Tập 5 Shark Tank Việt Nam mùa 2 gây tranh cãi bởi màn gọi vốn của anh Trần Khiêm đến từ Smartlog, công ty chuyên tư vấn, số hóa hoạt động logistics cho doanh nghiệp. Không chỉ gây sốc với số tiền kêu gọi kỷ lục vào thời điểm ấy -116 tỷ đồng cho 20% cổ phần công ty, Khiêm còn khiến dàn "cá mập" cùng người xem liên tục bất ngờ bởi những phát ngôn như "Thị trường Việt Nam là hiển nhiên trong tay em rồi" hay "Oracle phải mang 1 tỷ USD sang đây, nếu không thì không nói chuyện".

Tuy nhiên sau 1 năm nhìn lại, chính Trần Khiêm đã phải thừa nhận màn gọi vốn ngày nào tác động không nhỏ đến cuộc sống và công việc của anh.

"Sau Shark Tank tôi không dám coi clip này nhiều, cảm giác hơi tổn thương. Mình nghĩa sao nói vậy, chỉ là tôi đang cố gắng diễn giải những gì mình nghĩ nhưng lại khiến các Shark cho rằng mình chỉ đang chiêu trò, đang múa may", Khiêm trải lòng trong series video với tên gọi "Sau bể cá mập" của TVHub.

Khiêm cho biết giai đoạn mới phát sóng, công ty thu được sự chú ý không nhỏ từ dư luận. Nhưng sau này, khi các thông tin truyền thông tiêu cực tăng dần, họ nhận về không ít "gạch đá", đặc biệt ở chi tiết founder đi FLC Quy Nhơn nghỉ mát, ủy quyền cho trợ lý lên gọi vốn. Chính sếp anh, founder Smartlog, bắt đầu coi Shark Tank gắn liền với "quá khứ đau thương, nỗi buồn nhức đầu".

“Người giời” Khiêm Smartlog trải lòng sau 1 năm gọi vốn trên Shark Tank: Từng nghĩ đến chuyện nghỉ việc, và sếp cũng đồng ý luôn! - Ảnh 1.
“Người giời” Khiêm Smartlog trải lòng sau 1 năm gọi vốn trên Shark Tank: Từng nghĩ đến chuyện nghỉ việc, và sếp cũng đồng ý luôn! - Ảnh 2.

Nghiêm trọng hơn, một số khách hàng đang trong quá trình ký hợp đồng với Smartlog, sau khi xem chương trình, họ quyết định hoãn ký hợp đồng lại vì lo sợ Smartlog phá sản, trong bối cảnh công ty vẫn còn đang thua lỗ. Dù sau một thời gian đánh giá các phương án thay thế, những khách hàng này vẫn chọn Smartlog nhưng không thể phụ nhân tác động tiêu cực mà Khiêm phải trải qua.

"Thật sự đó là một giai đoạn khá đen tối, ảnh hưởng đến cả gia đình. Vợ mình từng khuyên mình nên nghỉ đi. Cái cảm giác tồi tệ nhất là mình đánh mất năng lượng. Chuyện tuyên bố, nói thánh nói tướng trên truyền thông không có nghĩa mình là con người không yếu đuối. Có những lúc mình phải đối diện với câu hỏi ngày mai mình có muốn tiếp tục công việc này nữa không?".

"Mình từng có ý định nộp đơn nghỉ việc, và sếp cũng đồng ý luôn. Sau đó thì anh em đi nhậu, ngồi tâm sự với nhau rất nhiều, mình quyết định thôi lỡ rồi theo luôn", Trần Khiêm nhớ lại.

Với màn xuất hiện "chỉ nhìn lên trời mà chưa nhìn xuống đất" trong Shark Tank, vai trò của Khiêm trong công ty cũng bị thu hẹp lại. Từ vị trí giám đốc điều hành, như giới thiệu trong phần thuyết trình về Smartlog, Khiêm chuyển sang tập trung vào marketing và triển khai các dự án tư vấn, giảm bớt ảnh hưởng trong công ty.

Tuy nhiên khi được hỏi có hối hận vì màn trình diễn trước đó không, Trần Khiêm trích dẫn câu nói "no pain, no gain", với lời nhắn nhủ rằng thành công nào cũng có cái giá của nó, không chịu hy sinh thì không thể gặt về thành quả. Chính nhờ màn lên sóng Shark Tank đầy tranh cãi, đến nay, Smartlog đã có đội ngũ nhân sự tăng gấp đôi, thị trường hoạt động cũng mở rộng với lượng khách hàng tăng hơn gấp đôi so với trước đó.

Riêng với bản thân Khiêm, màn trình diễn năm nào khiến anh hiểu rõ mình là ai và giá trị của mình nằm ở đâu.

"Trong chương trình, mình nghĩ mình là người có quyền lực, có tiếng nói thành ra thái độ cách hành xử đâu đó thể hiện một cái tôi cao quá. Giờ mình biết mình là ai, mình làm cái gì hợp nhất thì đó là thay đổi lớn nhất".

Các chiêu thuyết phục “xuất thần” Shark Dũng đã sử dụng để “câu” được Shark Thủy, Shark Hưng, và Shark Việt trong thương vụ 6 triệu USD của Luxstay

Theo Trí Thức Trẻ