Tầm nhìn mới, tham vọng lớn

Neuralink là công ty nghiên cứu thần kinh được Elon Musk thành lập vào năm 2016. Mục đích của công ty là điều trị các bệnh nghiêm trọng về não cũng như nỗ lực liên kết trí tuệ nhân tạo với trí óc con người. Công ty được đánh giá là mang lại những tiềm năng lớn hơn một công ty truyền thông xã hội như Twitter.

Neuralink là công ty nghiên cứu thần kinh 

Ông Musk cho biết tại Ted2022 rằng trong thập kỷ tới, Neuralink sẽ sản xuất một công cụ y tế kỳ diệu có thể chữa bệnh tê liệt và giải quyết một loạt các chấn thương não bao gồm trầm cảm nặng, bệnh béo phì, khả năng mắc bệnh tâm thần phân liệt - những thứ gây ra căng thẳng cho con người. 

Elon Musk cũng công bố Neuralink sẽ giúp ông thực hiện một dự án đầy tham vọng: cấy chip máy tính vào não người sớm nhất vào năm 2022. Loại chip này có thể liên kết các tế bào thần kinh trong não với bất kỳ loại thiết bị điện toán nào nhằm ghi lại và kích thích hoạt động của não. Ý tưởng nhằm phục vụ người khuyết tật tứ chi và những người bị chấn thương não hoặc cột sống, giúp họ truyền đạt những gì muốn nói qua máy tính hoặc thiết bị di động. Chip cấy vào bề mặt não, được trang bị tới 1.024 điện cực có thể theo dõi hoạt động của não vì vậy được xem là sẽ mang lại những đột phá.

Những thách thức đặt ra  

Anna Wexler, một quan sát viên thân cận của Neuralink cho biết: “Tôi nghĩ Musk sẽ gặp khó khăn hơn nhiều với Neuralink so với tất cả các công ty khác của mình, bao gồm cả Twitter. Y học có những khó khăn đặc thù mà sẽ không thể gặp trong các lĩnh vực khác”.

Wexler và những người khác lưu ý rằng những cạm bẫy về đạo đức, tốc độ thử nghiệm chậm, tính không chắc chắn về mặt khoa học và đối thủ cạnh tranh nhiều năm kinh nghiệm như Blackrock Neurotech là những thách thức rất cụ thể mà Neuralink phải đối mặt.

Họ cũng lo ngại rằng một ông trùm công nghệ đã có nhiều xung đột với các cơ quan như Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch khó có thể thích ứng được với lĩnh vực kinh doanh điều trị y tế đòi hỏi nhiều quy định.

Elon Musk cam kết rằng các thiết bị của Neuralink có thể “đạt được một kiểu cộng sinh với trí tuệ nhân tạo”, giúp đảm bảo tương lai của nhân loại. Vào tháng 4/2021, Neuralink chia sẻ đoạn video quay cảnh một con khỉ đang chơi game MindPong bằng cách dùng trí não của nó để điều khiển các nội dung trong game đã thu hút được sự quan tâm của dư luận. 

Sau đó, vào tháng 2/2022, Uỷ ban Bác sĩ về Y học có trách nhiệm (PCRM) đã đệ đơn khiếu nại Neuralink lên Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), cáo buộc công ty ngược đãi động vật. Nhóm cho biết những con khỉ đã bị cắt não trong các thí nghiệm kém chất lượng và bị bỏ mặc để đau khổ và chết. Neuralink đã phủ nhận các cáo buộc, nói rằng họ hoàn toàn cam kết làm việc với động vật theo cách nhân đạo và đạo đức nhất có thể.

Hơn nữa, việc nhận được cấp phép từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cho các thiết bị y tế cấy ghép cũng không dễ dàng. 

Theo Bloomberg, các nhà sản xuất thiết bị y tế thường tuyển dụng các Giám đốc lâm sàng để thực hiện những thử nghiệm trong khi chờ phê duyệt từ FDA. Nếu thử nghiệm có kết quả khả quan sẽ dễ dàng được chấp thuận bởi các cơ quan quản lý hơn.

