“Hạ tầng số” là một trong những thành phần quan trọng nhất để đảm bảo cho sự thành công của quá trình chuyển đổi số cho một quốc gia. Trong đó, hạ tầng kết nối (hạ tầng mạng) là thành phần đầu tiên hình thành nên hạ tầng số. Những năm qua, Việt Nam có sự tăng trưởng đáng kể về hạ tầng mạng băng rộng bao gồm mạng cáp quang FTTH và mạng 4G với trên 66% dân số kết nối Internet năm 2019, đứng thứ 36 trên toàn thế giới. Việt Nam cũng đang thử nghiệm để tiến tới thương mại hóa mạng 5G.

Tuy nhiên, có những ứng dụng trong quá trình chuyển đổi số lại chỉ cần các kết nối với tốc độ vài Byte dữ liệu mỗi giờ và tiêu tốn vài mW điện năng mỗi ngày, điều mà các mạng băng rộng vốn tiêu tốn năng lượng không phù hợp. Ví dụ như ứng dụng giám sát độ ẩm, độ PH, chỉ số dẫn điện của đất nông nghiệp, giám sát nhịp tim cho các bệnh nhân, giám sát vị trí các container trên đường…

Nhu cầu này dẫn đến sự xuất hiện và phát triển của các hạ tầng công nghệ kết nối vô tuyến băng thông thấp và tiêu thụ ít điện năng (Low Power Wide Area Network -LPWAN) như LoRaWAN, NB-IoT, Sigfox dành cho các thiết bị IoT.

Trong công cuộc chuyển đổi số, các hạ tầng kết nối mạng vô tuyến tiêu thụ ít năng lượng LPWAN mang đến các giải pháp kết nối ổn định, an toàn với tốc độ thấp, tiêu tốn ít năng lượng và giá thành hợp lý cho các thiết bị IoT. Đây cũng là các hạ tầng quan trọng và cần thiết bên cạnh các mạng Internet băng thông rộng, là một thành phần không thể thiếu trong hạ tầng kết nối của quá trình chuyển đổi số cho mỗi quốc gia.

Tốc độ và diện phủ sóng của các công nghệ kết nối vô tuyến IoT

VTC triển khai mạng LoRaWAN trên diện rộng ở Việt Nam

Quý I/2019, trong khi các nhà mạng di động còn thử nghiệm công nghệ NB-IoT thì Công ty TNHH một thành viên viễn thông số VTC (VTC Digicom) đã triển khai hạ tầng mạng LoRaWAN, mạng vô tuyến công suất thấp trên diện rộng đầu tiên ở Việt Nam, ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Công nghệ LoRaWAN là công nghệ kết nối IoT có nhiều ưu điểm: phủ sóng diện rộng, tiêu thụ năng lượng thấp, an toàn và bảo mật tốt, được chuẩn hóa quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp hỗ trợ đông đảo, dải sản phẩm rộng. LoRaWAN hiện là một trong những công nghệ kết nối IoT diện rộng có số lượng sản phẩm được triển khai nhiều nhất trên thế giới.

Mục đích của VTC Digicom khi triển khai mạng LoRaWAN tạo ra một hạ tầng kết nối diện rộng chuyên nghiệp, tiêu thụ năng lượng thấp với giá thành hợp lý cho các ứng dụng IoT.

Triển khai các dịch vụ trên mạng LoRaWAN

Ngay sau khi triển khai mạng LoRaWAN, VTC Digicom cũng nhanh chóng ra mặt dịch vụ báo cháy thông minh iProtect trên hạ tầng mạng này.

Nhờ kết nối LoRaWAN và ứng dụng iProtect trên di động, các thiết bị báo cháy sớm (báo khói) có thể được triển khai tại các hộ gia đình và các công trình xây dựng chưa có sẵn hệ thống báo cháy mà không cần đi dây tín hiệu và lắp đặt tủ báo cháy trung tâm. Thiết bị có thể hoạt động trong thời gian tối thiểu 2 năm mà không cần thay pin và có thể cảnh báo sớm về đám cháy cho người dùng mọi nơi mọi lúc.

VTC Digicom ra mắt dịch vụ báo cháy thông minh iProtect trên hạ tầng mạng LoRaWAN ngày 5/1/2019.

Từ tháng 1 đến tháng 10/2019, VTC Digicom đã phối hợp với đối tác, thử nghiệm thành công giải pháp đọc chỉ số điện từ công tơ cơ khí từ xa trên hạ tầng mạng LoRaWAN tại Hà Nội

Kết quả 10 tháng thử nghiệm cho thấy hệ thống đọc chỉ số và truyền chỉ số điện dựa trên hạ tầng mạng LoRaWAN của VTC Digicom có chất lượng tốt và có thể đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số của ngành điện.

VTC Digicom đang phối hợp với các đối tác triển khai nhiều sản phẩm và dịch vụ IoT hơn nữa bao gồm các dịch vụ nhà thông minh và thành phố thông minh trên hạ tầng LoRaWAN đã có sẵn, đồng thời nghiên cứu khả năng hợp tác và khai thác hạ tầng mạng NB-IoT đang được các nhà mạng viễn thông triển khai.