Lời cảnh báo đanh thép với tham nhũng

Nhiều năm trở lại đây, người dân không còn bất ngờ khi nhận thông tin cán bộ chủ trì cấp tỉnh trở lên bị kỷ luật, bị khởi tố và bị bắt tạm giam.

Từ đầu nhiệm kì XII đến nay, công cuộc chống tham nhũng ngày càng trở nên hết sức quyết liệt, kèm theo đó là hàng loạt quan chức, trong đó có hàng trăm cán bộ cấp cao bị kỷ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là sự răn đe, là lời cảnh báo đanh thép đối với những ai có ý đồ chui vào bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị để làm giàu phi pháp.

Khi bị ma lực của đồng tiền mê hoặc thì một bộ phận quan chức đã bất chấp tất cả, họ sẵn sàng nhảy vào lửa để kiếm được nhiều tiền.

Những chủ doanh nghiệp chuyên “đi đêm” đã hiểu rõ bản tính đó của quan tham và cũng rất giỏi vận dụng nguyên tắc “không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền”. Sự gặp nhau của quan tham và những cá nhân, những chủ doanh nghiệp chuyên sử dụng đồng tiền để khai thông mọi “lối đi” làm cho bộ phận quan chức tham lam bị đồng tiền mê hoặc.

Trong giai đoạn đỉnh cao chống đại dịch Covid-19 (năm 2020 - 2021), đất nước lâm vào tình cảnh vô cùng khó khăn, bị dịch bệnh hoành hành, kinh tế đình trệ; hàng chục nghìn người chết, hàng triệu người mất việc làm, đời sống nhân dân vô cùng khốn khó... Trong bối cảnh cả nước phải gồng mình vừa chống dịch vừa lo cho đời sống dân sinh nhưng vẫn có hàng loạt quan tham vẫn lợi dụng lúc đất nước lâm hoạn nạn đục nước béo cò, vơ vét làm giàu.

Rất đáng lên án là chính những quan chức được giao thực hiện nhiệm vụ quan trọng và mang tính nhân đạo, nhân văn của Chính phủ lại là những kẻ tham lam, đã tận dụng thời cơ làm giàu bằng thủ đoạn nhũng nhiễu, vòi vĩnh doanh nghiệp để nhận hối lộ.

truong my lan 1.png
Bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh: VietNamNet

Hàng loạt quan chức của nhiều tỉnh thành, bộ ngành bị đồng tiền mê hoặc đã dễ dàng bị đánh gục bởi Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC); Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát…

Hệ quả là gây thiệt hại rất nghiêm trọng về kinh tế cho nhà nước với số tiền hàng trăm nghìn tỷ đồng; làm méo mó chủ trương, chính sách của Nhà nước; ảnh hưởng nghiêm trọng uy tín của đội ngũ quan chức trong bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị.

Hoàn thiện thể chế và kiểm soát quyền lực

Trước hết, phải thừa nhận đã là con người hầu hết đều mang thuộc tính tư lợi và cùng với đó là khát vọng không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bản thân, gia đình và vươn lên nổi trội trong cộng đồng.

Thực tiễn đã chứng minh, những đặc tính đó của con người nếu được đặt trong hệ thống pháp luật khoa học, chặt chẽ đảm bảo dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; bảo đảm giám sát, kiểm sát chặt chẽ quyền lực của các cá nhân, tổ chức trong bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị thì bản tính tư lợi sẽ bị kiềm tỏa, giảm thiểu.

Đồng thời, hệ thống thể chế đó sẽ phát huy tối đa nhiệt huyết, trí tuệ vươn lên hiện thực hóa khát vọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của con người một cách chân chính. Đó chính là động lực mạnh mẽ nhất, quan trọng nhất thúc đẩy quốc gia dân tộc phát triển, vươn tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Ngược lại, nếu một quốc gia không có hệ thống pháp luật nghiêm minh, bị bản tính tư lợi chi phối ngay từ khi xây dựng văn bản pháp luật; quyền lực không được giám sát, kiểm soát chặt chẽ dẫn đến sự cộng hưởng giữa bản tính tư lợi với khát vọng làm giàu cho bản thân và gia đình mang tính ích kỷ.

Từ đó sẽ làm cho con người, nhất là những quan chức thiếu bản lĩnh trở nên tham lam vô độ, bất chấp tất cả, miễn sao thu vén được thật nhiều lợi ích cho bản thân, gia đình, gia tộc.

Vì vậy, trong cuộc chiến với nạn tham nhũng, một trong “nguy cơ” lớn, từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đến nay, trong các văn kiện đại hội luôn xác định “hoàn thiện đồng bộ thể chế” là đột phá chiến lược quan trọng bậc nhất.

Hoàn thiện đồng bộ thể chế theo quan điểm trên đây là hoàn thiện Hiến pháp, hệ thống văn bản pháp luật; phương thức tổ chức, vận hành của bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị.

Nhằm đảm bảo Hiến pháp, hệ thống văn phản pháp luật cũng như nền quản trị quốc gia, quản lý nhà nước vừa đảm bảo không gian thông thoáng cho nền kinh tế và hệ thộng chính trị, xã hội vận hành trơn tru; vừa đảm bảo tính nghiêm minh của quốc pháp trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội. Trong đó, giám sát và kiểm soát quyền lực là một trong những nội dung quan trọng hàng đầu.

Xuất phát từ quan điểm trên đây của Đảng cho thấy, để công cuộc phòng, chống tham nhũng đảm bảo tính bền vững và mang lại hiệu quả thì cần phải gắn liền xử lý nghiêm minh những quan chức tham nhũng, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý với hoàn thiện đồng bộ thể chế; giám sát và kiểm soát chặt chẽ quyền lực của các cá nhân và tổ chức trong bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị. Trong đó, hoàn thiện đồng bộ thể chế; giám sát và kiểm soát chặt chẽ quyền lực đóng vai trò quyết định.

Nguyễn Huy Viện