Năm 2019 đánh dấu những hoạt động mới mẻ của FPT Shop, đặc biệt ở mảng online, do đó đã ảnh hưởng tích cực đến kết qủa kinh doanh của công ty mẹ là FRT (Công ty cổ phần bán lẻ kỹ thuật số FPT).

Kết thúc quý 3/2019, doanh thu mảng bán hàng trực tuyến (online) của FPT Retail đạt mức 2,974 tỷ đồng, tăng trưởng tới 59,3% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm tỷ trọng 23,9% tổng doanh thu FRT.

FPT Shop giao hàng cho khách khi đặt qua website mua hàng quốc tế của công ty.

Hồi giữa năm, FPT Shop gây nhiều bất ngờ khi tung ra website bán hàng quốc tế, hợp tác với Fado để giúp khách hàng tại Việt Nam mua hàng trên trang Amazon. Doanh thu từ website bán hàng mới vẫn đến đều đặn, trong đó vào dịp mua sắm Prime Day nổi bật của Amazon, FPT Shop thu về hơn 10 tỷ đồng sau 48 tiếng đồng hồ bán hàng.

Trước đó, nhà bán lẻ có thị phần số 2 tại Việt Nam cũng gây bất ngờ khi hợp tác với Nguyễn Kim để bán hàng online các sản phẩm điện máy - mặt hàng FPT Shop còn thiếu. Đến hiện tại website bán điện máy của FPT Shop đã tạm ngưng nhưng cho thấy quyết tâm của nhà bán lẻ này trong việc mở rộng ngành nghề kinh doanh, đặc biệt trong mảng online.

Chú trọng vào mảng thương mại điện tử nên doanh thu mảng này của FRT chiếm hơn ⅕ doanh thu 9 tháng đầu năm 2019, cao hơn tỷ lệ thông thường của các nhà bán lẻ khác (thường ở mức 10-18%). Mức tăng trưởng gần 60% so với cùng kỳ chứng tỏ FRT đang muốn thực sự đẩy mạnh mảng bán hàng qua Internet.

Cùng với mảng kinh doanh online, FRT cũng đang phát triển các cửa hàng Long Châu như định hướng mà bà Nguyễn Bạch Điệp - CEO và chủ tịch HĐQT FRT - từng nêu trong kế hoạch kinh doanh hồi đầu năm. Theo đó, mảng bán lẻ dược phẩm sẽ là một động lực kinh doanh mới của cả công ty trong những năm tới.

FRT hiện đã có được 50 cửa hàng Long Châu, và cho biết đã ký hợp đồng mặt bằng với 20 địa điểm mới, đảm bảo kế hoạch 70 cửa hàng trong năm 2019.

Bên cạnh tăng trưởng của mảng online, doanh thu FRT vẫn tăng trưởng hai con số. Tính đến hết quý 3/2019, FRT ghi nhận doanh thu luỹ kế 9 tháng đầu năm đạt 12.427 tỷ đồng, tăng trưởng 12.7% so với cùng kỳ năm 2018.

Dù vậy, lợi nhuận của công ty không tăng trưởng tương đương. Theo đó, lợi nhuận trước thuế lũy kế đạt 292 tỷ đồng, tăng trưởng 3% so với cùng kỳ năm 2018. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế đạt 2,3%, tăng so với tỷ suất lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2019. Giải thích nguyên nhân lợi nhuận không tăng trưởng như kỳ vọng, FRT cho biết trong tháng 9, công ty trích lập dự phòng cho khoản nợ xấu của 2 chương trình F-Friends và Subsidy nên đã thâm hụt vào lợi nhuận.

Kết thúc quý 3 năm 2019, tổng số lượng cửa hàng FPT Shop là 584. Cũng trong quý 3, FPT Shop khai trương 7 trung tâm laptop tại các tỉnh thành cả nước.