Theo kết quả thanh tra Viettel, VinaPhone, MobiFone, GTEL, Hanoi Telecom về quản lý thuê bao di động trả trước trong năm 2013 được Thanh tra Bộ TT&TT công bố hồi cuối năm 2013, 100% các nhà mạng này đều có sai phạm. Thanh tra Bộ TT&TT cho biết, VinaPhone, MobiFone, Viettel đã vi phạm trong việc tích hợp sẵn ứng dụng trên SIM để bán cho người sử dụng (ứng dụng có chức năng cho phép tải thông tin và tính phí) nhưng không niêm yết rõ ràng, chính xác giá cước, không có thông tin cảnh báo về giá cước, không cho phép người sử dụng xác nhận đồng ý/không đồng ý với mức phí đưa ra. Cụ thể từ tháng 6/2012 đến tháng 6/2013, dịch vụ có tên IOD tích hợp trên SIM đã đem lại doanh thu hơn 20,67 tỷ đồng cho VinaPhone. Tương tự như vậy, từ tháng 6/2012 đến tháng 7/2013, MobiFone đã hợp tác với 17 công ty cung cấp dịch vụ nội dung để cung cấp 2 ứng dụng SuperSIM và LiveInfo, đạt doanh thu gần 150,6 tỷ đồng. Còn Viettel cũng tích hợp trên SIM phần mềm Viettel Plus với những bất cập tương tự VinaPhone.

Trả lời ICTnews về vấn đề này, 3 nhà mạng thừa nhận có cung cấp dịch vụ này và chưa tuân thủ chính xác một số quy định như niêm yết rõ ràng về giá cước, cho phép người sử dụng xác nhận đồng ý hoặc không đồng ý sử dụng dịch vụ với mức cước tương ứng ... nhưng không có chuyện nhà mạng tự động trừ tiền của khách hàng như truyền thông đưa tin gần đây.

VinaPhone cho biết, dịch vụ cung cấp nội dung thông tin theo danh mục sẵn có trên SIM mà VinaPhone đặt tên thương hiệu là dịch vụ IOD là hình thức dịch vụ rất phổ biến của các nhà khai thác di động cả ở trên thế giới và Việt Nam. Hình thức cung cấp dịch vụ IOD của VinaPhone cũng như dịch vụ của các nhà mạng khác tới khách hàng đều tương tự nhau. Theo đó, khi khách hàng có nhu cầu về việc tải các nội dung thông tin như thông tin giá vàng, thông tin thời tiết, kết quả bóng đá…hoặc các nội dung đa phương tiện như game, video clip…thì khách hàng sẽ phải chủ động tìm kiếm và chọn danh mục thông tin phù hợp trên Menu của SIM. Chỉ sau khi khách hàng chọn danh mục thông tin mà mình cần thì dịch vụ mới được cung cấp tới khách hàng thông qua bản tin SMS từ hệ thống trả về máy điện thoại của khách hàng. Dịch vụ không được tự động cung cấp tới khách hàng nếu không có yêu cầu và có lựa chọn từ khách hàng.

Đại diện VinaPhone cho biết, dịch vụ IOD được VinaPhone cung cấp từ năm 2006 và được sản xuất tích hơp hàng loạt vào các SIM của VinaPhone phát hành ra thị trường. Dịch vụ được tính cước theo phương thức dựa trên bản tin của khách hàng gửi đến đầu số dịch vụ (dựa theo bản tin MO) có nghĩa là hệ thống sẽ tính cước ngay sau khi khách hàng gửi bản tin MO yêu cầu tải thông tin/nội dung đến hệ thống của VinaPhone.

Đại diện VinaPhone cũng thừa nhận việc áp dụng mô hình tính cước này trước khi có Nghị định 77 nên VinaPhone đã không xây dựng kịch bản theo hướng tuân thủ các quy định trong nghị định này như niêm yết giá cước... Tuy nhiên, các thông tin về giá cước dịch vụ IOD được VinaPhone thông báo đầy đủ trên website, tờ rơi giới thiệu về dịch vụ, kênh chăm sóc khách hàng…Sau khi có Nghị định 77, hiện nay VinaPhone đã nghiên cứu các giải pháp nhằm đảm bảo tuân thủ đúng các quy định này về vấn đề thông tin giá cước, khách hàng có bước xác nhận trước khi chính thức cung cấp dịch vụ.

Ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Tổng giám đốc MobiFone cho biết, câu chuyện nhà mạng mập mờ để móc túi khách hàng theo tóm tắt trong tổng kết của Thanh tra Bộ TT&TT là chưa đầy đủ thông tin. Ông Nguyễn Đình Chiến khẳng định, ứng dụng SuperSIM và LiveInfo là các ứng dụng được cài sẵn trên SIM và được MobiFone cung cấp từ 5 năm trước, nhưng 1 năm gần đây mới có quy định quản lý theo Nghị định 77 như thông báo về giá cước, thông tin đầy đủ cho khách hàng...  Vì vậy, việc ngay lập tức dừng và sửa đổi các ứng dụng trên SIM này là không khả thi. Bên cạnh đó, việc thu cước nhưng dịch vụ này không hề mập mờ, bởi MobiFone đã có tin nhắn dạng header (tóm tắt) khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng hàng. Vì vậy nếu khách hàng không chọn đọc thêm thì sẽ không bị trừ phí, nếu click vào đọc thì mới phải trả tiền. MobiFone cũng có niêm yết công khai trên website về giá các dịch vụ ứng dụng SuperSIM và LiveInfo, kể cả tổng đài 1800, 1900 cũng có công bố cụ thể về dịch vụ này. Giới hạn công nghệ của sim cách đây 5 – 6 năm chưa làm được.
Ông Nguyễn Đình Chiến cho rằng, sau khi có Nghị định 77, nhà mạng cần có một thời gian để sửa đổi hệ thống và dịch vụ đã được tích hợp trên SIM. Hiện MobiFone đang hoàn thiện các giải pháp đúng như quy định của Bộ TT&TT đối với dịch vụ ứng dụng SuperSIM và LiveInfo.

Cũng như dịch vụ của MobiFone và VinaPhone cung cấp, Viettel cũng trần tình rằng Viettel Plus là một ứng dụng được cài đặt sẵn trên SIM. Các ứng dụng cài trên SIM đc thiết kế và upload vào SIM trước khi xuất bán và không thể sửa đổi trong quá trình sử dụng. Các ứng dụng hiện có trên SIM đc chia thành 2 nhóm. Nhóm tiện ích giúp quá trình đăng ký các dịch vụ được đơn giản hơn (ví dụ đăng ký dịch vụ 3G khách hàng không phải nhớ cú pháp và đầu số đăng ký mà chỉ cần click vào mục đăng ký trên SIM và khi đó máy sẽ tự động gửi tin nhắn với cú pháp được đặt từ trước đến đầu số đăng ký 3G lên hệ thống). Như vậy nhóm này đơn giản chỉ là các ứng dụng kích hoạt việc gửi tin nhắn tự động từ máy của khách hàng. Còn nhóm dịch vụ từ sự hỗ trợ đặc biệt từ các SIM, nhóm này yêu cầu phải có sự phối hợp của các ứng dụng trên SIM mới dùng được như dịch vụ gói thông tin (DailyExpress - DE), các SIM không cài đặt sẵn DE thì không dùng được dịch vụ này. Các dịch vụ đang được tích hợp vào SIM bao gồm: BankPlus, DailyExpress, Imuzik,GPRS, 3G.

Phía Viettel cho rằng, việc tích hợp trên SIM để làm tiện ích thêm cho khách hàng. Muốn sử dụng được dịch vụ, khách hàng cần thêm bước kích hoạt từ SIM Khách hàng. Việc này giúp khách hàng không phải nhớ đến chi tiết dịch vụ, kho dịch vụ giá trị gia tăng của nhà cung cấp mà vẫn dùng được dịch vụ nếu có nhu cầu. Đây cũng là xu thế  đang được các nhà sản xuất máy đầu cuối phát triển như Nhật Qản , Hàn Quốc, Trung Quốc...

Riêng đối với dịch vụ DE, đây là dịch vụ được cài đặt sẵn trên một số SIM trên hệ thống và. Dịch vụ DE có 2 gói cước, nhưng khi gửi tự động cho khách hàng thì chỉ kích hoạt gói miễn phí, trong khi nếu khách hàng muốn đọc kỹ thông tin hơn thì bắt buộc phải đăng ký sử dụng gói có thu phí mới sử dụng được.

Đại diện Viettel cho rằng, trên mỗi dịch vụ được cung cấp đều có các phần hướng dẫn sử dụng và giá cước ở bên cạch. Việc hiển thị trên các menu của ViettelPlus bị giới hạn ký tự (13 đến 15 ký tự ) do vậy phần giá cước quy ước ngắn (ghi trong ngoặc đơn) và trong phần hướng dẫn sử dụng dịch vụ có thông tin về quy ước giá (đơn vị tính nghìn đồng). Lý giải về việc tiện ích không cho phép người sử dụng xác nhận đồng ý hoặc không đồng ý khi cung cấp dịch vụ Viettel Plus, Viettel cho rằng đây là do đặc thù của dịch vụ là thực hiện trên SIM. Theo điều kiện kỹ thuật của dịch vụ, ở cả trong nước và trên thế giới đều chưa có giải pháp thực hiện cơ chế cho phép người sử dụng xác nhận đồng ý/không đồng ý sử dụng dịch vụ trực tiếp trên SIM. Hiện tại Viettel đang khẩn trương nghiên cứu để tìm các giải pháp để thực hiện triệt để vấn đề này.
"Trên thực tế, Viettel nhận được rất ít các phản ánh, khiếu nại của khách hàng liên quan đến các tiện ích này. Các thắc mắc của khách hàng hỏi Tổng đài đều được giải thích và hầu hết không có khiếu nại gay gắt" đại diện Viettel nói.