Ảnh minh họa

Theo Nikkei, Vietjet kế hoạch ra mắt dịch vụ trong vòng 2 năm, hợp tác cùng các ngân hàng, khách sạn và công ty khác. Không rõ Vietjet định đầu tư bao nhiêu cho lĩnh vực mới.

Trả lời Nikkei, bà Nguyễn Thị Thúy Bình, Phó Tổng Giám đốc Vietjet, cho biết sàn TMĐT không chỉ phục vụ vé máy bay mà bất cứ những gì khách hàng cần. Mọi đối tác, nhà cung ứng tham gia để bán hàng cho hàng trăm triệu người dùng Việt Nam và toàn cầu.

Bà Bình chia sẻ nền tảng bao gồm lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, ngân hàng cũng như khách sạn, hàng tiêu dùng… Đối tác có thể dùng công nghệ blockchain để chia sẻ giao dịch với nhau một cách thuận tiện. Vietjet đã đàm phán với một số công ty.

Theo bà Bình, mục tiêu hiện tại là bán hàng cho khách hàng của Vietjet, dự kiến chạm mốc 30 triệu trong năm 2019, tăng 30% so với năm 2018. Sau hai năm, bà tin rằng hành khách không phải đối tượng duy nhất sử dụng nền tảng.

Vietjet đang muốn tăng doanh thu phụ thuộc, đến từ việc bán mặt hàng không phải vé và dịch vụ bay do chi phí xăng dầu tăng gây áp lực lên mảng kinh doanh vận tải. Doanh thu vận tải hàng không nói chung của Vietjet tăng 28% trong quý đầu năm tài khóa 2019 so với cùng kỳ 2018, trong khi chỉ riêng doanh thu phụ thuộc tăng 45%.

Nền tảng của Vietjet đã sẵn sàng “cất cánh”. Tháng 6/2019, hãng hàng không kết hợp với HD Saison Finance – công ty liên doanh giữa HDBank và Credit Saison – cho khách hàng vay tiền mua vé máy bay Vietjet mà không cần trả trước hay xác minh thu nhập.