Ông Vũ Thế Bình, Tổng Giám đốc NetNam cho biết, đến thời điểm này, chúng tôi thay đổi định vị chính mình, để tiếp tục phát triển bền vững trong thời gian tới.

Chuyển mình từ doanh nghiệp nhỏ sang doanh nghiệp vừa, cung cấp dịch vụ và giải pháp chuyên nghiệp

Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, năm 2017, cả nước có gần 517.900 doanh nghiệp đang tồn tại, tăng 51,6% so với năm 2012. Trong đó chỉ có khoảng 10.100 doanh nghiệp lớn, chiếm tỷ lệ khiêm tốn 1,9%, DN vừa có gần 8,5 nghìn doanh nghiệp (chiếm 1,6%), còn lại phần lớn là số lượng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Như vậy, có thể thấy, số lượng doanh nghiệp cỡ vừa ở Việt Nam đang chiếm tỷ lệ thấp nhất trong cơ cấu các doanh nghiệp ở Việt Nam.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, trong một hệ sinh thái các doanh nghiệp, để phát triển thuận lợi, cần một tỷ trọng cân đối giữa các doanh nghiệp lớn/siêu lớn, doanh nghiệp vừa và doanh nghiệp nhỏ/siêu nhỏ, vì doanh nghiệp lớn rất khó bắt tay với doanh nghiệp nhỏ/siêu nhỏ, nên cần có các doanh nghiệp cỡ vừa, giống như “trong một khu rừng, hệ sinh thái có voi, hổ báo, bọ hung nhưng tồn tại cả sói, mèo, linh dương… thì khu rừng đó mới có thể sinh trưởng lâu dài được”.

Ông Vũ Thế Bình, Tổng Giám đốc NetNam cho biết, sau 25 năm hình thành và phát triển, NetNam định vị mình là một công ty mới kết thúc hành trình của doanh nghiệp nhỏ, bắt đầu tiến vào lãnh địa của các công ty cỡ vừa. Doanh thu NetNam năm 2019 khoảng 350 tỷ, với đội ngũ gần 250 nhân sự. “Hình thành từ một phòng nghiên cứu về công nghệ mạng cách đây 25 năm, thực chất NetNam bắt đầu thực hành kinh doanh bài bản từ 2010, sau khi cổ phần hoá. Trong một thời gian dài, chúng tôi hay dùng hình ảnh “mèo nhỏ bắt chuột nhỏ” để định vị mình, tồn tại và hạnh phúc trong hệ sinh thái Internet Việt Nam. Đến thời điểm này, chúng tôi thay đổi định vị chính mình, để tiếp tục phát triển bền vững trong thời gian tới”, ông Bình chia sẻ.

Vì thế, NetNam đã có sự chuyển hướng từ một công ty “độc canh” cung cấp thuần dịch vụ truy cập Internet để trở thành một nhà cung cấp đa dịch vụ cho các nhóm khách hàng mục tiêu với những dịch vụ, giải pháp chuyên nghiệp, kiệm cận đẳng cấp quốc tế. Để có sự thay đổi này, NetNam đã từ bỏ một số mảng dịch vụ truyền thống như tên miền, hosting, ADSL, … và thúc đẩy những giải pháp, dịch vụ mới, độc đáo. Tuy nhiên, triết lý của NetNam không thay đổi, đó là đã làm gì thì mình phải nằm trong tối thiểu top 3 của mảng đó và tập trung nhắm đến các nhóm đối tượng khách hàng tổ chức, doanh nghiệp sở hữu mạng nội bộ cỡ vừa và lớn, có đòi hỏi cao về chất lượng dịch vụ. “NetNam xác định không cạnh tranh với những doanh nghiệp lớn/siêu lớn mà điền đầy vào những khoảng trống về dịch vụ của thị trường để phục vụ khách hàng”, ông Bình khẳng định.

Kỹ sư NetNam gấp rút triển khai đường truyền tại khách sạn Metropole Hà Nội đêm trước khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra đầu năm 2019.

