quay lại, chúng sẽ giết tất cả chúng tôi".

Nga ngắt kết nối với Internet toàn cầu, liệu có phải trò đùa? Việc ngắt kết nối với Internet toàn cầu của Nga nhằm sẵn sàng ứng phó nguy cơ nổ ra chiến tranh mạng trong tương lai.