Sáng 15/4, tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2022 (HEF 2022), Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, trong năm 2021 trải qua biến cố đại dịch Covid-19, gây tổn thất cả về kinh tế, xã hội và con người. 

Theo ông Nên, đại dịch Covid-19 để lại hậu quả nhưng mặt khác đã và đang tác động thức đẩy chuyển đổi số trên cả 3 nội dung: chính quyền số, DN số và xã hội số. Trong nguy có cơ và đây là cơ hội để TP.HCM triển khai chương trình chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, tái cơ cấu nền kinh tế trên nền tảng phát triển.

“Chúng ta đang sống ở giai đoạn thế giới thực sự có hai nền kinh tế. Đó là kinh tế kỹ thuật số và kinh tế truyền thống, nền kinh tế kỹ thuật số ngày càng trở nên mạnh mẽ, áp đảo nền kinh tế truyền thống”, ông Nên nói. 

Tuy nhiên, kinh tế số vẫn còn là lĩnh vực mới mẻ, bên cạnh sự đầu tư hạ tầng và dẫn dắt của chính quyền địa phương, rất cần sự chung tay đóng góp của các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách từ Trung ương, các bài học kinh nghiệm quý báu từ các DN. Kinh tế số cũng đòi hỏi tinh thần dám nghĩ dám làm, đổi mới sáng tạo tìm kiếm cơ hội kinh doanh của các doanh nhân. 

Ông Nguyễn Văn Nên nhận định, kinh tế kỹ thuật số đang lấn át kinh tế truyền thống (ảnh: Trần Chung)

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, cho hay, về mục tiêu phát triển kinh tế số, TP.HCM đặt ra các mục tiêu cao hơn cả nước, đến 2025, kinh tế số đóng góp 25% và đến 2030 đóng góp 40%, tương ứng mục tiêu cả nước là 20% và 30%. 

Kinh tế số giúp tăng năng suất lao động, tạo ra các cơ hội kinh doanh mới cho DN, góp phần quan trọng tái cấu trúc nền kinh tế và trước mắt giúp phục hồi nhanh về tăng trưởng kinh tế. Thành công về chuyển đổi số và kinh tế số tại TP.HCM sẽ góp phần quan trọng thành công trên cả nước; đồng thời khẳng định vị thế đầu tàu kinh tế của địa phương.

Để thực hiện thành công mục tiêu trên, Phó Thủ tướng đề nghị địa phương thực hiện một số nhiệm vụ. Cụ thể:

Một, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thu hút và khai thác tốt mọi nguồn lực để phát triển sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, tức là nền kinh tế thực.  Chỉ khi nền kinh tế mạnh, hàng hóa dịch vụ dồi dào thì mới là nền tảng bền vững cho phát triển kinh tế số, kinh doanh trực tuyến hay các dịch vụ cao cấp khác. 

Hai, kinh tế số là vấn đề mới đối với Việt Nam nhưng không mới đối với nhiều quốc gia. Do đó, tăng cường hợp tác, trao đổi và học hỏi các quốc gia, các đối tác, bạn bè quốc tế. 

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tham dự Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2022 - HEF 2022 sáng 15/4 (ảnh: Trần Chung)

Ba, phương châm về thực hiện chuyển đổi số, kinh tế số là “tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, cách làm thực tiễn, cụ thể”. Tuyệt đối không thể triển khai theo kiểu phong trào, vì chắc chắn sẽ dẫn đến lãng phí nguồn lực, không hiệu quả. Chính quyền là người dẫn dắt, tạo điều kiện cho sự phát triển, thu hút DN, cá nhân tham gia trong một hệ sinh thái chung. 

Bốn là, trước mắt, trong khi tiếp tục đầu tư hạ tầng số và cải thiện các hạ tầng thiết yếu khác, một việc rất quan trọng nhưng ít tốn kém là nâng cao nhận thức, trình độ và kỹ năng của nhân lực tham gia chuyển đổi số và kinh tế số. Trong đó, sự chuyển biến nhận thức thực sự cần bắt đầu từ các cán bộ công chức trong bộ máy chính quyền.

Trần Chung 

Quy mô kinh tế số Việt Nam đạt 21 tỷ USDTheo số liệu trên vừa được Google, Temasek và Bain & Co. đề cập trong báo cáo mới công bố, nền kinh tế số Việt Nam năm 2021 dự kiến đạt 21 tỷ USD, tăng 31% so với năm 2020.