Sản phẩm được trưng bày tại Triển lãm Techfest 2019.

Phát biểu tại Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest) năm 2019 diễn ra ở Quảng Ninh đầu tháng 12/2019, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh nhấn mạnh 5 kết quả đạt được sau hơn 3 năm triển khai hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.

Một là, hình thành được hành lang pháp lý cho các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Chuyển giao công nghiệp năm 2017 và các văn bản hướng dẫn; các chính sách thí điểm cũng đang được các Bộ, ngành tích cực xây dựng, triển khai như: sandbox trong lĩnh vực fintech, trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, đưa startup tham gia các chương trình huấn luyện tại nước ngoài…

Hai là, hệ thống các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trong phạm vi cả nước có sự phát triển nhanh về mặt số lượng: 23 tổ chức thúc đẩy kinh doanh với những tên tuổi lớn trên thế giới đã vào Việt Nam như 500 startups, 38 vườn ươm khởi nghiệp, và đặc biệt là trên 170 khu làm việc chung với những thương hiệu đang mở rộng ra thị trường quốc tế như Up, Toong..

Ba là, sự lan toả mạnh của khởi nghiệp sáng tạo trong toàn quốc và tiếp cận với quốc tế: 52/63 địa phương đã ban hành kế hoạch và bố trí nguồn lực hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp, hơn 300 sự kiện về khởi nghiệp sáng tạo được tổ chức trong cả nước, trong đó gần 30% là các sự kiện có quy mô lớn với 500 người tham dự trở lên, hơn 10 chương trình truyền hình về khởi nghiệp sáng tạo được phát sóng trong cả nước. Đặc biệt, năm 2019, sự kiện Techfest lần đầu tiên đã được tổ chức tại các quốc gia ngoài lãnh thổ Việt Nam như: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Singapore, tạo cơ hội cho các startup tiếp cận với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại các quốc gia phát triển cũng như thu hút các chuyên gia, nhà đầu tư quốc tế tham gia các hoạt động đang triển khai tại Việt Nam.

Bốn là, các trường đại học đã hình thành nhiều những trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, và đặc biệt là một số trường đã đưa môn học về khởi nghiệp sáng tạo vào chương trình chính thức, là cơ sở cho việc hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo năng lực tốt trong thời gian tới.

Năm là, các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo hiện có mặt tại Việt Nam năm 2019 là 61 quỹ, trong đó có 10 quỹ trong nước. Trong năm nay, các quỹ mới của Việt Nam cũng được thành lập, đưa nguồn lực mới của các tập đoàn lớn vào hệ sinh thái như Quỹ Nghiên cứu ứng dụng VinTech (VinTech City) và Next100.

Với sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, trong 10 tháng đầu năm 2019, lượng vốn thu hút được từ 29 thương vụ có công bố đã là 751 triệu USD. Đặc biệt, có những thương vụ quy mô rất lớn như thương vụ đầu tư vào VNLIFE, công ty mẹ của giải pháp thanh toán VNPAY lên tới 300 triệu USD, đứng thứ nhất trong số các thương vụ đầu tư vào các công ty công nghệ tài chính khu vực Đông Nam Á, vượt qua cả Singapore. Quy mô các thương vụ đầu tư lớn ngày càng tăng cho thấy tiềm năng hình thành các “kỳ lân” mới – các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được định giá trên 1 tỷ USD tại Việt Nam là rất thực tế.