Kinh tế số Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất ASEAN

Google, Temasek cùng với đối tác mới Bain & Company vừa công bố báo cáo về tình hình phát triển kinh tế số tại khu vực Đông Nam Á năm 2019 (e-Conomy Southeast Asia 2019). Báo cáo này đã chỉ ra các xu hướng nổi bật và phân tích tiềm năng của kinh tế số tại 6 nước Đông Nam Á là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

{keywords}
Cơ cấu nền kinh tế số Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và dự đoán đà tăng trưởng trong những năm tiếp theo. Số liệu: Google, Temasek và Bain & Company.

Báo cáo của Google cho thấy, nền kinh tế số tại khu vực ASEAN đã lần đầu tiên chạm ngưỡng 100 tỷ, tăng 72 tỷ USD so với năm ngoái. Kinh tế số tại Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan đang tăng trưởng ở mức từ 20 đến 30% mỗi năm. Trong khi đó, hai đại diện dẫn đầu trong khu vực là Indonesia và Việt Nam có tốc độ tăng trưởng vượt mức 40% một năm.

Thống kê cũng cho thấy, trong năm 2019, Việt Nam sở hữu 61 triệu người dùng Internet. Trung bình người Việt dành 3h12" mỗi ngày cho Internet trên smartphone, chủ yếu để sử dụng các ứng dụng mạng xã hội và truyền thông liên lạc (52%), ứng dụng xem video (20%) và game (11%) và các ứng dụng dùng cho công việc. 

Theo đánh giá của Google, Việt Nam cùng Indonesia là hai thị trường bứt phá về kinh tế số so với các quốc gia còn lại trong khu vực. Báo cáo còn cho thấy quy mô nền kinh tế số tại Việt Nam có thể đạt 12 tỷ USD năm 2019 và thậm chí là 43 tỉ USD vào năm 2025.

Google cũng dự đoán kinh tế số Việt Nam sẽ tăng trưởng nóng nhất trong các lĩnh vực gồm thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến, và gọi xe công nghệ.

{keywords}
Kinh tế số đang làm thay đổi cơ cấu xã hội và góp phần tạo ra nhiều việc làm mới tại Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt   

Đông Nam Á đang tự định hình thế giới công nghệ

Đánh giá của Google cho thấy, sự tăng trưởng vượt trội khắp khu vực Đông Nam Á đến từ dòng chảy cư dân trực tuyến mới trong khu vực. Theo thống kê của Google, số cư dân trực tuyến tại 6 quốc gia này đã tăng thêm khoảng 100 triệu người so với 4 năm trước.

Thị trường khách hàng tăng trưởng đã tạo động lực cho các doanh nghiệp trong khu vực. Đây là một yếu tố quan trọng trong việc giúp những startup “kỳ lân” như Gojek cho đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ tận dụng các công cụ kỹ thuật số để mở rộng quy mô một cách nhanh chóng.

Thương mại điện tử đang là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Hơn 150 triệu người dân tại khu vực này đang mua những thứ họ cần qua mạng. 

{keywords}
Thương mại điện tử và du lịch trực tuyến là 2 lĩnh vực được dự đoán sẽ phát triển nóng nhất tại nền kinh tế số Việt Nam.

Giá trị của ngành thương mại điện tử Đông Nam Á hiện đạt 35 tỷ USD, tăng gấp 7 lần so với chỉ 5 tỷ USD hồi 4 năm trước. Google cũng nhận định rằng, quy mô mảng thương mại điện tử tại đây sẽ chạm mốc 150 tỷ USD vào năm 2025.

Không chỉ thương mại điện tử, thị trường ứng dụng gọi xe công nghệ tại Đông Nam Á cũng đang tăng trưởng mạnh mẽ. Hiện có tới 40 triệu người gọi xe, đặt thức ăn và sử dụng các dịch vụ khác theo nhu cầu, so với chỉ 8 triệu người vào năm 2015.

Theo Google và Temasek, do là khu vực có nhiều người dùng Internet gắn kết nhất thế giới, Đông Nam Á đang tự định hình các xu hướng công nghệ.

Khi nói đến các dịch vụ như “gọi xe công nghệ” hay giao món ăn, khu vực Đông Nam Á đang tăng trưởng nhanh hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới. Nhịp tăng trưởng đó sẽ còn tiếp tục khi một thế hệ mới ngày càng lớn lên và nhiều người dân nông thôn tiếp cận được với Internet.

Theo dự báo của Google, đến năm 2025, nền kinh tế số khu vực ASEAN sẽ tăng gấp 3, chạm mức 300 tỷ USD. Với quy mô này, nền kinh tế số khu vực ASEAN sẽ rút ngắn được khoảng cách với những thị trường phát triển hơn về tỷ lệ đóng góp vào GDP.

Trọng Đạt