Các nhà sản xuất đang cố "làm vừa một chiếc giày cho mọi cỡ chân"

Theo PhoneArena, để thiết kế một thiết bị di động sao cho làm hài lòng với tất cả mọi người là một điều rất khó. Bởi trước hết, không phải ai cũng có cỡ tay giống nhau. Tiếp đến là các yếu tố cầm nắm như việc bạn có thường mang ốp lưng cho điện thoại hay không; bạn có thường bỏ điện thoại trong ví hoặc túi quần hay không; hay nhu cầu sử dụng smartphone mà bạn hướng đến là gì,...

Tuy nhiên, màn hình và kích thước là hai yếu tố chính quyết định chiếc điện thoại của bạn trông ra sao. Người dùng muốn có nhiều không gian để sử dụng hơn nhưng vẫn muốn có một trải nghiệm cầm nắm, vuốt chạm thoải mái. Để đáp ứng điều đó, các nhà sản xuất đã bắt đầu "kéo dài" chiếc điện thoại của mình ra với tỷ lệ màn hình hẹp hơn, đơn cử như tỷ lệ 21:9 trên Sony Xperia 1. Nhưng sự thật thì ngón cái của chúng ta quá ngắn để có thể dùng điện thoại bằng một tay. Tất cả mọi thứ khi ấy đều ngoài tầm với.

Giờ đây, người dùng buộc phải hy sinh một trong hai yếu tố: màn hình hoặc sự thoải mái. Chính vì thế, các nhà sản xuất đã quyết định cho ra nhiều phiên bản kích thước trên cùng một sản phẩm để có thể đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người dùng. Nhưng đó vẫn chưa phải là câu trả lời chính cho câu hỏi trên.

Bộ ba "công thái học": phím âm lượng, nút nguồn và cảm biến vân tay chính là những yếu tố quyết định

Những vị trí phím bấm kể trên của điện thoại sẽ ảnh hưởng phần lớn đến trải nghiệm người dùng. Nghe qua thì có vẻ đây không phải là vấn đề lớn để chúng ta bận tâm mỗi khi chọn điện thoại, nhưng trên thực tế thì ta không nên đánh giá thấp chúng, bên cạnh những thứ khác như màn hình, bộ nhớ,... Do việc sử dụng thường xuyên nên nếu các vị trí này được đặt tùy tiện không khoa học thì chúng sẽ gây không ít phiền toái cho chúng ta trong suốt quá trình sử dụng, có thể trong một hoặc nhiều năm.

Điển hình như vị trí đặt nút nguồn trên Galaxy S10, S10 +. Nhiều người dùng cho rằng bộ đôi flagship của Samsung có nút nguồn đặt quá xa và khiến họ phải với tay để mở nó, trừ khi ai đó có cỡ tay lớn hoặc ngón tay thực sự dài thì mới có thể mở máy một cách dễ dàng. Vì vậy, khi mà thiết kế đã gần như hoàn hảo thì vị trí nút nguồn lại là một điểm trừ cho máy. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể sử dụng tính năng nâng cao đánh thức thiết bị bằng việc chạm 2 lần vào màn hình, nhưng sau đó vẫn phải bấm nút nguồn để khóa máy.

Một ví dụ khác về sự "ngu ngốc" trong thiết kế là Google đặt các phím âm lượng bên dưới nút nguồn trên các smartphone Pixel. Về lý thuyết, nó sẽ giúp cho việc điều khiển âm lượng trở nên dễ dàng hơn, nhưng xét về trải nghiệm thực tế thì nên ưu tiên nút nguồn hơn vì đây là nút chúng ta thường xuyên sử dụng nhất.

Và khi nói về vị trí đặt cảm biến vân tay thì ta lại có thể kể ra một loạt các vị trí kỳ lạ từng xuất hiện trên smartphone. Rất nhiều nhà sản xuất đã từng phạm lỗi ấy, ít nhất là trên một model nào đó. Và có thể kể đến như... Samsung với vị trí cảm biến đặt ngay bên cạnh cụm camera, khiến ai ai sử dụng cũng vô tình đặt nhầm ngón tay lên camera và làm mờ ống kính.

Và nếu nói rằng các hãng không biết những bất tiện trong thiết kế mà smartphone mình mang lại là hoàn toàn không đúng. Bởi khi một một sản phẩm được đề ra đến khi đi vào sản xuất hàng loạt và xuất xưởng thì từ nhà thiết kế đến giám đốc điều hành cũng đều xem qua, cũng như có những bước kiểm tra nghiêm ngặt. Vậy cớ sao những điều không hoàn hảo ấy vẫn còn tồn tại? Có thể là do những hạn chế mà chúng ta không thể thấy.

