QR Code trên đà phổ biến

TP.HCM hôm qua 8/3 chính thức thử nghiệm thanh toán tự động trên một số tuyến xe buýt. Theo đó, khách đi xe thay vì mua vé giấy như thông thường có thể dùng điện thoại cài ứng dụng ZaloPay, mở QR Code trên ứng dụng này để thanh toán trên máy đọc đặt trên xe buýt. Khách cũng có thể mua thẻ nhựa để trả tiền thay cho vé giấy.

Nếu thí điểm thành công, TP.HCM sẽ mở rộng thử nghiệm thanh toán tự động ra nhiều tuyến xe buýt, đồng thời có thể dùng thẻ này để thanh toán cho nhiều phương tiện công cộng cho tương lai. Như vậy, phương thức thanh toán dùng mã QR sẽ có cơ hội đi sâu vào cuộc sống người dân hơn sau đợt thử nghiệm này.

Khách hàng dùng thử phương thức thanh toán QR Code tại một máy bán hàng tự động - Ảnh: Hải Đăng

Phương thức thanh toán QR Code đã được triển khai rộng tại các trang thương mại điện tử và các cửa hàng hiện đại, một số cửa hàng truyền thống. Chẳng hạn có thể dùng QR Code thanh toán tại Tiki.vn, các chuỗi cửa hàng tiện lợi, Coffee House, Phúc Long, các quán trà sữa, các quán cà phê lề đường khu Nguyễn Văn Chiêm, chợ Bến Thành, các hàng quán gần toà nhà trụ sở ZaloPay, Kids Plaza, Tmart, Media Mart, thegioididong.com, Fado, 123bay…

Một lãnh đạo cấp cao của ZaloPay đánh giá với một thị trường mới nổi như Việt Nam, việc tiếp nhận các công nghệ tiên tiến, hữu dụng như QR sẽ rất bùng nổ trong thời gian tới do quy mô thị trường thanh toán còn nhiều dư địa.

“QR có lợi thế so với các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tiên tiến khác là không bị giới hạn phần cứng đối với người sử dụng, chỉ cần có một thiết bị điện thoại thông minh có cài đặt ứng dụng hỗ trợ là có thể sử dụng”, vị đại diện ZaloPay nói.

QR Code dễ triển khai cho cả cửa hàng lẫn người dùng. Đối với cửa hàng, đơn vị cung cấp chỉ cần tạo một mã QR cho cửa hàng này, khách hàng khi cần thanh toán sẽ mở ứng dụng trên điện thoại, quét mã QR của cửa hàng, số tiền cần thanh toán sẽ trừ vào tài khoản người sử dụng.

Để có tiền trong tài khoản, người dùng cần liên kết thẻ ngân hàng với ứng dụng ví điện tử, như ZaloPay, MoMo, Payoo, hay VNPay chẳng hạn.

Ngược lại, trên ứng dụng ví điện tử của mỗi người dùng cũng được tạo một hay nhiều mã QR. Khi người dùng thanh toán ở một cửa hàng nào đó, máy đọc sẽ quét mã QR của khách hàng để trừ vào tài khoản.

Ông Ngô Trung Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ trực tuyến Cộng Đồng Việt (VietUnion, chủ sở hữu nền tảng Payoo) trả lời ICTnews cho rằng công nghệ thanh toán qua QRCode đang rất thành công ở Trung Quốc và trở thành một trong những cách thức thanh toán được nhiều quốc gia quan tâm và phát triển.  

“Tại Việt Nam, Ngân hàng nhà nước đang đưa ra các quy định chung về chuẩn thanh toán và nhiều đơn vị cũng đã và đang chuẩn bị để chấp nhận hình thức thanh toán mới này. Do đó, tôi nghĩ thanh toán qua QRCode sẽ trở nên phổ biến tại Việt Nam trong 3-5 năm tới”, ông Lĩnh dự báo.  

ZaloPay cho biết so với cùng kỳ 2018, tỷ lệ tăng trưởng các đơn vị chấp nhận thanh toán QR Code vào khoảng 20%. Trong năm 2019 đơn vị này sẽ đẩy mạnh triển khai các điểm chấp nhận thanh toán có áp dụng QR Code, mục tiêu sẽ đóng góp đến 50% doanh thu chung của toàn hệ thống.

Trong khi đó, tính đến thời điểm hiện tại, Payoo đã tăng 25% trên tổng số điểm chấp nhận thanh toán QR so với quý II năm 2018.