Tập trung những mảng dịch vụ “ngách” đủ lớn mà doanh nghiệp lớn ít quan tâm

Trong đó, theo ông Bình, có ít nhất 3 nhóm dịch vụ mới mà NetNam thúc đẩy trong giai đoạn này. Nhóm dịch vụ WiFi, từ các sự kiện lớn ngoài trời với hàng nghìn người tham dự có thể live streaming như lễ ra mắt xe hơi, nhà … cho đến các sự kiện trong nhà, khách sạn, resort. Các gói WiFi Event dùng thiết bị từ các hãng khác nhau tuỳ theo ngân sách, yêu cầu của khách hàng. Giải pháp tích hợp WiFi Campus, như tại trường Đại học Bách Khoa cung cấp cho khoảng 2 vạn người, vận hành trên hệ thống nhiều thiết bị khác nhau từ Ruckus, HP, Cisco… có cấu hình hệ thống khác nhau. Giải pháp của NetNam cho phép sử dụng địa chỉ email để xác thực tập trung, giá thành thấp, đúng nhu cầu, phù hợp với đối tượng Đại học. “Thậm chí, khi có sự kiện, dịch vụ WiFi của NetNam tại Campus Bách Khoa có thể tạo riêng màn hình đăng nhập cho khu vực sự kiện, không ảnh hưởng đến hệ thống nội bộ”, ông Bình nói.

Dịch vụ độc đáo tiếp theo NetNam cung cấp là “DigiPost - vận chuyển tài sản số” cho đối tượng khách hàng Ngân hàng, Điện lực, Hàng không, .v.v.. Cụ thể, NetNam giúp doanh nghiệp chuyển thông báo, hoá đơn điện tử, báo cáo tháng, sao kê … cho khách hàng của họ một cách nhanh chóng, an toàn và có thể theo dõi (tracking), báo cáo được. Doanh nghiệp có thể biết được “tài sản số” mà họ chuyển đến khách hàng đã đến nơi chưa, được mở ra xem chưa hay có bị vào thư mục spam hay không? “Thực chất trên Internet, để chuyển tài sản số đến đích, phương tiện phổ biến nhất vẫn là email. Tuy nhiên, giao thức email không có sẵn những tính năng nâng cao nên đội ngũ NetNam nghiên cứu để viết thêm, đem lại sự tiện lợi nhất cho người dùng trong thời đại dữ liệu số”, ông Bình cho biết.

Nhóm Dịch vụ mới thứ ba mà NetNam phát triển là Monitoring (giám sát) về mạng, hiệu năng hệ thống và dịch vụ mạng của tổ chức, kèm theo dịch vụ báo cáo, cảnh báo và phản ứng/đáp ứng khi có sự cố. Dịch vụ này của NetNam đang được triển khai cho hệ thống dịch công trực tuyến của một Bộ đi đầu về dịch vụ công trực tuyến, chia thành các nhóm cảnh báo, ví dụ bằng email nếu sự cố thông thường, hay nhóm kỹ sư xử lý, liên lạc với cơ quan quản lý của Bộ TT&TT nếu gặp sự cố nghiệm trọng. NetNam định vị dịch vụ này là dạng “lai”, nằm giữa dịch vụ SoC … và dịch vụ Monitoring đơn giản. Dịch vụ này phát huy hiểu biết và kinh nghiệm của NetNam về hệ thống mạng, là phương án bổ sung tốt cho các giải pháp An toàn An ninh mạng. “80% các sự cố mạng mà doanh nghiệp gặp phải là những sự cố thông thường, giải pháp của NetNam sẽ theo dõi, giảm thiểu sự cố nghiêm trọng vì được phát hiện, xử lý sớm”, ông Bình nói.

