Màu áo vàng bắt đầu tăng dần bên cạnh áo xanh, đỏ

Đi trên đường các thành phố lớn hiện nay, ngoài màu áo quen thuộc của tài xế GrabBike, người ta dễ thấy thêm màu áo của Go-Viet và Now. Dạo gần đây, là màu vàng của tài xế be. 

Một tài xế beBike đang chờ khách dưới một trung tâm thương mại - Ảnh: Hải Đăng

Mặc dù tại Việt Nam hiện nay có xấp xỉ 10 ứng dụng gọi xe đang hoạt động, một số tuyên bố rất hùng hồn khi ra mắt, tuy nhiên thực tế trên đường phố chỉ có 3 màu áo gồm một xanh, hai đỏ nay có thêm màu vàng. 

Thực tế trên phản ánh khá chính xác bối cảnh thị trường hiện nay. Grab gần như chiếm lĩnh toàn bộ thị trường nói chung, Now vẫn mạnh và cạnh tranh với Grab ở mảng giao đồ ăn, Go-Viet có mặt ở cả xe máy và đồ ăn thức uống. Dạo gần đây, be bắt đầu có mặt ở gọi xe máy, ô tô.

Trong những cái tên nêu trên, Grab và Go-Viet được hậu thuẫn bởi tài chính hùng mạnh từ các nhà đầu tư quốc tế, Now (của Foody) là thương hiệu Việt nhưng cũng được rót vốn ngoại. Riêng be là một thương hiệu Việt hoàn toàn cho đến nay. Dù vậy, khác với các ứng dụng gọi xe Việt khác ra mắt rồi im ắng, be chứng tỏ họ làm được nhiều điều.

Làm sao một ứng dụng thuần Việt mới ra lại có thể bắt đầu thể hiện dấu ấn của mình như thế? Dễ thấy nhất là mảng gọi xe máy?

Trả lời ICTnews về câu hỏi này, đại diện Be Group cho biết luôn lấy tài xế làm gốc. Khi quyền lợi của tài xế gắn liền với sự phát triển của be, gắn liền với tiêu chí chất lượng thì họ cũng phải có những ứng xử, hành xử đúng mực, để cung cấp dịch vụ tốt hơn cho khách hàng. Với tôn chỉ đó, công ty tin sẽ nhận được tình cảm của khách hàng, đồng thời bảo đảm cuộc sống của tài xế tốt hơn. 

Ra mắt hồi cuối năm 2018, hiện be có mặt tại TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu, Cần Thơ, Đà Nẵng. Tính đến tháng 4/2019, công ty tuyên bố có hơn 10.000 đối tác tài xế tại TP.HCM và Hà Nội, trung bình mỗi ngày thực hiện 100.000 cuốc xe. be đặt mục tiêu có 100.000 đối tác tài xế trong năm nay.

Hồi đầu năm, sau khi bị tài xế than phiền chiết khấu cao, be đã tặng thêm 6,66% thu nhập cho tài xế, đồng thời tặng đồng phục cho tài xế xe máy.

“be đang là một trong những doanh nghiệp có chương trình thưởng hỗ trợ tài xế tốt nhất trên thị trường. Việc be liên tiếp tăng trưởng số lượng khách hàng, mở rộng được mạng lưới, gia tăng thị phần cũng giúp tài xế có cơ hội thu nhập cao hơn, gắn bó lâu dài với nghề”, đại diện Be Group chia sẻ.

‘Tài xế be cũng được nhận sự tôn trọng của hãng. Khi khách hàng phản ánh dịch vụ, hãng đều phải điều tra kỹ càng để có kết luận khách quan nhất, hợp tình, hợp lý. Mục tiêu dài hạn của be là muốn xã hội công nhận các tài xế lái xe công nghệ là một nghề. Đã là nghề thì họ phải được bảo vệ bởi luật pháp, bởi chính sách của cơ quan quản lý Nhà nước, Luật Lao động”, vị đại diện này nói thêm về vai trò của tài xế.

Nói về tầm quan trọng của khách hàng, đại diện be cho biết vẫn có những chương trình khuyến mãi, ưu đãi vừa phải và hợp lý, tùy thời điểm, tùy nơi và theo tệp khách hàng nhưng không theo kiểu cho người dùng chuyến đi miễn phí. Mục tiêu là để khách trải nghiệm dịch vụ của be. be luôn nghĩ cách phát triển bền vững chứ không phải trả tiền cho người dùng đi xe. 

