Giám đốc Thương mại Shopee Zhou Junjie. Ảnh: Handout

Kể từ khi thành lập năm 2015, Shopee đã trở thành trang thương mại điện tử có lượt truy cập nhiều nhất Đông Nam Á, theo báo cáo mới đây của iPrice. Cũng theo báo cáo này, ứng dụng Shopee đứng đầu danh mục cả về số lượt tải và người dùng hoạt động hàng tháng trong khu vực.

Bí mật dẫn tới thành công của Shopee? Theo Giám đốc Thương mại Zhou Junjie, một trong số đó là “chậm chân”.

Trong cuộc phỏng vấn với South China Morning Post, ông cho biết năm 2015, dù thị trường thương mại điện tử đã có nhiều người chơi, họ vẫn thấy có nhiều cơ hội tăng trưởng và nhiều lĩnh vực chưa được xử lý tốt. Thời điểm đó, phần lớn đều lấy website làm nền tảng chính. Shopee áp dụng chiến lược khác biệt ngay từ đầu khi ra ứng dụng di động.

Theo ông Zhou, lợi thế của “chậm chân” cho phép họ nhìn được bức tranh toàn cảnh, xu hướng và tìm ra có thể làm gì khác hơn hay tốt hơn. Shopee cùng Lazada, Tokopedia để mắt đến thị trường thương mại tỷ đô phát triển nhanh chóng tại Đông Nam Á với tỉ lệ sử dụng thanh toán di động ngày một lớn.

Shopee thuộc sở hữu của SEA (Singapore), công ty nổi tiếng nhờ vào phát hành, điều hành và viết game máy tính, di động mang thương hiệu Garena trước khi lấn sân sang thương mại điện tử. Cách tiếp cận ưu tiên di động đã được đền đáp: hơn 90% giao dịch của Shopee thực hiện trên ứng dụng.

Một chiến lược quan trọng khác mà Shopee sử dụng để chinh phục thị trường địa phương là địa phương hóa và tùy biến ứng dụng với mỗi thị trường. Thay vì phát triển một ứng dụng chung cho tất cả người dùng, Shopee lại có ứng dụng riêng dành cho mỗi nước. Điều này giúp họ giới thiệu được nhiều tính năng riêng biệt, đáp ứng người dùng của 7 nước: Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Đài Loan, Việt Nam và Philippines.

Chẳng hạn, tại Indonesia, Shopee có mục riêng cho sản phẩm, dịch vụ Hồi giáo để phục vụ cộng đồng người theo đạo Hồi. Tại Thái Lan và Việt Nam, nơi người dùng ủng hộ sản phẩm của thần tượng mà họ yêu thích, Shopee lại có cửa hàng trực tuyến bán các mặt hàng được ngôi sao khuyên dùng.

Ông Zhou nhận xét Đông Nam Á là một khu vực nhưng mỗi nước lại khác biệt, từ ngôn ngữ, đồng tiền tới năng lực mua sắm. Việc tùy biến theo từng nước đòi hỏi nhiều nỗ lực do Shopee phải có từng nhóm phụ trách cho mỗi quốc gia.

Cũng như các đối thủ, Shopee đặc biệt chú ý tới xu hướng “mua sắm giải trí” có nguồn gốc từ Trung Quốc. Dựa vào kinh nghiệm trong game của SEA và Garena, nền tảng ra mắt game di động, livestream và chat ngay trong ứng dụng để giữ chân người mua và khuyến khích họ mua sắm.

Shopee điều hành gian hàng C2C (khách hàng bán cho khách hàng) lẫn B2C (doanh nghiệp bán cho khách hàng). Gian hàng C2C đặc biệt phổ biến với những tiểu thương đã bán hàng qua Facebook hay Instagram. Khi gia nhập Shopee hay Lazada, họ được hỗ trợ tốt hơn đối với gian hàng nhỏ của mình, đặc biệt trong thanh toán, hậu cần và tận hưởng cơ sở người dùng khổng lồ. Shopee ngược lại kiếm tiền từ chạy quảng cáo, thu phí dịch vụ cho người bán và tính phí giao dịch tại một số thị trường.

Bất chấp kết quả hứa hẹn trên thị trường thương mại điện tử, Shopee vẫn phải cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ như Lazada, được Alibaba đầu tư 4 tỷ USD tính tới năm 2018. Dù nền tảng của Singapore có thể dẫn đầu về số lượt truy cập và tải về tại Đông Nam Á, Lazada vẫn có số người dùng hàng tháng đông nhất tại Malaysia, Singapore, Thái Lan và Philippines.

Dù vậy, ông Zhou không hề bối rối trước sự cạnh tranh. Với ông, cạnh tranh không xấu, nó cho thấy nhiều quan tâm đến thị trường và tiềm năng tăng trưởng. Có thêm người chơi sẽ giúp đưa thêm người mua, người bán vào thương mại điện tử và từ đó cả ngành đều phát triển.