Cũng theo ông Bình, đây là những mảng dịch vụ “ngách” mà doanh nghiệp lớn/siêu lớn không để ý, hoặc không cung cấp do họ thường hướng đến quy mô lớn. Những nhóm dịch vụ này có thể dễ dàng tích hợp với dịch vụ phổ dụng của những doanh nghiệp lớn, để cùng phát triển. Đây cũng là cách NetNam hướng đến thiết lập vị thế của mình trong mảng dịch vụ - giải pháp An toàn -an ninh mạng, mảng được cho là có sự phát triển đột phá trong 2-3 năm tới.

NetNam cũng đang có doanh thu đến từ thị trường nước ngoài (Lào, Campuchia) với giải pháp cung cấp dịch vụ quản trị chất lượng mạng cho các khách sạn 5 sao theo tiêu chuẩn quốc tế. “NetNam đang tiến ra nước ngoài với sở trường lâu nay của mình, và mong muốn trở thành nhà cung ứng dịch vụ và giải pháp tích hợp cho tập khách hàng chuỗi khách sạn 5 sao trong khu vực Đông Dương và ASEAN. Chúng tôi kiên trì sử dụng chuẩn và công nghệ quốc tế với công cụ được thích ứng theo địa phương, tập khách hàng”, ông Bình nói.

NetNam nhận giải Nhà cung cấp Dịch vụ Internet, Viễn thông hàng đầu Việt Nam 2019 tại TP.HCM cuối năm 2019.

Cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp, tiệm cận đẳng cấp quốc tế, phát huy hiểu biết địa phương

NetNam xác định mình là một tổ chức chuyển mình từ doanh nghiệp cỡ nhỏ và bắt đầu hành trình của một doanh nghiệp cỡ vừa. Với quy mô khách hàng ngày càng mở rộng, nhu cầu ngày càng tăng và đa dạng, NetNam đặt mục tiêu xây dựng và cung ứng các dịch vụ chuyên nghiệp vì chỉ có như vậy mới có thể tiếp tục phát triển. .

Về mặt công nghệ, quy trình và giải pháp, dịch vụ NetNam phải tiệm cận đẳng cấp quốc tế, đồng thời phát huy hiểu biết địa phương, hiểu biết của tập khách hàng mục tiêu, để giữ được vị thế cạnh tranh trên thị trường.

Để làm được như vậy, NetNam phải kết hợp hài hoà giữa các giải pháp, tiêu chuẩn công nghệ thông dụng toàn cầu với những giải pháp tự phát triển của mình – chủ yếu dựa trên nguồn mở. Như dịch vụ Giám sát mạng - Monitoring, NetNam thiết kế theo chuẩn quốc tế nhưng xây dựng và vận hành thông qua các công cụ tự thiết kế, tích hợp trên các phần mềm nguồn mở, để dịch vụ có giá thành phù hợp, phát huy năng lực của các kỹ sư NetNam. Các dịch vụ đều được thiết kế và thực hiện theo các tiêu chuẩn quốc tế như ISO 27001, ITIL framework… “Nếu mua giải pháp của nước ngoài vừa tốn chi phí mà không thể làm chủ được công nghệ, để cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng”, ông Bình nói.

NetNam không đặt tham vọng quá xa vời, mà chỉ xác định mình muốn trở thành “sự lựa chọn hàng đầu trong lĩnh vực dịch vụ Internet, giải pháp mạng có tính độc đáo và chuyên sâu” bằng cách lựa chọn các tập khách hàng cao cấp, khó tính để phục vụ... Cuối cùng, tất cả các giải pháp công nghệ, quy trình kỹ thuật đều có thể sao chép được, duy chỉ có văn hoá dịch vụ của doanh nghiệp là thứ độc đáo và không thể sao chép. “Chúng tôi phục vụ khách hàng dựa trên các khác biệt về công nghệ, quy trình và đặc biệt là văn hoá dịch vụ. Với các sự khác biệt được thiết kế và thực hành nhất quán đúng nhu cầu của tập khách hàng trọng tâm, chúng tôi tin NetNam tiếp tục phát triển bền vững trong các năm tới, đóng góp tích cực vào hệ sinh thái đa dạng của Internet Việt Nam”, ông Bình khẳng định.