Con đường trở thành siêu ứng dụng

Grab tham gia vào hầu hết các lĩnh vực hiện nay và đang dần trở thành siêu ứng dụng hàng ngày. Now cũng có tham vọng tương tự với nhiều dịch vụ đa dạng. Go-Viet thận trọng hơn khi mới chỉ tập trung mảng đồ ăn và gọi xe máy.

Trong khi đó, vừa ra mắt, be đã có beBike, beCar (4 chỗ, 7 chỗ) , beRental. Đang có tin đồn hãng này sắp ra mắt mảng giao đồ ăn, tuy vậy be không xác nhận việc này.

Siêu ứng dụng đang là xu hướng nở rộ mà các doanh nghiệp lớn, công ty khởi nghiệp, thậm chí ngân hàng, công ty viễn thông,... đều đang nhảy vào. Viễn cảnh một người chỉ cần dùng một ứng dụng duy nhất để thực hiện xuyên suốt gần như mọi hoạt động hàng ngày của họ chắc chắn hấp dẫn những nhà kinh doanh.

Với việc hợp tác với Ngân hàng VPBank gần đây đây để ra mắt dịch vụ beFinancial, dù có thừa nhận hay không thì be cũng đang trên con đường muốn trở thành ứng dụng tất cả trong một.

Be Group và VPBank ký kết để ra mắt dịch vụ beFinancial - Ảnh: Hải Đăng

beFinancial sẽ phục vụ cho cả 3 nhóm đối tượng bao gồm khách hàng, tài xế và doanh nghiệp, với các tiện ích như thanh toán cho các chuyến đi và các dịch vụ giao vận, nạp tiền điện thoại, thanh toán không tiền mặt tại cửa hàng. Ngoài ra, người dùng còn có thể tích lũy điểm thưởng, hoàn tiền qua mỗi giao dịch và trở thành khách hàng thân thiết với nhiều ưu đãi về chiết khấu, vay tiêu dùng…

“Đây là minh chứng cho việc be sẽ mở rộng và chia sẻ hệ sinh thái của mình với tất cả doanh nghiệp ở các khâu vận hành khác nhau trong cùng một chuỗi giá trị để mang lại sản phẩm tốt nhất cho khách hàng, cũng như tối ưu hóa hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Chúng tôi tin rằng một hệ sinh thái mở, cộng sinh để cùng giúp đỡ lẫn nhau sẽ thu hút các doanh nghiệp tham gia nhằm mang lại những giá trị bền vững cho cả doanh nghiệp và nền kinh tế”, đại diện Be Group phát biểu.

Về việc có mong muốn trở thành siêu ứng dụng hay không, be cho rằng sẽ phát triển trở thành một nền tảng hơn là một ứng dụng, cho phép và chào đón rất nhiều đơn vị phù hợp cùng khai thác chứ không giành vị thế độc tôn hoặc sử dụng độc quyền. 

“Đặc biệt, bất kể startup Việt/doanh nghiệp Việt nào cùng chí hướng thì công ty luôn sẵn sàng để cùng nhau phát triển và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt”, đại diện be chia sẻ.

Ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Be Group, từng cho biết khi có hàng chục nghìn tài xế mà không tận dụng để triển khai các dịch vụ khác như giao hàng, giao thức ăn, đi chợ... thì rất phí. Ông cho biết be sẽ tham gia các dịch vụ khác chậm nhưng chắc. 

Rõ ràng, be đang đi trên con đường trở thành một nền tảng tập hợp nhiều dịch vụ với nhau để phục vụ nhiều nhu cầu của khách hàng nhất có thể.

Để đạt được mục tiêu này, thách thức phía trước của tân binh be không hề dễ dàng. Tuy vậy, công ty này đã đạt được những bước thành công nhất định ban đầu, không như các ứng dụng Việt và “ngoại” khác đang dần im ắng.

Grab, Go-Viet, Now là những tên tuổi lớn. Song “có cạnh tranh thì mới có phát triển, và hơn nữa trong thị trường hơn 100 triệu dân như Việt Nam, chắc chắn sẽ luôn có một tệp khách hàng dành cho be”, đại diện be khẳng định.