Ngày 8/5, công ty CP Truyền thông và Giải trí BOTV công bố bảng giá mới cho dịch vụ kênh YouTube mà họ đang cung cấp. Từ ngày 7/5-31/8, "khách hàng" sẽ phải chi từ 28,2-35,7 triệu đồng cho mỗi kênh YouTube sử dụng dịch vụ "chăm sóc kênh" của BOTV cùng lời cam kết sau 8 tháng sẽ thu về gấp đôi số tiền bỏ ra ban đầu.

Tuy vậy, người mua cầm chắc phần "lưỡi dao" với nguy cơ mất trắng tài sản nếu không đọc kỹ hợp đồng.

Vội vã thay đổi để "né" mác đa cấp

Ngày 26/4, nhóm lãnh đạo của BOTV đã đến đối chất với Zing.vn. Ông Nguyễn Minh Tuấn, đại diện pháp luật của BOTV cho rằng công ty ông không liên quan đến các hoạt động đa cấp.

Đồng thời, ông Tuấn cũng chối bỏ trách nhiệm với các phát ngôn kêu gọi thành viên tham gia đa cấp của ông Lý Phương Ngọc (thủ lĩnh nhóm tuyên bố kiếm triệu USD ở phố đi bộ Nguyễn Huệ), Nguyễn Tiến Dũng, Nở Võ… dù trước đó những người này hoạt động tích cực để lôi kéo thành viên tham gia BOTV.

Sau da cap, BOTV gai bay dich vu kenh YouTube nghin USD nhu the nao? hinh anh 1
Sau phản ánh của Zing.vn, BOTV đã thay đổi mô hình để né mác đa cấp.

Tuy nhiên, ông Tuấn không lý giải được vì sao hệ thống của mình có liên kết với fanpage Facebook đăng tải video mời gọi tuyển dụng theo mô hình đa cấp. Ông Tuấn cũng tỏ ra "không biết" về nhóm Telegram chuyên tuyển mộ thành viên và hưởng hoa hồng 7 cấp mà chính BOTV chia sẻ cho cộng đồng khách hàng của mình.

Sau buổi đối chất, mô hình đa cấp trên đã được BOTV và Win102 tái cơ cấu, tách biệt hoạt động. Cụ thể, Win102 sẽ chịu trách nhiệm phát triển hệ thống với chỉ một cấp dưới để cung cấp lượt xem và đăng ký cho các kênh YouTube của BOTV.  Như vậy, với một cấp, Win102 sẽ thoát được mác đa cấp.

Trong khi đó, BOTV chỉ bán thứ gọi là "dịch vụ kênh YouTube" với các điều khoản mơ hồ. Bên cạnh đó, sản phẩm dịch vụ do BOTV cung cấp cũng bị nhiều người trong giới đánh giá là vô giá trị, phi thực tế.

Xây cộng đồng thực chất chỉ để bán "dịch vụ nghìn đô"

Mục đích ban đầu mà BOTV đưa ra khi tạo ra mô hình đa cấp là để có được cộng đồng người xem và đăng ký video. Tuy vậy, hoạt động này không phải là trọng tâm, BOTV không có nội dung để người tham gia "cày view". 

BOTV không chứng minh được đã sản xuất được bất kỳ video nào. Ông Minh Tuấn chỉ đưa ra hai kênh YouTube, mỗi kênh một video và nói đây là nội dung của BOTV thực hiện mà không hề có bằng chứng.

Sau da cap, BOTV gai bay dich vu kenh YouTube nghin USD nhu the nao? hinh anh 2
Mức giá dịch vụ kênh "trên trời" mà BOTV cung cấp.

Mục đích chính của cái gọi là "cộng đồng" mà BOTV tạo nên là để bán "dịch vụ kênh YouTube".

Qua lời tư vấn của người đại lý bán dịch vụ của BOTV, nếu mua gói kênh YouTube với giá 1.200 USD, người mua sẽ được hưởng 25% nếu bán được cho một người khác kênh tương tự. Nếu "cấp dưới" tiếp tục bán được một gói dịch vụ trên, người đầu tư sẽ được hưởng thêm 5%.

Như vậy, bỏ ra số vốn 1.200 USD, người đầu tư chỉ cần bán cho 3-4 người là có thể hoàn vốn và dư ra một kênh.

