Điện thoại di động liên tục sụt giảm trong quý 3/2019

Theo báo cáo thị trường của GfK, trong 9 tháng đầu năm, thị trường điện thoại di động nói chung (gồm điện thoại cơ bản và smartphone) giảm gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, trong 3 quý vừa qua, số lượng điện thoại di động toàn thị trường đạt hơn 15 triệu chiếc, giảm hơn 1,3 triệu chiếc so với cùng kỳ năm ngoái.

Một khách hàng đang dùng thử điện thoại tại quầy một siêu thị điện thoại. Ảnh: Hải Đăng

Đặc biệt, trong quý 3/2019, số lượng bán ra của điện thoại di động liên tục giảm. Cụ thể, các tháng 7-8-9/2019, số lượng máy bán ra lần lượt là 2 triệu chiếc, 1,54 triệu chiếc và 1,48 triệu chiếc. Như vậy, tháng 9 có doanh số kém hơn tháng 7 hơn nửa triệu máy.

Cùng với việc số lượng máy bán ra giảm doanh thu của toàn thị trường điện thoại di động cũng giảm theo. Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2019, doanh thu điện thoại di động và smartphone tại Việt Nam đạt khoảng gần 53 ngàn tỷ đồng; trong khi con số này 9 tháng đầu năm 2018 là 58 ngàn tỷ đồng.

Riêng mảng kinh doanh online quý 3/2019 không sụt giảm, có tăng nhẹ so với quý 2/2019. Tuy nhiên, nếu so sánh giữa 3 tháng trong quý 3 thì vẫn đang có chiều hướng đi xuống.

Cụ thể, trong tháng 7/2019, toàn thị trường bán được 290 ngàn chiếc, đến 9/2019 giảm xuống còn 214 ngàn chiếc. Tổng số lượng máy bán ra 9 tháng đầu năm 2019 cũng giảm hơn 100.000 chiếc so với 9 tháng đầu năm 2018, từ 2,49 triệu chiếc (9 tháng đầu năm 2018), còn 2,37 triệu chiếc (9 tháng đầu năm nay).

Ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO của Thế Giới Di Động (TGDĐ) khẳng định thị trường điện thoại di động đang bão hoà, mức độ tăng trưởng rất thấp.

Theo báo cáo kinh doanh 9 tháng đầu năm của chuỗi này, với 1.918 cửa hàng có kinh doanh điện thoại, công ty vẫn duy trì mức tăng trưởng doanh thu ngành hàng điện thoại dương 4% trong bối cảnh thị trường chung đang giảm về giá trị. Thông tin này cho thấy mức độ lợi nhuận của ngành hàng điện thoại di động đang đi ngang, gần như không có sự tăng trưởng đáng kể trong quý 3/2019.

Tuy nhiên, báo cáo kinh doanh Thế Giới Di Động cho biết, theo chu kỳ kinh doanh, sức tiêu thụ điện thoại và điện máy có xu hướng chững lại từ quý 3 sau mùa cao điểm bán hàng nửa đầu năm, và sẽ tăng trưởng trở lại vào mùa lễ hội cuối năm.

Các nhà bán lẻ tìm hướng đi mới

Thực tế, thị trường bán lẻ điện thoại di động bão hòa đã được nhiều đơn vị dự đoán và có những bước chuẩn bị từ vài năm trước. Đơn cử như FPT Shop mở hệ thống nhà thuốc Long Châu, TGDĐ cũng mở thêm chuỗi nhà thuốc An Khang, Bách Hóa Xanh, Điện thoại Siêu rẻ… Và gần đây nhất là mở rộng thêm nhiều mặt hàng trong chuỗi Thế Giới Di Động như đồng hồ, mắt kính… Bên cạnh đó, trong tháng 9/2019, TGDĐ cũng khai trương 26 trung tâm laptop nhằm khai thác thêm thị trường này.

Tương tự, FPT Shop cũng tìm nhiều đường đi khi thị trường điện thoại di động đi xuống. Bên cạnh khai thác hệ thống dược phẩm, FPT cũng liên kết với Nguyễn Kim để kinh doanh thêm mặt hàng điện máy tại hệ thống bán lẻ FPT Shop. Tuy nhiên, vừa qua FPT Shop đã ra thông báo tạm ngừng việc hợp tác này. Điều này cho thấy, thị trường điện máy cũng không phải là miếng đất màu mỡ cho các hệ thống bán lẻ.

Tương tự, một số hệ thống nhỏ khác như Mai Nguyên Luxury cũng tìm con đường khác, khai thác ngành hàng âm thanh, ánh sáng, các thiết bị nghe nhìn, phụ kiện thời trang cao cấp… thay vì tiếp tục “tranh giành” thị phần điện thoại di động đang ngày càng thu hẹp.

Ngoài chuỗi lớn, một số chuỗi nhỏ hơn hoạt động cầm chừng, và tập trung khai thác điện thoại iPhone xách tay, điện thoại cũ,...