Tổng thống Donald Trump thăm nhà máy sản xuất Mac Pro cùng CEO Tim Cook. Ảnh: Internet

Tổng thống Trump luôn chỉ trích các công ty mạng xã hội vì ông cho rằng họ chống lại đảng Bảo thủ. Các CEO công nghệ cũng rời ban cố vấn Nhà Trắng vì không đồng tình với chính sách nhập cư và môi trường của Tổng thống. Thậm chí, Amazon còn kiện chính quyền vì không trúng thầu quốc phòng.

Tuy nhiên, CEO Tim Cook của Apple lại là ngoại lệ. Cook và Trump thân nhau tới mức con gái kiêm cố vấn cao cấp của Tổng thống, Ivanka, còn bật cười vì bố của mình nhầm tên Tim Cook là Tim Apple. Tổng thống còn cập nhật Twitter, trực tiếp đưa ra gợi ý về iPhone tiếp theo cho Cook. Họ cũng đủ thân để Tổng thống thăm nhà máy sản xuất Mac Pro tại Austin, Texas hôm 20/11 vừa qua.

Đầu năm nay, khi được hỏi vì sao lại có quan hệ thân thiết với Cook như vậy mà không phải một lãnh đạo nào khác, Tổng thống trả lời CEO Apple là người duy nhất gọi cho ông, còn người khác thì không. “Người khác ra ngoài và thuê cố vấn đắt tiền, còn Tim Cook gọi trực tiếp cho Donald Trump. Thật là tốt. Tôi cũng sẽ nhận cuộc gọi của người khác nhưng chỉ có Tim Cook gọi cho tôi”. Ông cho biết Cook gọi cho mình “mỗi khi có vấn đề”. Vào tháng 8/2019, cuộc gọi là về thuế quan.

Khi nói tới tầm ảnh hưởng trong Quốc hội, Cook gây quỹ cho cả Đảng Dân chủ lẫn Đảng Cộng hòa, ngay cả khi Apple đang giảm chi phí vận động hành lang trong ba năm qua. Ông còn là thành viên Ban cố vấn chính sách lao động của chính phủ.

Chuyến thăm tới nhà máy sản xuất Mac Pro mới nhất muốn nhấn mạnh nỗ lực của chính quyền Tổng thống trong truyền cảm hứng cho sản xuất tại Mỹ. Apple thông báo sẽ đầu tư 1 tỷ USD vào trụ sở mới tại đây. Tổng thống cũng nói rằng nếu sản xuất tại Mỹ, Apple không phải lo lắng về thuế quan nữa.

Hiện tại, chính quyền Trump đang cân nhắc có miễn trừ sản phẩm Apple khỏi đợt đánh thuế 15% lên hàng hóa Trung Quốc hay không. Công ty đang được miễn một số loại thuế.

Theo CNBC, Cook nói với quan chức chính phủ rằng giảm thuế có lợi cho việc kinh doanh của Apple và công ty sẽ mang hàng tỷ USD từ nước ngoài về cho Mỹ. Công ty khẳng định đóng góp khoảng 350 tỷ USD cho kinh tế Mỹ trong vòng 5 năm kể từ năm 2018 nhờ cắt giảm thuế. Không rõ Apple đã làm được bao nhiêu trong cam kết của mình nhưng trong một thông báo mới đây, họ nói đang trên đà đạt mục tiêu đề ra năm 2018.

Một trong những bất đồng lớn nhất của Cook là tính hợp pháp và sự cần thiết của đạo luật nhập cư DACA. Trong khi Tổng thống muốn chấm dứt chương trình, Aple lại ủng hộ. “Táo khuyết” đang tuyển dụng 443 người nằm trong chương trình DACA. Công ty cho biết họ không tuyển dụng vì làm từ thiện mà vì kỹ năng và kinh nghiệm, giúp họ xử lý được các vấn đề từ các góc độ khác nhau.

Một vài căng thẳng khác giữa Apple và chính quyền có môi trường và mã hóa. Tim Cook chỉ trích chính quyền vì rút khỏi hiệp định chống biến đổi khí hậu Paris. Ông viết thông báo gửi nhân viên rằng đã nói chuyện với Tổng thống để thuyết phục ông không rời hiệp định.

Ngoài ra, Bộ Tư pháp và Bộ trưởng Tư pháp Bill Barr nhấn mạnh mã hóa khiến nhà hành pháp khó thực thi pháp luật hơn vì nó cho phép tội phạm che giấu thông tin liên lạc đằng sau các ứng dụng mã hóa như WhatsApp và Signal. Tuy nhiên, Apple cùng các chuyên gia lại cho rằng nếu cung cấp quyền truy cập đặc biệt cho nhà hành pháp sẽ làm ảnh hưởng đến an ninh của mọi người, đặc biệt đối với các tổ chức tài chính.

Dù vậy, quan hệ hữu hảo giữa Cook và Tổng thống hiện nay đã thay đổi hoàn toàn so với vài năm trước. Khi tranh cử Tổng thống năm 2016, ông Trump kêu gọi tẩy chay Apple vì không tuân thủ lệnh của tòa án nhằm hỗ trợ phá khóa iPhone của một trong những tay súng trong vụ khủng bố San Bernardino, California.