"Nếu chưa mua kênh 1.000 USD của BOTV, em chỉ được hưởng 10% nếu giới thiệu cho người khác mua", chị K.H, một người trong mạng lưới BOTV, tư vấn cho phóng viên (lúc này trong vai một "khách hàng" để tìm hiểu sự việc).

Kinh hoàng hơn là việc BOTV có thêm dịch vụ kênh "dành cho doanh nghiệp" với giá 100.000.000 đồng. Nếu giới thiệu bán được một kênh, "chân rết" đa cấp được nhận lại 12% hoa hồng.

Bản hợp đồng nghìn đô "gài hàng"

Điều 6, mục Bồi thường và Hỗ trợ của bản hợp đồng dịch vụ kênh do BOTV cung cấp ghi rõ: "Trường hợp bên A vi phạm hợp đồng: Không bật chức năng kiếm tiền không đạt đủ số lượng Đăng ký (Subscribe) là 50.000 trong vòng 08 tháng, hợp đồng này mặc định không còn hiệu lực và bên A có trách nhiệm hoàn trả gấp đôi tiền phí dịch vụ ban đầu cho bên B".

Sau da cap, BOTV gai bay dich vu kenh YouTube nghin USD nhu the nao? hinh anh 3
Những buổi hội thảo "vẽ" ra giấc mơ làm YouTuber triệu USD của BOTV.

"Đây là điều khoản gài bẫy nhất của bản hợp đồng này. Như vậy, chỉ khi cả hai yếu tố gồm 'bật kiếm tiền' và '50.000 đăng ký' đều không đạt thì bên A, tức BOTV mới vi phạm hợp đồng", luật sư Phan Vũ Tuấn, sáng lập công ty luật Phan Law tại TP.HCM phân tích.

Theo luật sư Tuấn, trong trường hợp kênh YouTube sử dụng dịch vụ không được bật kiếm tiền nhưng vẫn đạt 50.000 đăng ký, công ty BOTV vẫn không vi phạm hợp đồng.

Điều đáng nói, một kênh YouTube với 50.000 đăng ký nhưng không đủ điều kiện bật kiếm tiền hiện được bán ở các web chợ đen với giá từ 2-8 triệu đồng, thấp hơn gấp nhiều lần mức giá BOTV đưa ra.

"Theo kịch bản này, BOTV sẽ không bao giờ phải đền gấp đôi hợp đồng", Nguyễn Hữu Nhật, người làm YouTube chuyên nghiệp với nhiều video "triệu view" chia sẻ.

BOTV chỉ vẽ ra giấc mơ làm giàu, không có giá trị lõi

Trong chính sách của YouTube ghi rõ, việc bán các chỉ số như lượt xem, lượt thích, nhận xét hoặc bất kỳ chỉ số nào của YouTube bao gồm cả “sub chéo” - trao đổi lượt đăng ký được xem là hành vi spam.

Như vậy, BOTV đang kinh doanh một dịch vụ trái với quy định trong chính sách của YouTube.

“Việc kênh YouTube 50.000 nhưng không đầu tư nội dung từ đầu còn lâu mới được bật kiếm tiền”, ông Hữu Nhật nói thêm.

Sau da cap, BOTV gai bay dich vu kenh YouTube nghin USD nhu the nao? hinh anh 4
Hiện trang chủ BOTV vẫn tràn ngập những nội dung của người khác.

Trên website chính thức, đa số nội dung đều phát lại từ các kênh YouTube khác. Như vậy, BOTV hiện chưa nắm nội dung nào trong tay.

Các video được phát trên ứng dụng BOTV đa phần lấy từ các buổi giới thiệu của công ty và video đăng lại từ nền tảng khác. Nhiều kênh trong đó đã vi phạm bản quyền và bị cộng đồng báo cáo với YouTube.

"Đạt 50.000 đăng ký thì nghe có vẻ ổn chứ được bật kiếm tiền thì BOTV khó lòng thực hiện được nếu không tập trung phát triển nội dung", Quan Dũng, quản trị viên của một nhóm cộng đồng YouTube chia sẻ.

BOTV bán 'bánh vẽ' trái quy định YouTube theo hình thức đa cấp Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nhiều người, BOTV đang bán các dịch vụ kênh trái quy định của YouTube với giá nghìn USD.