Giả thuyết thứ nhất: Không còn chỗ nào khác cho các linh kiện phần cứng bên trong smartphone

Các nhà thiết kế phải xem xét không chỉ từ bề ngoài, mà còn đến cả cách một chiếc điện thoại hoạt động. Điều này đồng nghĩa rằng chúng ta phải chấp nhận những hạn chế nhất định để có thể đặt được các linh kiện khác nhau bên trong thân máy.

Các thành phần cần phải được kết nối nội bộ với bảng mạch chính và điều đó không phải lúc nào cũng dễ dàng. Mặc dù thiết kế điện thoại của chúng ta ngày càng bóng bẩy hơn, với các cổng và nút được loại bỏ cùng cảm biến vân tay ẩn dưới màn hình thì nội thất bên trong vẫn "bận rộn và chật chội" hơn bao giờ hết.

Các nhà sản xuất đang cố gắng thỏa mãn người dùng với nhu cầu sử dụng pin lâu hơn bằng cách nhồi nhét viên pin dung lượng lớn vào thiết bị của họ, nhưng điều đó làm giảm đáng kể không gian có sẵn trong điện thoại. Từ đó, buộc các nhà thiết kế phải cân nhắc, đánh đổi sao cho mọi linh kiện có thể hoạt động tốt trong một khoảng không nhỏ.

Và nếu không còn lựa chọn nào khác và buộc đưa nút nguồn lên thêm vài cm hoặc đặt máy quét vân tay ở vị trí không tối ưu thì các nhà thiết kế cũng phải đành thực hiện. Nhưng giờ đây khi mà chipset và các bộ phận quan trọng khác liên tục thu nhỏ lại, các nhà thiết kế cũng dần tự do hơn trong việc cho ra các thiết bị mang lại trải nghiệm thoải mái nhất có thể. Nhưng vẫn có thể còn một lý do khác cho việc sắp xếp vị trí các nút bấm thiếu hợp lý...

Giả thuyết thứ hai: Lo ngại về độ bền

Bạn có thể nghĩ: nút nguồn có liên quan gì đến độ bền? Dù nút nguồn không ảnh hưởng nhưng phần lỗ khoét đặt nó lại liên quan đến độ cứng cáp của thiết bị. Khung kim loại của smartphone là bộ xương sống không chỉ giữ cho tất cả các thành phần cố định một chỗ mà còn đảm bảo thiết bị của bạn không bị uốn cong khi cho vào túi quần.

Đương nhiên, các lỗ khoét cho các cổng kết nối và phím bấm sẽ làm suy yếu khung máy. Điều này đặc biệt đúng đối với những máy có phím bấm ở cả hai bên thân và ở cùng một độ cao. Nó sẽ tạo một đường ngang mà tại đó điện thoại dễ bị uốn cong nhất. Dù vậy, ta vẫn dễ bắt gặp nhiều điện thoại hiện nay có vị trí các nút bấm được sắp xếp như vậy. Tất nhiên là để chống lại sự kém bền vững về cấu trúc cũng như giữ được sự thoải mái trong thao tác thì các nhà sản xuất đã tăng cường cố định bên dưới vị trí phím bấm, khiến tốn nhiều không gian hơn.

Vì vậy, trong khi bạn nổi giận với các quyết định thiết kế ngu ngốc và đòi các công ty trả lời về cách họ nên sửa chữa mọi thứ thì trước tiên bạn hãy suy nghĩ lại. Có những kỹ sư đã dành hàng tháng trời để xem xét thiết kế và đưa ra nhiều giải pháp cho từng chi tiết máy. Và kết quả cuối cùng là có thể vì một lý do chính đáng nào đó mà họ đã quyết định cho ra những thiết kế khiến người dùng xem là không tối ưu.

Điều đó có nghĩa rằng chúng ta phải luôn hài lòng với thiết kế của smartphone? Tất nhiên là không. Chúng ta cần đánh giá sản phẩm trong điều kiện sử dụng thực tế xem các nhà sản xuất có buộc phải đánh đổi thứ gì đó hay không rồi từ đó mới đưa ra lời nhận xét cho những thiết kế ấy. Sau đó, còn tùy thuộc vào từng người dùng để quyết định xem mức độ ảnh hưởng của thiết kế đến trải nghiệm của họ.

Thái Âu