Cuối năm 2019, Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an đã phối hợp, chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự Công an Thành phố Hồ Chí Minh điều tra vụ án “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” do các đối tượng người Trung Quốc cùng đồng bọn thực hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trên cả nước. Điều đáng chú ý trong vụ án này là các đối tượng đã cho người dân vay với lãi suất 4,4 %/ngày, tương đương 1.600 %/năm. Trong đó, tất cả các giao dịch của người vay và người cho vay tiền đều được thực hiện thông qua mạng Internet và điện thoại di động. Khi người vay không trả nợ đúng hạn sẽ bị các đối tượng gọi điện đến số điện thoại của người thân quen trong danh bạ của người vay tiền nhục mạ, hạ uy tín, gây sức ép, buộc người vay tiền phải trả nợ. Cơ quan công an cho hay, một số đối tượng người nước ngoài lập công ty tài chính, thuê người đứng tên giấy phép kinh doanh, đại diện pháp luật, tạo ra ứng dụng để cho vay tiền trực tuyến (thường gọi là App). Điển hình có thể kể đến các ứng dụng như “Vaytocdo”, “Moreloan”, “VD online”. Đây là thủ đoạn hoàn toàn mới, tinh vi, là biến tướng của loại tội phạm cho vay “tín dụng đen”.

Khách khi có nhu cầu vay tiền phải tải 1 trong 3 ứng dụng trên về máy điện thoại di động của mình. Để được cho vay, người vay phải điền đầy đủ các thông tin cá nhân, cung cấp hình ảnh chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân, số tài khoản ngân hàng. Đồng thời bắt buộc phải chọn mục “Đồng ý” trong hợp đồng cho vay điện tử, trong đó có điều khoản “người vay đồng ý cho ứng dụng truy cập danh bạ trên máy điện thoại di động”. Sau khi người vay hoàn tất việc tạo tài khoản, ứng dụng sẽ tự động báo về hệ thống và có nhân viên của bộ phận cho vay tiếp nhận, liên lạc điện thoại với người vay để thu thập thêm thông tin, kiểm tra lại thông tin đã đăng ký trên App. Người vay nếu thỏa mãn điều kiện vay tiền, người cho vay và người vay không cần gặp mặt mà chỉ cần vài phút đồng hồ, hệ thống tài khoản của công ty cho vay sẽ tự động chuyển tiền vay cho khách hàng bằng số tài khoản ngân hàng đã kê khai trước đó.

Cụ thể, đối với khách hàng vay qua ứng dụng “Vaytocdo”, người vay lần đầu chỉ được vay 1,7 triệu đồng nhưng thực tế nhận về chỉ là 1,428 triệu đồng, công ty sẽ thu 272 nghìn đồng tiền phí dịch vụ. Trong 8 ngày, người vay phải trả 2,040 triệu đồng (trong đó, 1, 7 triệu đồng tiền gốc và 340 nghìn tiền lãi 8 ngày). Nếu khách vay trả chậm sẽ bị phạt 102 nghìn đồng/ngày.

Đối với khách hàng vay qua ứng dụng “Moreloan” và “VD online”, người vay lần đầu được duyệt vay số tiền là 1,5 triệu đồng, nhưng thực tế người vay chỉ được nhận 900 nghìn đồng, còn 600 nghìn đồng là tiền phí dịch vụ và tiền lãi trong 7 ngày. Sau 7 ngày, người vay phải trả tiền gốc vay là 1,5 triệu đồng. Người vay tiền nếu trả chậm 1 ngày sẽ bị phạt từ 2 % đến 5 %/ngày.

Nếu người vay trả nợ đúng hạn, có uy tín, lần vay sau, nhân viên Công ty sẽ duyệt cho người vay số tiền cao hơn từ cấp độ 1 đến cấp độ 7 (mỗi cấp độ gọi là 01 App), với số tiền tối đa được vay là 2,750 triệu đồng. Tuy nhiên, sau một thời gian, mỗi người có thể vay nhiều App khác nhau cùng lúc, để có thể vay được số tiền mình có nhu cầu vay. Như vậy, với hình thức cho vay nêu trên, các đối tượng đã cho vay với lãi suất 4,4 %/ngày, tương đương 30,8 %/tuần, 132 %/tháng và 1.600 %/năm.

Chia sẻ trên truyền thông về vấn nạn này, Phó Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần tiết lộ: “Đa phần cổ đông cốt cán của công ty cho vay trực tuyến hiện nay đều xuất phát từ tín dụng đen. Thậm chí, tôi được biết, nhiều công ty P2P ở Việt Nam chỉ do người Việt đứng tên, còn ông chủ thực sự là người Trung Quốc. Họ thuê người Việt đứng tên thành lập công ty, thuê xã hội đen đòi nợ, đứng giữa ăn lãi khủng, nhưng không lộ mặt”.

Một công ty Fintech chia sẻ với ICTnews, việc Chính phủ Trung Quốc siết chặt quản lý thị trường P2P sau một thời gian thả lỏng đã khiến nhiều công ty P2P Trung Quốc chạy sang Việt Nam. Các công ty này lập các app cho vay online với lời quảng cáo “lãi suất vay thấp" "cho vay không thế chấp"… Các công ty Trung Quốc tràn vào Việt Nam để "hớt váng" trong bối cảnh thị trường cho vay online tại Việt Nam bắt đầu phát triển trong khoảng 2 năm nay. Nếu người dùng không có lựa chọn cẩn thận thì rất dễ trúng cạm bẫy của tín dụng đen đội lốt ứng dụng cho vay trực tuyến. Điều này không chỉ gây ra nhiều hệ luỵ phiền toái tiêu cực cho khách hàng, mà còn ảnh hưởng đến uy tín của những doanh nghiệp fintech chân chính, cũng như nguy cơ về lâu dài sẽ  ảnh hưởng xấu tới thị trường chung.

 

Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Nexttech cho biết: "Hiện nay có khoảng 60 – 70 doanh nghiệp của Trung Quốc vào thị trường Việt Nam lập doanh nghiệp và thuê người Việt đứng tên để cho vay tiền online. Đặc điểm chung rất đáng lo ngại là các doanh nghiệp này không hề có hoạt động kêu gọi người cho vay mà chỉ quảng bá kêu gọi người vay. Như vậy, đây không phải là mô hình P2P thực sự mà có thể họ huy động nguồn vốn tự có từ Trung Quốc để cho vay. Lãi suất của các công ty này thường rất cao đối với người dân Việt Nam".

Ông Nguyễn Hòa Bình cho biết thêm: "Chúng tôi có nhiều bằng chứng các công ty tín dụng đen đội lốt này dùng mẫu quảng cáo cho vay tiền online lại gán logo của các ngân hàng Việt Nam như: Vietinbank, Techcombank cho vay tiền, họ lấy 1 đoạn clip trên VTV1 sau đó khử tiếng và lồng tiếng của họ có nội dung công ty cho vay tiền có uy tín, đây là hành vi lừa đảo người dân. Nếu cơ quan quản lý nhà nước không xử lý kịp thời sẽ rất nguy hiểm có thể xảy ra tương tự như ở Trung Quốc".


Một đoạn quảng cáo ứng dụng cho vay tiền trực tuyến của công ty Trung Quốc lồng ghép hình ảnh của VTV1 để lừa đảo người dân.

Hiện ICTnews đã gửi nội dung phản ánh về các doanh nghiệp tín dụng đen của Trung Quốc tràn vào Việt Nam tới đại diện truyền thông của Ngân hàng Nhà nước. ICTnews sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả về vấn đề này.