Vào tháng 1/2022, Neuralink đã đăng một quảng cáo tuyển dụng Giám đốc lâm sàng để làm việc với những người tham gia thử nghiệm đầu tiên. Tuy nhiên dường như vị trí này đến nay vẫn đang bỏ trống. 

Công ty cũng đã phải đối mặt với những thách thức về nhân sự. Giám đốc điều hành lâu năm của Neuralink, Max Hodak, đã rời đi vào năm ngoái vì ông không hài lòng với lịch trình tăng tốc cho các sản phẩm mới của Musk. Sáu trong số tám nhà khoa học kỳ cựu cũng đã rời công ty.

Ngoài ra các nhà khoa học thần kinh đặt câu hỏi về năng lực của công ty với tư cách là một trung tâm nghiên cứu và lưu ý rằng video MindPong về cơ bản đã được các nhà nghiên cứu thực hiện gần 20 năm trước.

Thêm vào đó, mặc dù 1.024 điện cực được cấy vào não thay vì vài trăm là một tiến bộ, các nhà khoa học thần kinh cho biết, nó không mang lại lợi thế nào có thể chứng minh được trong các ứng dụng di chuyển của con người. Công nghệ hàng chục năm tuổi của Blackrock về cơ bản có thể làm được điều tương tự. Blackrock đã có các thiết bị được FDA chấp thuận được cấy ghép vào 32 bệnh nhân trong các cuộc thử nghiệm trên khắp thế giới.

“Có cảm giác như có hai công ty về cơ bản làm cùng một việc. Một người đang làm đúng cách và Elon Musk đang làm sai cách”, Laura Cabrera, Phó giáo sư khoa học kỹ thuật và cơ khí tại Đại học bang Pennsylvania, người theo dõi các công ty công nghệ thần kinh, cho biết.

Cô đặc biệt đặt câu hỏi về các thử nghiệm trên người, hỏi làm thế nào mà một công ty có ít quan hệ chính thức với các tổ chức y tế lại có thể thuyết phục mọi người để họ đưa thiết bị vào não của họ. “Tôi thực sự không biết anh ấy sẽ tìm đối tượng ở đâu”, Cabrera nói. “Có thể trên Twitter?”.

Một nhà khoa học thần kinh khác lo ngại rằng những lời hứa táo bạo mà không được đáp ứng theo thời gian cũng có thể làm giảm sự quan tâm của công chúng và nhà đầu tư, thậm chí gây tắc nghẽn nghiên cứu.

Marcus Gerhardt, giám đốc điều hành và đồng sáng lập của Blackrock có trụ sở tại Utah, cho biết sự cường điệu rất nguy hiểm: “Nếu bạn gửi một thông điệp rời rạc và khiến bệnh nhân hy vọng, thì dù bạn có cố gắng xoay chuyển nó như thế nào cũng là vô trách nhiệm”.

Paul Nuyujukian, giám đốc Phòng thí nghiệm giao diện não của Đại học Stanford cho biết: “Tầm nhìn là tốt. Bạn cần có tầm nhìn để có thể đạt được mục tiêu. Nhưng đưa ra những lời hứa mà không thực hiện được có thể là đánh lừa công chúng. Khi đưa ra tầm nhìn, cần phải trung thực về vị trí và khả năng của mình”.

Tuy vậy, không thể phủ nhận, Musk đã thúc đẩy một làn sóng gọi vốn cho đến nay. Neuralink đã huy động được ít nhất 363 triệu USD đầu tư mạo hiểm, bao gồm 100 triệu USD từ Musk và một khoản tiền không được tiết lộ từ Google Ventures. Peter Thiel, người đồng sáng lập PayPal cũng đã đầu tư vào Neuralink.

Hương Dung (Theo The Washington Post)