- Tại Hội nghị Khoa học và Công nghệ Hạt nhân toàn quốc tổ chức sáng 18 và 19-8 ở Ninh Thuận, các nhà khoa học, các cán bộ quản lý của các đơn vị KH-CN, các tập đoàn trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử (NLNT) đã trao đổi thảo luận nhiều vấn đề liên quan công nghệ hạt nhân.

TIN LIÊN QUAN

Ngoài các nội dung liên quan ứng dụng đồng vị phóng xạ và kỹ thuật hạt nhân trong các lĩnh vực kinh tế xã hội, như y tế, nông sinh, công nghiệp, địa chất thủy văn… vấn đề xây dựng nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) được nhiều đại biểu quan tâm.

Thôn Vĩnh Trương, xã Phước Dinh nơi xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1.

Về vấn đề này, Viện trưởng Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam Vương Hữu Tấn cho biết: Các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 sẽ được xây dựng bằng các lò phản ứng thế hệ thứ 3 hoặc 3+. Do vậy, hệ số an toàn sẽ cao hơn nhiều lần so với lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
 
Hiện Việt Nam và Nga đang gấp rút thực hiện các nghiên cứu để xây dựng một báo cáo đầy đủ trình lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt địa điểm xây dựng nhà máy ĐHN tại Ninh Thuận. Nếu trong quá trình nghiên cứu phát hiện các yếu tố không đảm bảo an toàn cho dự án thì phải thay đổi địa điểm đã chọn. Chiến lược này đã được Chính phủ nước ta tập trung chỉ đạo thực hiện từ nhiều năm nay.

Ông Manchev, Tổng giám đốc Tập đoàn Risk Engineering của Bulgaria, nhận xét: Phát triển công nghệ hạt nhân là chủ trương mang tầm chiến lược lâu dài của quốc gia, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay trên thế giới, công nghệ hạt nhân của Nga chào thầu cho phía VN là loại tiên tiến nhất hiện nay, đạt tiêu chuẩn châu Âu.

Ngài Sueo Machi, nguyên Phó Tổng Giám đốc cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA), hiện là Điều phối viên Diễn đàn hợp tác hạt nhân Châu Á (FNCA), cho rằng vai trò của người vận hành nhà máy điện hạt nhân rất quan trọng, đòi hỏi phải được đào tạo chuyên sâu. Về vấn đề này, ông Seou Machi cho biết thêm: Năm 2010, Nhật Bản đã đào tạo cho Việt Nam 50 - 60 lượt cán bộ trong lĩnh vực điện hạt nhân. Tới đây, Nhật Bản sẽ tiếp tục giúp Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực để bảo đảm vận hành nhà máy điện hạt nhân an toàn.

Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Việt Thanh thông báo: Bộ KH-CN đang chuẩn bị chương trình KH-CN trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử cho giai đoạn 2011-2015 và dự án Nhà máy ĐHN tại Ninh Thuận đang được các đối tác Nga và Nhật Bản phối hợp với Việt Nam triển khai theo lộ trình. Vì thế, những kết quả công bố tại hội nghị này sẽ góp phần quan trọng không chỉ cho việc quy hoạch phát triển ứng dụng bức xạ mà còn rất có ý nghĩa cho việc xây dựng Nhà máy ĐHN tại Ninh Thuận.

Tại hội nghị, ông Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản đưa ra những thông tin cảnh báo về tình trạng cấu tạo địa chất của các địa điểm dự định xây NMĐHN. Theo ông, hai khu vực Vĩnh Hải, Phước Dinh của Ninh Thuận - nơi sẽ xây dựng nhà máy điện hạt nhân - đang nổi lên một số vấn đề liên quan đến địa chất, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hạ tầng cơ sở công trình tại khu vực này.

Ông Văn cho rằng, có một số đứt gãy đã bị bỏ sót trong các nghiên cứu, khảo sát trước đây. Về hai đứt gãy Suối Mía ở Phước Dinh và Vĩnh Hải 2 ở Vĩnh Hải. Theo đó, đứt gãy Suối Mía không thể hiện rõ ràng trên đất liền nhưng ở dưới biển biểu hiện rõ dưới dạng một lạch nước ngầm. Hệ đứt gãy này tạo thành một địa hào rộng khoảng 1.520m cắt qua cả đá gốc lẫn thềm biển và còn tạo nên đoạn bờ biển khá thẳng ở Vĩnh Hải. Hiện chưa có cơ sở để kết luận về tuổi và tính chất hoạt động của nó.

Tương tự, đứt gãy Vĩnh Hải cũng chưa được đo vẽ, nghiên cứu nhưng rất đáng lưu ý bởi nó tạo nên bờ biển rất thẳng ở khu vực Vĩnh Hải, đồng thời tách Hòn Đeo ra khỏi đất liền và gây giập vỡ mạnh một loạt đảo phía đông bắc. Đứt gãy này cũng làm xuất lộ nước ngầm chứa soda tạo nên cát sạn vôi ở ngay sát mép nước dọc bờ biển Vĩnh Hải. Nhóm nghiên cứu đề nghị cần khẩn trương khảo sát địa chất bổ sung các địa điểm dự kiến xây nhà máy điện, đặc biệt lưu ý hai đứt gãy nêu trên và đứt gãy Núi Chúa có thể gây động đất và dịch chuyển làm biến dạng, phá hủy công trình.

Viện Địa chất được giao chủ trì nghiên cứu vấn đề này và đã xây dựng xong thuyết minh đề cương nghiên cứu của đề tài “Nghiên cứu đánh giá đứt gãy hoạt động trong khu vực dự kiến xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 làm cơ sở cho việc lựa chọn vị trí tối ưu”. Sắp tới sẽ trình Bộ Khoa học - Công nghệ để xin ý kiến các chuyên gia. Nếu đề tài được thông qua, tháng 9 sẽ triển khai nghiên cứu, cố gắng đến tháng 3/2012 sẽ có báo cáo đầu tiên.

Trước đây chúng ta cũng đã nghiên cứu về nguy cơ xảy ra động đất tại khu vực đặt nhà máy, chúng ta nghiên cứu trên một khu vực rộng lớn, bán kính 100km, qua đó xác định và đánh giá được những đứt gãy hoạt động có khả năng phát sinh động đất. Nhưng đi vào chi tiết để xem trong bán kính 8km của khu vực dự kiến đặt nhà máy có đứt gãy hoạt động hay không thì bây giờ mới đặt vấn đề nghiên cứu.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, hiệp định về xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đã được ký giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga. Hiện hai bên đang thảo luận hợp đồng làm báo cáo khả thi và tiến hành khảo sát địa điểm xây dựng nhà máy. Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 2 đang được các đối tác Việt Nam và Nhật Bản thảo luận để triển khai nghiên cứu địa điểm và lập báo cáo khả thi.

Võ Tấn