Liên quan đến vụ việc, thông tin từ Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho hay, từ ngày 5/12/2014, Thổ Nhĩ Kỳ đã thông báo lên Ủy ban Tự vệ WTO về việc tiến hành điều tra tự vệ đối với sản phẩm điện thoại di động nhập khẩu từ Việt Nam.

Nguyên đơn cáo buộc: sự gia tăng nhập khẩu sản phẩm điện thoại từ Việt Nam đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước của quốc gia này. Lượng hàng hóa nhập khẩu tăng dẫn đến sự giảm sút về sản lượng, doanh số bán hàng, cổ phiếu, việc làm, công suất và lợi nhuận của ngành sản xuất nội địa Thổ Nhĩ Kỳ.

Phía Thổ Nhĩ Kỳ thống kê Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ hai mặt hàng này (23,4%) sau Trung Quốc (67,5%) với kim ngạch xuất khẩu 418 triệu USD trong năm 2013 và 643 triệu USD trong 11 tháng đầu năm 2014.

Tuy nhiên, thông tin mới nhất từ Cục Quản lý Cạnh tranh cho hay, sau hơn 1 năm, ngày 4/3/2016, Thổ Nhĩ Kỳ đã ban hành quyết định cuối cùng chấm dứt điều tra vụ việc mà không áp dụng bất kỳ biện pháp tự vệ nào.

“Ngày 3/3/2015, cơ quan điều tra Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức buổi điều trần công khai với các bên liên quan. Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ đã phối hợp tham dự phiên điều trần cùng với doanh nghiệp Việt Nam liên quan”, thông tin từ Cục Quản lý Cạnh tranh cho hay.

Cùng đó, trong suốt quá trình điều tra, Cục Quản lý Cạnh tranh đã thường xuyên liên lạc, trao đổi với doanh nghiệp liên quan về các thông tin, phương hướng xử lý vụ việc; tiến hành tham vấn với cơ quan điều tra tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ; phối hợp với đầu mối của các quốc gia có lợi ích liên quan trong vụ việc và các doanh nghiệp lớn xuất khẩu điện thoại di động vào Thổ Nhĩ Kỳ để lên tiếng…

Việc cơ quan điều tra Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt vụ việc điều tra mà không áp dụng bất kỳ biện pháp tự vệ nào đã góp phần bảo vệ môi trường đầu tư nhằm đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam; đảm bảo các quyền, lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam…