Một nguyên nhân khác được giả thuyết là chính phủ Trung Quốc muốn bảo vệ ngành công nghệ trong nước khỏi sự cạnh tranh của các công ty nước ngoài.

Chuyên gia phân tích dữ liệu của tờ Reuters cho biết, năm 2012, gã khổng lồ thiết bị mạng Cisco chiếm đến 60% tổng sản phẩm trong danh sách của Trung tâm mua sắm cho chính quyền trung ương Trung Quốc, nhưng đến năm 2014, con số này đã tụt xuống mức 0.

Nhà sản xuất điện thoại và máy tính Apple cũng không nằm trong ngoại lệ. Ngoài ra, cả Intel và công ty chuyên phát triển phần mềm bảo mật McAfee hay công ty phát triển phần mềm mạng và máy chủ Citrix Systems cũng biến mất khỏi danh sách này.

Số lượng sản phẩm trong danh sách trong 2 năm đã tăng từ 2.000 lên gần 5.000 nhưng số lượng sản phầm mua thêm đa phần là có nguồn gốc trong nước.

Số doanh nghiệp nước ngoài được chấp thuận trong danh sách đã giảm đi một phần ba và số sản phẩm liên quan đến an ninh và bảo mật của các công ty nước ngoài thì bị cắt giảm hơn một nửa.

Một quan chức của cơ quan mua sắm cho biết có rất nhiều lý do giải thích vì sao các nhà sản xuất trong nước được ưu tiên hơn, và trên thực tế, các công ty an ninh trong nước đưa ra nhiều chính sách bảo đảm sản phẩm hơn các đối thủ nước ngoài.

Sự thay đổi trong chính sách của Trung Quốc xảy ra trùng hợp với sự kiện cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden vào giữa năm 2013 đã tiết lộ về chương trình giám sát toàn cầu của Mỹ, và nhiều chương trình trong đó có sự hợp tác giữa Cơ quan tình báo Hoa Kỳ, các công ty viễn thông và chính quyền châu Âu.

Theo ông Tu Xinquan, Phó giám đốc Viện nghiên cứu WTO Trung Quốc tại trường Đại học Kinh doanh và Kinh tế quốc tế Bắc Kinh, sự việc liên quan đến Snowden đã trở thành mối lo ngại thực sự, đặc biệt là với các lãnh đạo cao cấp. Về mặt nào đó, chính phủ Mỹ phải chịu trách nhiệm cho điều này. Mối lo ngại của Trung Quốc là hợp lý.

An ninh mạng là khởi nguồn cho nhiều cuộc khẩu chiến giữa Mỹ và Trung Quốc, cả hai bên đều cáo buộc bên kia đã lạm dụng các chính sách bảo mật.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ, khi được yêu cầu bình luận về động thái thay đổi chính sách mua sắm của Trung Quốc đã cho biết: “Hoa Kỳ quan ngại rằng những động thái gần đây của Trung Quốc, về nhiều phương diện, không phải là nhằm tăng cường an ninh mạng. Nó vừa không phải là những biện pháp an ninh mạng hiệu quả mà còn không nhất quán với các chính sách về tự do và cởi mở trong thương mại”.

Danh sách mua sắm của trung tâm này bao gồm chi tiết về các sản phẩm theo nhãn hiệu và chủng loại, được Bộ Tài chính Trung Quốc phê duyệt. Theo quan chức của Trung tâm mua sắm cho chính quyền trung ương, danh sách này không có mối liên hệ ràng buộc nào với quân đội hay chính quyền địa phương hoặc doanh nghiệp nhà nước, và chỉ dựa trên hệ thống phê duyệt mua sắm của chính trung tâm này.

Bộ Tài chính Trung Quốc đã từ chối đưa ra bình luận.

Phát ngôn viên của công ty Cisco cho biết: “Trước đó chúng tôi đã nhận thức được rằng những quan ngại về địa chính trị đã làm ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của chúng tôi tại các thị trường mới nổi”.

Người phát ngôn của Intel cho biết công ty này đã có nhiều cuộc đối thoại ở các cấp khác nhau với chính quyền Mỹ và Trung Quốc, tuy nhiên từ chối đưa ra thông tin chi tiết.

Mặc dù vậy, nhiều ý kiến của các chuyên gia vẫn cho rằng, động thái này của Trung Quốc chủ yếu để bảo vệ nền công nghệ trong nước khỏi sự cạnh tranh của các công ty nước ngoài và dành nhiều thị phần hơn cho các công ty công nghệ Trung Quốc.