Công văn về việc tuân thủ quy định sử dụng phần mềm văn phòng tại Tập đoàn VNPT đã được gửi tới tất cả các đơn vị trực thuộc Tập đoàn gồm Văn phòng Tập đoàn, các Ban chức năng; Các Tổng công ty VNPT VinaPhone, VNPT Net, VNPT Media; các VNPT tỉnh, thành phố và Công ty VNPT-I vào trung tuần tháng 2/2016.

Theo đó, để đảm bảo tuân thủ quy định bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và bản quyền phần mềm nói riêng, Tập đoàn VNPT yêu cầu các đơn vị trực thuộc gỡ bỏ toàn bộ các ứng dụng Microsoft Office được cài ở tất cả các máy tính (bao gồm cả máy để bàn và laptop do đơn vị trang bị).

Để đảm bảo cung cấp công cụ phần mềm văn phòng, VNPT chỉ dẫn các đơn vị thực hiện cài đặt và sử dụng phần mềm nguồn mở Libre Office hoặc các phần mềm mã nguồn mở khác đảm bảo không vi phạm bản quyền phần mềm.

Công văn cũng nêu rõ, đối với những trường hợp có nhu cầu bắt buộc phải sử dụng Microsoft Office, các đơn vị cần báo cáo cụ thể về Tập đoàn để Tập đoàn xem xét xử lý.

VNPT đã hoàn thành việc tập huấn thay thế bộ phần mềm văn phòng qua cầu truyền hình và ra “tối hậu thư” cho các đơn vị hạn chót phải chuyển đổi là 29/2/2016. Trường hợp vi phạm sẽ buộc phải trả phí mua bản quyền phần mềm Microsoft Office và phí phạt theo giá trị vi phạm. Toàn bộ phí vi phạm bản quyền phần mềm Microsoft Office sẽ trừ vào quỹ lương của đơn vị có vi phạm.

Được biết, sau tái cơ cấu, với 15.000 nhân viên, chỉ tính riêng Tổng Công ty VNPT-VinaPhone sẽ cần tới 15.000 máy tính cho nhân viên làm việc. Nếu số lượng máy tính này đều cần trang bị bộ phần mềm văn phòng thương mại và chi phí trung bình cho mỗi bộ phần mềm là 1 triệu đồng/năm hoặc 2 triệu đồng/ lần (nếu mua số lượng lớn) thì sẽ cần tới 15 tỷ đồng/ năm hoặc ít nhất là 30 tỷ đồng (nếu mua 1 lần, phần mềm mua một lần thường được hỗ trợ nâng cấp trong vòng 3-5 năm).

Như vậy với việc sử dụng phần mềm nguồn mở LibreOffice, Tập đoàn VNPT trước mắt có thể tiết kiệm hàng chục tỷ đồng, đồng thời tránh được án phạt vi phạm bản quyền với mức tiền phạt không hề nhẹ. Không những thế, chuyện vi phạm bản quyền phần mềm có thể khiến VNPT bị cấm cửa khi kinh doanh tại các thị trường quốc tế do bị coi là cạnh tranh không lành mạnh nhờ vi phạm bản quyền phần mềm.

Xu hướng chuyển sang sử dụng phần mềm nguồn mở được các chuyên gia nhận định có thể là lối thoát cho các doanh nghiệp Việt Nam khi việc thanh tra, xử lý vi phạm bản quyền phần mềm ngày càng được siết chặt và vi phạm bản quyền phần mềm có thế bị xử lý hình sự. Mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, trong đó có bản quyền phần mềm được nâng lên đến 500 triệu đồng cũng khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải cân đối đến chuyện sử dụng phần mềm nguồn mở để thay thế.

Ngày 5/12/2014, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đã ký ban hành Thông tư 20/2014/TT-BTTTT (Thông tư 20) quy định về các sản phẩm phần mềm nguồn mở được ưu tiên mua sắm, sử dụng trong cơ quan, tổ chức nhà nước. Có hiệu lực từ ngày 20/1/2015, bên cạnh việc quy  định cụ thể các tiêu chí lựa chọn sản phẩm phần mềm nguồn mở được ưu tiên mua sắm, sử dụng trong cơ quan, tổ chức nhà nước, Thông tư 20 cũng nêu rõ Danh mục 31 sản phẩm thuộc 11 loại phần mềm nguồn mở được ưu tiên mua sắm, sử dụng trong cơ quan, tổ chức nhà nước. Trong đó, với phần mềm văn phòng, cùng với OpenOffice, LibreOffice cũng là phần mềm nguồn mở được ưu tiên sử dụng trong cơ quan, tổ chức nhà nước.