Grab vừa công bố kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh trong khu vực và đang đặt mục tiêu gọi vốn tổng cộng lên đến 6,5 tỉ USD trước cuối năm 2019. Công ty cho biết sẽ đầu tư mạnh mẽ hơn nữa bằng cách thực hiện ít nhất 6 khoản đầu tư hoặc mua lại trên toàn khu vực Đông Nam Á trong năm nay.

SoftBank và các nhà đầu tư chiến lược quan trọng khác đã đầu tư hơn 4,5 tỉ USD vào vòng gọi vốn Series H hiện tại của Grab. Tháng 03/2019 vừa qua, Grab đã nhận khoản đầu tư 1,46 tỉ USD từ Quỹ Vision của SoftBank. Quan hệ đối tác giữa Grab và SoftBank đã bắt đầu từ năm 2014 và ngày càng trở nên sâu rộng hơn.

Ông Anthony Tan, Đồng sáng lập kiêm CEO Grab, cho biết đã gặp ông Masayoshi, sáng lập và CEO Softbank, ông Masayoshi đã đồng ý dành cho Grab sự hỗ trợ "không giới hạn" để tiếp tục phát triển.

Ông Ming Maa, Chủ tịch Grab, nói sẽ đầu tư một phần đáng kể từ số vốn huy động được vào Indonesia, thị trường mà Grab đang hướng đến mục tiêu phát triển lớn gấp 4 lần so với đối thủ gần nhất và tiếp tục dẫn đầu trong lĩnh vực di chuyển. Ông Ming Maa ám chỉ sẽ dồn lực để vượt qua Go-Jek tại chính quê hương của Go-Jek.

Ông Ming Maa cũng nói “đã sẵn sàng để thực hiện ít nhất 6 khoản đầu tư hoặc mua lại trong năm nay”. Không rõ Grab sẽ đầu tư hoặc mua lại công ty nào trong khu vực.

Hoạt động kinh doanh của Grab tại Indonesia đang mở rộng cực kỳ nhanh chóng với doanh thu tăng hơn gấp đôi trong năm 2018. Theo nghiên cứu thị trường của ABI Research, Grab đang chiếm 62% thị phần đặt xe công nghệ tại Indonesia. GrabFood đạt mức tăng trưởng ấn tượng tại Indonesia, khi tăng độ phủ từ 13 thành phố vào đầu năm 2018 lên đến 178 thành phố vào cuối năm và đạt số lượng đơn hàng tăng gần gấp 10 lần trong năm 2018.

Trong năm 2018, Grab đã mở rộng hệ sinh thái của họ thông qua hợp tác với các công ty như Toyota, Hyundai, Microsoft và Mastercard. Grab cũng xác lập quan hệ hợp tác với các công ty lớn trong từng nước và khu vực như Central Group và Kasikornbank tại Thái Lan; OVO, Bank BTN và Bank Mandiri tại Indonesia; United Overseas Bank tại Singapore; SM Investment Corporation tại Philippines; Moca tại Việt Nam và Maybank tại Malaysia.