Hội nghị “Phổ biến pháp luật bưu chính và chương trình thúc đẩy phát triển, ứng dụng nền tảng địa chỉ số quốc gia” vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức ngày 29/6 theo hình thức trực tuyến với các sở TT&TT.

Đại diện Sở TT&TT Bắc Ninh nêu hiện trạng một số doanh nghiệp xin giấy phép bưu chính để đi vào phố cấm, giờ cấm, dễ dàng dừng đỗ, vận chuyển hàng hóa không phải thư, bưu phẩm, bưu kiện, thậm chí lợi dụng xe bưu chính để chở hàng lậu, hàng cấm:

Số lượng doanh nghiệp bưu chính được Bộ TT&TT cấp phép đã tăng từ 40 năm 2010 lên 720 năm 2021. Có thể thời gian qua, chúng ta đã quá dễ dàng cấp giấy phép bưu chính. Số lượng doanh nghiệp phát triển ồ ạt đã dẫn đến một số hệ lụy, trong đó, nhiều doanh nghiệp lợi dụng xe hoạt động bưu chính để qua mắt các lực lượng chức năng, thực hiện các hành vi chở hàng lậu, hàng cấm”.

Khuyến nghị được Sở TT&TT Bắc Ninh gửi tới Bộ TT&TT là Vụ Bưu chính cần có hướng dẫn cụ thể hơn về cấp giấy phép hoạt động bưu chính; quy định cụ thể hơn trong việc xác định doanh nghiệp nào có đủ điều kiện, có nhu cầu hoạt động bưu chính thực sự. Qua đó tránh tình trạng doanh nghiệp được cấp giấy phép bưu chính xong lại lợi dụng để thực hiện việc khác.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Thảo Anh)

Ghi nhận ý kiến nêu trên, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn lưu ý: “Không thể ngăn cản việc xin cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp bưu chính. Vì theo luật hiện hành về đăng ký kinh doanh thì không có rào cản đối với việc thành lập doanh nghiệp. Chủ trương của Chính phủ cũng là phải bỏ hết rào cản, thủ tục thành lập doanh nghiệp, phấn đấu đến năm 2025, cả nước sẽ có 1,5 triệu doanh nghiệp”.

Bà Nguyễn Vũ Hồng Thanh, Vụ trưởng Vụ Bưu chính cho biết, một số sở TT&TT khác cũng từng có băn khoăn như Sở TT&TT Bắc Ninh. Tuy nhiên, không thể đặt “rào cản” quy định doanh nghiệp phải có bao nhiêu mạng lưới, bưu cục, nhân viên thì mới cấp phép, vì Luật Bưu chính cũng như các quy định hiện hành không cho phép đặt ra các điều kiện đó. Nếu làm khó doanh nghiệp như vậy sẽ là làm trái chủ trương của Chính phủ về việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia thị trường.

Thực tế tại các địa phương, chính sách quản lý giao thông vận tải có quy định ưu tiên cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thư trong việc lưu thông trên đường.

Đúng là có doanh nghiệp lợi dụng để hưởng chính sách ưu tiên. Tuy nhiên, việc cấp phép bưu chính thời gian qua đều dựa trên quy định pháp luật. Khi doanh nghiệp có nguyện vọng tham gia và có hồ sơ đáp ứng đủ điều kiện của Luật Bưu chính, Nghị định số 47 và vừa rồi là Nghị định số 25 thì Vụ Bưu chính phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Khi cấp phép xong, Bộ luôn phối hợp chặt chẽ với các địa phương kiểm tra, giám sát doanh nghiệp. Trong 1 năm kể từ khi được cấp phép, nếu doanh nghiệp không triển khai dịch vụ thư thì sẽ tiến hành các thủ tục thu hồi giấy phép”, bà Thanh nói.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với các sở TT&TT. (Ảnh: Thảo Anh)

Mặt khác, theo Luật Bưu chính và các văn bản hiện hành, vẫn đang có sự chồng chéo, hiểu chưa thống nhất giữa vận tải hàng hóa và chuyển phát hàng hóa gói kiện bưu chính. Vì thế, công tác thực thi pháp luật bưu chính tại địa phương gặp khó khăn nhất định.

Tới đây, Vụ Bưu chính sẽ nghiên cứu, tổng kết, đề xuất quy định cho Luật Bưu chính mới. Trong đó sẽ xác định lại khái niệm thế nào là bưu chính. Có thể theo hướng doanh nghiệp bưu chính là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyển phát theo tần suất nhất định”, bà Thanh chia sẻ thêm.

Trong sáng 29/6,  đại diện Vụ Bưu chính đã phổ biến, cập nhật thông tin cho các sở TT&TT về một số nội dung gồm: Tổng quan thị trường bưu chính và một số định hướng; Một số điểm mới của Nghị định số 25/2022 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 47/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Bưu chính; Khái quát kết quả thực hiện Luật Bưu chính và một số định hướng sửa đổi, bổ sung; Kế hoạch hành động Chiến lược phát triển bưu chính đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030…

Chiều cùng ngày, các sở TT&TT đã được tiếp nhận nhiều thông tin mới liên quan tới việc thúc đẩy phát triển và sử dụng nền tảng địa chỉ số; phát triển và sử dụng bản đồ số phục vụ phát triển kinh tế số và xã hội số.

Bình Minh