Các ngân hàng cũng nhảy vào cuộc 

Không chỉ các công ty fintech phát triển ví điện tử như MoMo, Payoo, ZaloPay mới quan tâm đến QR Code, các ngân hàng cũng phát triển ứng dụng riêng sử dụng hình thức thanh toán này. Có khoảng 18 ngân hàng như BIDV, Vietcombank, VietinBank, Agribank, TPBank, VPBank, Maritime Bank, SCB, SHB... áp dụng áp dụng hình thức thanh toán bằng QR Code, với hơn 8 triệu người dùng. Nhiều ngân hàng phát triển ứng dụng riêng, cho phép thanh toán bằng hình thức này.

Để có chuẩn QR Code chung, Ngân hàng Nhà nước có kế hoạch ban hành chuẩn QR nội địa dựa trên nền tảng tiêu chuẩn kỹ thuật thanh toán của EVM.Co. Các ngân hàng nói trên khi triển khai đã xây dựng mã QR theo chuẩn chung này, do đó các địa điểm thanh toán khi áp dụng chuẩn này sẽ tạo được sự thống nhất, hầu như mọi ứng dụng đều có thể thanh toán ở mọi địa điểm.

ZaloPay cho biết đã hỗ trợ quy chuẩn về định dạng QR Code - EMV.Co do Ngân hàng nhà nước ban hành. Việc hỗ trợ này sẽ giúp cho không chỉ các doanh nghiệp triển khai có cơ hội tiếp cận và mở rộng nhanh mạng lưới chấp nhận thanh toán, mà còn giúp cho người dùng không thấy khó sử dụng hay nhầm lẫn khi có quá nhiều QR Code của các đơn vị khác nhau hiện diện tại điểm chấp nhận thanh toán.

Payoo cũng cho biết các điểm chấp nhận thanh toán QR Code của Payoo theo quy chuẩn chung được quy định bởi Ngân hàng nhà nước và các tổ chức thẻ quốc tế Visa/Mastercard. 

Có thể thấy QR Code đang được sự đồng thuận hỗ trợ từ cả phía doanh nghiệp tư nhân lẫn phía cơ quan nhà nước. Tuy vậy, việc triển khai QR Code để phương thức này thành chủ đạo không hề dễ dàng.

Doanh nghiệp hào hứng triển khai nhưng độ phủ chưa rộng

Đại diện ZaloPay cho rằng QR tại Việt Nam độ phủ chưa lớn, quá trình đồng nhất và liên thông của các đơn vị cung cấp diễn ra khá chậm chạp đang là những rào cản để người dùng tiếp cận dịch vụ này.

Mã QR Code dùng để thanh toán tại một cửa hàng tiện lợi - Ảnh: Hải Đăng

Về phía doanh nghiệp, để triển khai QR Code, dễ nhất là họ cần tạo một tài khoản trên nền tảng của đơn vị cung cấp, ví dụ tạo tài khoản ví ZaloPay chẳng hạn. Mỗi khi người dùng thanh toán, tiền sẽ vào tài khoản ví của doanh nghiệp. Tuy vậy, đối với các doanh nghiệp cần thống nhất sổ sách thì nguồn thu nhập từ ZaloPay sẽ phải được đồng bộ với hệ thống công nghệ của công ty. Việc đồng bộ hệ thống hai bên có nguy cơ lộ các bí mật kinh doanh, số liệu kinh doanh,... khiến doanh nghiệp e dè.

Ngoài ra, ông Ngô Trung Lĩnh cho biết thêm, để hình thức này được phát triển cần có một đơn vị chuyển mạch chung cho thanh toán QR Code tại Việt Nam và được các đơn vị hỗ trợ về mức phí xử lý thanh toán, tăng thêm điểm chấp nhận thanh toán v.v… để đảm bảo cho khách hàng và các bên liên quan trong chuỗi cung ứng dịch vụ thanh toán qua QR Code có thể phát triển nhanh chóng và dễ dàng.

Dù gặp những khó khăn nhất định, ZaloPay cho biết QR Code là một kênh ít tốn chi phí triển khai, không phải bận tâm về vấn đề bảo trì và vận hành thiết bị chấp nhận thanh toán như các kênh truyền thống khác (ATM, POS). Chính vì vậy, công ty sẽ nghiên cứu, cải tiến và áp dụng những công nghệ tiên tiến để triển khai đến người dùng và các đơn vị chấp nhận thanh toán; kết hợp thêm với nhiều các đối tác triển khai dịch vụ để mở rộng điểm chấp nhận thanh toán.

Payoo cũng có định hướng tương tự, sẽ tiếp tục mở rộng hệ thống điểm chấp nhận QR Code, liên kết với nhiều ứng dụng ngân hàng và ứng dụng fintech khác nhằm mang lại cho khách hàng sự tiện lợi, thống nhất và an toàn trong thanh toán.