Báo cáo của GfK cho thấy, tháng 10/2019 thị phần smartphone Huawei tại Việt Nam chỉ hơn 1%, xuống thấp nhất trong vòng hai năm trở lại đây. Hồi đầu năm hãng này từng đứng vị trí thứ 4 các hãng smartphone lớn nhưng ngay sau đó tụt dốc dần khi nằm trong tâm điểm cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Sau khi đạt đỉnh hồi đầu năm, thị phần smartphone Huawei tại Việt Nam giảm mạnh những tháng sau đó. (Số liệu: GfK, đồ hoạ: H.Đ)

Tháng 1 và tháng 2 năm nay, Huawei lần đầu đạt đến 5,6% và 5,5% thị phần smartphone tại Việt Nam, đứng ở vị trí thứ 4 thị trường, chỉ cách Apple - hãng đứng thứ 3 - xấp xỉ 2%. Thời điểm đó, với việc được đầu tư về sản phẩm lẫn truyền thông tiếp thị, hãng smartphone Trung Quốc được dự báo có thể vượt Apple để giành ngôi số 3.

Sau khi đạt đỉnh ở hai tháng đầu năm, Huawei giảm nhẹ thị phần vài tháng sau đó, và bắt đầu giảm sâu kể từ tháng 5 - thời điểm Google tuyên bố không hỗ trợ bản quyền Android cho sản phẩm của Huawei.

10 tháng đầu năm 2019, thị phần Huawei giảm xuống còn 3%, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái (4,3%). Như vậy, với thị phần chỉ hơn 1% mới đây, hãng xuống thấp nhất trong vòng hai năm gần đây, và có thể là thời điểm tệ nhất của hãng kể từ khi có mặt tại Việt Nam.

Một người đang cầm trên tay chiếc Mate 20 Pro của Huawei khi máy ra mắt tại Việt Nam. Ảnh: H.Đ

Vào giai đoạn này 2 năm trước, Huawei CBG Việt Nam (Nhóm kinh doanh tiêu dùng Huawei, chịu trách nhiệm kinh doanh các sản phẩm tiêu dùng, trong đó có smartphone) thay giám đốc mới. Giám đốc Huawei CBG Việt Nam khi đó đặt mục tiêu đứng số 2 thị trường smartphone Việt Nam vào năm 2020. Huawei thời điểm đó đứng số 1 Trung Quốc, nằm trong top 3 hãng smartphone toàn cầu, do đó mục tiêu số 2 ở một quốc gia nào đó khá dễ hiểu. Tuy vậy để đạt số 2 tại Việt Nam, tức vượt qua Oppo, là một nhiệm vụ khó khả thi.

Tuy vậy, với dải sản phẩm đa dạng, có chất lượng, giá cả cạnh tranh, mục tiêu vượt qua Apple để đứng số 3 tại Việt Nam có vẻ hợp lý với Huawei. Hãng đã gần đạt đến thành quả đó cho đến khi trở thành con bài chính yếu trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, trong đó Mỹ cho rằng sản phẩm Huawei có thể gây hại an ninh quốc gia, dẫn đến hàng loạt động thái tẩy chay của các công ty công nghệ Mỹ và các nước đồng minh.

Hiện tại, Huawei như trở về điểm xuất phát, và càng khó hơn trước do không có được hệ điều hành Android trên các smartphone của hãng. Mục tiêu số 2 tại Việt Nam năm 2020 của Huawei chắc chắn khó thành hiện thực.

Do không có bản quyền dùng Android của Google, các smartphone Huawei mất hẳn lợi thế. Trong giai đoạn này tại Việt Nam, hãng chỉ tung ra một vài smartphone tầm trung, và một số phụ kiện như tai nghe Bluetooth, đồng hồ thông minh; chưa bán ra mẫu smartphone cao cấp nào.

Có lẽ Huawei cần một quãng thời gian đủ dài để cải thiện tình hình lúc này.