Vào cuối thế kỷ 18, một người đàn ông được chôn cất ở Griswold, Connecticut (Mỹ) với phần xương đùi được sắp xếp theo kiểu đan chéo nhau - một vị trí cho thấy người dân địa phương nghĩ rằng anh ta là ma cà rồng. Tuy nhiên, vẫn có rất ít tài liệu ghi chép về người đàn ông này. Hơn 200 năm sau, bằng chứng DNA tiết lộ anh ta trông như thế nào.

Sau khi thực hiện phân tích DNA, các nhà khoa học pháp y thuộc công ty công nghệ DNA có tên Parabon NanoLabs tại Virginia và Phòng thí nghiệm Nhận dạng DNA của Lực lượng Vũ trang (AFDIL), một chi nhánh của Hệ thống Giám định Y tế Lực lượng Vũ trang Hoa Kỳ có trụ sở tại Delaware kết luận rằng, người đàn ông “ma cà rồng” (được gọi là JB55) khoảng 55 tuổi và bị bệnh lao. Sử dụng phần mềm tái tạo khuôn mặt 3D, một bác sĩ pháp y xác định rằng JB55 có thể là người da trắng, mắt nâu hoặc màu hạt dẻ, tóc nâu hoặc đen và có tàn nhang trên mặt.

Sử dụng DNA chiết xuất từ hộp sọ, các nhà khoa học đã tạo ra một bản tái tạo khuôn mặt của một người đàn ông được cho là “ma cà rồng” từ thế kỷ 18. Ảnh: Parabon Nanolabs

Dựa trên vị trí của chân và hộp sọ trong ngôi mộ, các nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng tại một thời điểm nào đó, thi thể đã bị thiêu hủy và cải táng, một tập tục thường gắn với niềm tin rằng ai đó là ma cà rồng. Trong lịch sử, một số người từng nghĩ rằng những người chết vì bệnh lao thực sự là ma cà rồng.

Ellen Greytak - Giám đốc sinh học của Parabon NanoLabs và là Trưởng nhóm kỹ thuật của bộ phận Phân tích DNA nâng cao Snapshot cho biết: “Hài cốt được tìm thấy với phần xương đùi bị loại bỏ và vắt chéo qua ngực. Người dân tin rằng làm như vậy thì “ma cà rồng” sẽ không thể đi lại và tấn công người sống".

Để tiến hành phân tích, các nhà khoa học pháp y đã trích xuất DNA từ bộ xương của người đàn ông. Tuy nhiên, quá trình thực hiện với những chiếc xương có tuổi đời hơn hai thế kỷ tỏ ra đầy thách thức.

Greytak nói: “Công nghệ này không hoạt động tốt với xương, đặc biệt nếu những xương đó quá lâu đời. Khi xương trở nên già, chúng sẽ phân hủy và phân mảnh theo thời gian. Ngoài ra, khi hài cốt nằm trong môi trường hàng trăm năm, DNA từ môi trường như vi khuẩn và nấm cũng làm loạn mẫu".

Một hài cốt bị cho là “ma cà rồng” sẽ có phần xương đùi vắt chéo để chúng không thể sống lại từ cõi chết. Ảnh: MDPI

Trong giải trình tự bộ gen truyền thống, các nhà nghiên cứu cố gắng giải trình tự từng đoạn của bộ gen người 30 lần, được gọi là "độ phủ 30X". Trong trường hợp phần còn lại của JB55 bị phân hủy, việc giải trình tự chỉ mang lại độ phủ khoảng 2,5 lần. Để bổ sung điều này, các nhà nghiên cứu đã trích xuất DNA từ một cá nhân được chôn cất gần đó, người được cho là họ hàng của JB55. Những mẫu đó mang lại độ bao phủ thậm chí còn kém hơn: xấp xỉ 0,68X.

Các nhà khảo cổ đã khai quật hài cốt của “ma cà rồng” này vào năm 1990. Đến năm 2019, các nhà khoa học pháp y đã trích xuất DNA của anh ta và phân tích bằng cơ sở dữ liệu phả hệ trực tuyến, xác định rằng JB55 thực sự là một người đàn ông tên John Barber, một nông dân nghèo có khả năng chết vì bệnh lao. Biệt danh JB55 được đặt theo văn bia ghi trên quan tài của ông bằng đồng thau, biểu thị tên viết tắt và tuổi của ông khi chết.

Tấn An (Theo livescience)